Ngành da giày đang tụt hậu

(ĐTTCO) - Ngày 20-3, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị ngành da giày. Tại đây các chuyên gia cũng như đại diện phía Hiệp hội da giày đã cùng bàn thảo về các cơ hội và thách thức của ngành trong bối cảnh thương mại mới. 

Quá yếu năng lực
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức với ngành trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, chính là việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và sản xuất của DN Việt Nam còn thua xa các DN FDI. Hiện nay ngành da giày đang phải thực hiện nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách với Chính phủ.
 Thực tế năng lực của DN Việt Nam chưa đủ để đón nhận số lượng đơn hàng lớn. Năm ngoái khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều đơn hàng được chuyển qua cho Việt Nam, nhưng năng lực của chúng ta lại không đáp ứng được. Và nhiều nhãn hàng đã chuyển từ Trung Quốc qua sản xuất tại Indonesia. 
Ông Diệp Thành Kiệt
Thứ hai, năng suất lao động trong các DN nội cũng có mức chênh lệch rất lớn với các DN FDI (trong khoảng 30-40%). Hiện 70% DN Việt Nam vẫn chỉ là gia công đơn thuần theo đơn đặt hàng, 30% làm theo dạng FOB. Rất ít DN có trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chính những điều này khiến DN Việt Nam chưa thể lớn nhanh và chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của toàn ngành da giày là không hề nhỏ. 
Thách thức của ngành không chỉ đến từ nội tại của DN, mà còn từ các yếu tố tác động bên ngoài, như mức lương của lao động đang tăng trung bình khoảng 5%/năm, khiến DN phải chịu thêm gánh nặng. Cùng với đó ở những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày Việt Nam như Mỹ, châu Âu chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ngày càng nhiều hơn. 
Ông Filippo Bortoletti, chuyên gia tư vấn thương mại, đầu tư quốc tế cho rằng  DN Việt Nam phải cố gắng chuyển đổi từ làm gia công sang mô hình có nhiều giá trị hơn, mang về lợi nhuận lớn hơn phải chủ động trong thiết kế, phải chuyển đổi theo hướng đi lên chứ không phải hài lòng theo hướng sẵn có. Song ông Filippo cũng nhấn mạnh rằng, quá trình chuyển đổi này cũng cần có thời gian chứ không phải một sớm một chiều. Ngay như Italia, một đất nước vẫn nổi tiếng về thiết kế, nhưng để làm được như vậy họ cũng cần rất nhiều thời gian. 
Ngành da giày đang tụt hậu ảnh 1 Các DN da giày cần chuyển đổi từ gia công sang sản xuất thiết kế để gia tăng giá trị. 
Thực tế hiện nay, phía Hiệp hội da giày Việt Nam cũng đã có hỗ trợ nhiều chương trình đặc biệt các khóa đào tạo cho DN trong thiết kế mẫu tiêu biểu, như việc hợp tác cùng thương vụ Italia tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế giày dép, túi xách. Song sự hỗ trợ từ Chính phủ là hết sức cần thiết.
Đại diện Công ty giày Hải Dương cũng chia sẻ, công ty hiện đang gia công 100% và cũng mong mỏi Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, kết nối với các trường viện để cải thiện khâu thiết kế trong sản xuất và xuất khẩu. 

Đừng quá kỳ vọng EVFTA
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đã mang đến nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có ngành da giày. Ngay như hiệp định CPTPP mới có hiệu lực từ ngày 14-1, tuy không có sự tham gia của Mỹ, nhưng ngành da giày cũng kỳ vọng tăng trưởng từ thị trường Canada vốn chưa có FTA với Việt Nam.
Theo nhiều phân tích trước đây khi vào được thị trường Canada, giày dép của Việt Nam cũng thuận lợi hơn khi tiếp cận vào Mỹ. Do vậy hiện nay hầu hết các DN ngành da giày đều đang mong chờ vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo số liệu từ Hiệp hội da giày, trong một vài năm qua xuất khẩu qua châu Âu có giảm đôi chút, nhưng thị trường này vẫn chiếm 29% tổng xuất khẩu ngành da giày Việt Nam. “Chúng tôi kỳ vọng EVFTA sẽ được ký vào giữa năm và có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới” - ông Diệp Thành Kiệt chia sẻ. 
Hiện nay Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại ASEAN có hiệp định riêng với EU, nên sẽ có nhiều lợi thế khi so sánh với những quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Campuchia hay Myanmar. Tuy nhiên, dù Việt Nam nói chung và các DN ngành da giày nói riêng đang rất kỳ vọng vào EVFTA, thì vẫn phải chấp nhận một thực tế là châu Âu chưa gấp rút trong việc này.
Ông Nguyễn Hải Minh, thành viên Ban điều hành và đối tác EuroCham Việt Nam giải thích thêm, việc châu Âu chậm ký hiệp định này không phải là bất ngờ, vì hiện nay đang phải chia thành 2 hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư. Ông này cũng kỳ vọng rằng EVFTA sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cộng đồng châu Âu vào tháng 5 tới đây. 
Theo phân tích của các chuyên gia, trong khi EU đang còn bàn thảo và chưa đi đến quyết định cuối cùng về EVFTA, các DN Việt Nam nên chuẩn bị về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng cơ hội mà không bị tụt lại phía sau khi cánh cửa đang mở ngày càng rộng. Thực tế, không với EVFTA mà với tất cả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, để có thể hưởng lợi DN cũng phải lưu ý nhiều vấn đề, trong đó có quy tắc xuất xứ hàng hóa. 
Điều này được bà Trịnh Thị Thu Hiền đến từ Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Mỗi FTA có bộ quy tắc xuất xứ riêng, DN cần nắm vững kiến thức, quy định về quy tắc xuất xứ trong từng FTA. Quy tắc xuất xứ giúp DN được hưởng ưu đãi, nhưng đồng thời cũng vô hiệu hóa ưu đãi nếu có gian lận thương mại quy tắc xuất xứ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả  ngành hàng xuất khẩu”. 

Các tin khác