Không nên tận thu bằng VAT

(ĐTTCO) - Đề xuất tăng thuế VAT cùng việc bổ sung một số sản phẩm như trà, cà phê, nước uống có ga vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính sẽ tác động như thế nào đến DN?
 Xung quanh vấn đề này ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Đứng về phía DN ông bình luận gì về đề xuất tăng thuế VAT cũng như bổ sung một số mặt hàng trà, cà phê, nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB của Bộ Tài chính mới đây?

Ông PHẠM NGỌC HƯNG: -
Thuế VAT tăng đồng nghĩa giá các mặt hàng sẽ tăng theo, điều này dẫn đến việc người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, dẫn đến sức cầu giảm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các DN. Riêng với các DN phải nhập khẩu nguyên liệu hay thiết bị đầu vào, việc tăng VAT cũng làm ảnh hưởng đến dòng tiền của DN. Mặc dù sau khi bán được hàng DN sẽ được hoàn thuế VAT, nhưng khoảng thời gian này ít nhất phải nửa năm. 

Còn về đề xuất bổ sung một số mặt hàng như cà phê, trà, nước uống có ga vào đối tượng chịu thuế TTĐB, theo tôi không thỏa đáng. Lâu nay thuế TTĐB thường được áp cho các mặt hàng xa xỉ hay những mặt hàng gây hại cho sức khỏe như thuốc lá, bia, rượu… Còn với trà, cà phê là những thức uống quen thuộc của rất nhiều người tiêu dùng. Nó không chỉ là một nét văn hóa, mà trà, cà phê cũng còn có những yếu tố tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt 2 sản phẩm này sử dụng nguyên liệu từ ngành nông nghiệp của Việt Nam. Trong khi những năm qua Nhà nước luôn khuyến khích các DN đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông nghiệp thô thành sản phẩm tinh để nâng cao giá trị, nếu đánh thuế TTĐB lên trà, cà phê dường như đang đi ngược lại chủ trương hiện đại hóa chế biến sau thu hoạch. 
Không nên tận thu bằng VAT ảnh 1 Đề xuất cà phê, trà vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của DN 
Còn với sản phẩm thức uống có ga, Bộ Tài chính cho rằng để bảo vệ sức khỏe cho người dân theo tôi cũng chưa đúng. Thay vì đánh thuế TTĐB lên các sản phẩm này, tại sao không đánh thêm nhiều lần vào bia, rượu, thuốc lá - những thứ rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, những đề xuất này đi vào thực tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. - Một vấn đề khác cũng đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN là việc Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) đề xuất bỏ gần 2.000 trong hơn 4.000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD). Theo ông đây có phải là tin vui đối với các DN?
- Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi là bước cải cách đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, trong đó hạn chế tối đa giấy phép con là một trong những mục tiêu mà Chính phủ hướng tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay giấy phép con vẫn là nỗi ám ảnh của DN.
Gần đây trong phiên họp Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã đưa ra số liệu tổng hợp của bộ hiện có 4.284 yêu cầu, ĐKKD trong 243 ngành nghề và có nhiều bất cập. Do đó, Bộ KH-ĐT đề xuất bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những giấy phép con cản trở DN lâu nay. Đây có thể xem là những tín hiệu vui cho DN, nhưng phải thẳng thắn nhìn vào thực tế bộ nào cũng muốn giữ đặc quyền cho mình, nên cũng khó biết đến khi nào đề xuất này mới được thực hiện. 

- Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, dường như các DN vẫn ngổn ngang trong nhiều khó khăn?

- Đúng là hiện nay áp lực cạnh tranh lên các DN rất lớn, áp lực này không chỉ đến từ các nước trong khu vực ASEAN mà còn từ các nước Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương-đa phương. Họ sẽ tham gia sâu vào thị trường Việt Nam khi các hiệp định này chính thức có hiệu lực. Ngay từ bây giờ DN Việt Nam cần làm sao có đủ “sức khỏe” để đương đầu tốt nhất trong “cuộc chiến” này.
Thời gian qua, quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt khối DN tư nhân được thể hiện rất rõ và cũng nhận được những đánh giá cao, đồng thời các DN cũng đặt nhiều tin tưởng vào quyết tâm ấy của Chính phủ. Như mới đây việc Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua tiếp tục củng cố thêm niềm tin của các DN. 

Song lúc nào cũng vậy, từ chính sách đi vào thực tế mất khá nhiều thời gian và còn thiếu sự đồng bộ trong thực thi của nhiều bộ, ban, ngành. Và DN chỉ còn biết mong mỏi những chính sách tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sớm đi vào thực tế để giảm bớt gánh nặng, tập trung đầu tư để có thể giành được thế chủ động trên chính sân nhà của mình trong những cuộc đối đầu sắp tới. 

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác