Nặng chi phí khiến DN khó liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu

(ĐTTCO)-Chi phí cao đang là rào cản cho các doanh ngiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối diện với nhiều khó khăn về tài chính.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối diện với nhiều khó khăn về tài chính.

Trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng APEC 2017 phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP HCM, ngày 11/9, Diễn đàn Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính trong thời đại kỹ thuật số cho các các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các đại biểu đã tập trung phản ánh những thách thức hiện tại về cung cấp vốn và nợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc phát hành cổ phiếu với những cải tiến mới gần đây trong khu vực. Trong đó, những đổi mới về tài trợ cho lĩnh vực công nghệ đã tạo nên những thách thức đối với nhóm doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung nhìn nhận sự phát triển của chuỗi cung ứng tài chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đưa ra những bài học chính để phát triển bền vững và bao quát cho chuỗi cung ứng thị trường tài chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế Khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng được đẩy mạnh thông qua khả năng xuất khẩu.

Tuy nhiên chi phí cao đang là rào cản cho các doanh ngiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng và tối đa hóa được các tiềm năng của họ để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay mới chỉ có 21% các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaisia là 30%.  

Theo một số chuyên gia, các đối tác cung – cầu, những nhà cung cấp cần phải đẩy mạnh mối liên kết hơn nữa để Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Quan trọng là việc hướng tới thực hành, đưa vào các sản phẩm mới liên quan đến chuỗi giá trị, liên quan đến các khoản thu, đưa vào những nền tảng mới như thương mại điện tử để cung cấp các dịch vụ này.

Bởi theo các chuyên gia, hiện thị trường tài chính được toàn cầu hóa ngày càng nhiều, các giao dịch dựa trên những chuỗi cung ứng ngày càng được mở rộng trên toàn bộ khu vực để mở rộng hơn tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó tạo ra sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn trong khu vực. 

Nhận xét về tinh thần chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, mặc dù còn có những khó khăn, nhưng các doanh nghiệp cần có tầm nhìn trung hạn, dài hạn, cần phải chủ động trong việc tham gia vào các gói của các ngân hàng và các chương trình của các ngân hàng.

“Nếu các doanh nghiệp làm được như vậy, chắc chắn sẽ khắc phục được những khó khăn hiện hữu và tiếp cận được tín dụng ngân hàng”, ông Mại nêu quan điểm.

Theo ông Lion Taylor, Giám đốc điều hành mạng lưới tư vấn thương mại Anh, vai trò của ngân hàng trong bối cảnh tài trợ cho chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng quan trọng.

Bởi lẽ, các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng đang chiếm rất ít trong tỉ trọng cho vay chung. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là, bên cạnh về mặt pháp lý, yếu tố về mặt lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp cũng là vấn đề rất quan trọng để ngân hàng có thể cho vay được.

“Các ngân hàng cũng phải tìm cách giải quyết khi nhận thấy những thách thức để giải quyết việc cho vay trong hoạt động của chuỗi cung ứng. Phải nhìn lại cách sử dụng nguồn lực của các ngân hàng nội địa. Các chương trình hỗ trợ, các chương trình vay vốn của các ngân hàng cần được xem xét có đầy đủ nguồn lực và kiến thúc chuyên môn để thực hiện cho vay chuỗi cung ứng như vậy hay chưa?”, ông Lion Taylor nói.

Tiếp tục hoạt động của Hội nghị các Bộ trưởng APEC 2017 phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày hôm nay (12/9) sẽ diễn ra Hội thảo Apec Kinh tế số.

Các tin khác