Giày nội có lội ngược dòng?

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây một số thương hiệu giày nội đang có những chiến lược marketing bứt phá nhằm thu hút người tiêu dùng và cũng ghi nhận những kết quả khả quan. 
Giày nội có lội ngược dòng?
Song thương hiệu nội có thể làm cú lội ngược dòng ngay trên sân nhà hay không vẫn còn là câu hỏi cần có thêm thời gian trả lời.
Gắn với người nổi tiếng
Vào website juno.vn (một thương hiệu giày, túi xách nữ của Việt Nam) thời điểm này sẽ bắt gặp ngay hình ảnh nữ ca sĩ Tóc Tiên cùng chương trình khuyến mại mới của thương hiệu Juno là đặt trước túi và ví da thật chỉ 2 triệu đồng. Không chỉ ca sĩ Tóc Tiên mà Juno đang được “ủng hộ” bởi nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong làng giải trí Việt Nam như Ngọc Trinh, người mẫu Lan Khuê, diễn viên Bảo Thanh, ca sĩ Gil Lê, MC Phan Anh, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc…
Song hành với việc gắn thương hiệu giày, túi xách của mình với những người nổi tiếng, vũ khí của Juno trong hơn 1 năm qua nhằm kéo người tiêu dùng đến với mình chính là các chương trình khuyến mại giảm giá lớn, hay mua hàng trúng thưởng. Chương trình gần đây nhất Juno tung ra chính là “200.000 đôi giày đồng giá 200 ngàn đồng” hồi đầu tháng 7. Mức giá này đã giúp Juno thu được thành công khi ghi nhận kết quả mỗi ngày có hơn 20.000 đơn hàng được thực hiện. 

Trước Juno, một thương hiệu giày nội khác là Biti’s cũng gắn hình ảnh thương hiệu sản phẩm mới của mình là Biti’s Hunter với ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTV và Soonin Hoàng Sơn. Ngay lập tức chiến dịch này của Biti’s đã thu hút được sự quan tâm lớn của giới trẻ. Lâu nay nhắc đến sản phẩm của Biti’s, điều người tiêu dùng dễ định hình nhất chính là độ bền chứ không phải yếu tố thời trang.
Nhưng việc quảng bá thông qua 2 ca sĩ trẻ khiến người dùng có cách nhìn khác đi. Và sau thành công này, hình ảnh Sơn Tùng là điều đầu tiên khách nhìn thấy khi vào webiste của Biti’s. Có thể thấy khi nhắc đến các dòng giày thể thao người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến các thương hiệu như Nike, Adidas… nhưng việc có thêm Biti’s Hunter có thể sẽ mang đến thêm lựa chọn cho giới trẻ, bởi mức giá khá phù hợp, chỉ khoảng 600.000 đồng/đôi. 

Cơ hội thị trường nội

Thị trường nội địa luôn được đánh giá rất tiềm năng, nhưng lâu nay các DN nội vẫn bị lép vế ngay trên chính sân nhà. Sự nổi lên của Biti’s hay Juno gần đây có lẽ chỉ là những điểm sáng lẻ loi trong bối cảnh chung còn nhiều vấn đề. Trước hết, giày dép từ Trung Quốc với 2 điểm mạnh là mẫu mã đa dạng và giá thành cực rẻ đã chiếm lĩnh một thị phần rất lớn nhất là ở các vùng nông thôn. Ngoài ra, DN đang bế tắc trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái.
Ông Trần Thế Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Viễn Thịnh, cho biết trung bình mỗi tháng công ty ông cho ra đời khoảng 120 mẫu mã mới nhưng vẫn rất nhức nhối với nạn hàng giả, hàng nhái. Vì một mẫu mới sau khi ra đời khoảng vài ngày đã xuất hiện hàng nhái tràn lan. Thậm chí bảo bối sở hữu trí tuệ trong trường hợp giả nhái này cũng không thể sử dụng được.
Nguyên do các hãng chỉ có thể đăng ký sở hữu cho các nhãn hàng, còn các mẫu giày mới được ra đời liên tục nên không thể đăng ký từng mẫu. Đó là chưa kể nếu sản phẩm có đăng ký cũng không đánh lại được hàng giả, nhái vì đối tượng làm nhái chỉ cần thay đổi một vài chi tiết là khác nguyên mẫu.

Thử làm một bài toán đơn giản, với 90 triệu dân nếu chỉ lấy khoảng 60 triệu người với nhu cầu mua chừng 2 đôi giày/năm, con số tiêu thụ cũng lên tới 120 triệu đôi/năm để thấy thị trường trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho các DN nội. Việt Nam cũng có nhiều thương hiệu khác như Hồng Thạnh, Vina giày, Hạnh Dung, Bita’s… nhưng những thương hiệu này lại khá im lìm, rất ít có các chương trình truyền thông quảng bá mà làm theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.
Nhưng cách thức này dường như chưa thực sự mang lại hiệu quả. Trở lại câu chuyện của Juno, ngoài việc gắn thương hiệu với nhiều người nổi tiếng, Juno còn tung ra rất nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Song một số ý kiến cho rằng nếu Juno cứ tung ra nhiều chương trình khuyến mại như thế có thể gây hiệu ứng ngược.
Vì với thương hiệu nào cũng vậy, giảm giá chỉ nên có từng đợt trong năm, nếu giảm nhiều có thể làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Ví như cứ khi nào có giá 200.000-250.000 đồng cho một sản phẩm, hoặc khi mua hàng có quà người dùng ùn ùn kéo đến, còn khi trở về mức giá thực khoảng 400.000 đồng/đôi người ta lại dễ nâng lên đặt xuống cân nhắc, nhất là khi hướng tới khách hàng ở phân khúc trung bình. 

 Có thể thấy hành trình để những đôi giày “made in Vietnam” có thể đến với kệ giày của các gia đình Việt không hề đơn giản. Cần một sự chung tay vào cuộc của nhiều thương hiệu để tạo nên sức mạnh cạnh tranh nhằm giành lấy phần nhiều trong miếng bánh 1,5 tỷ USD/năm.

Các tin khác