Những bài toán nan giải của startup Việt

(ĐTTCO) - Nguồn vốn được xem là mối quan tâm lớn của các DN khởi nghiệp (startup). Song, bên cạnh vốn vẫn còn nhiều vấn đề nan giải khác mà một startup phải đi tìm lời giải trong những bước đi đầu tiên của mình trên con đường khởi sự kinh doanh. 

Đau đầu chuyện nhân sự
Chị Hoàng Anh, người sáng lập một startup trong lĩnh vực giáo dục, chuyên ứng dụng công nghệ trong hướng nghiệp cho học sinh sinh viên, đang đứng trước một bài toán lớn trong tuyển dụng nhân sự: Đó là trong giai đoạn đầu nên tuyển dụng những nhân sự có kinh nghiệm (chấp nhận bỏ chi phí cao), hay tuyển những bạn ít kinh nghiệm nhưng không mất nhiều chi phí?
Rồi trong suốt quá trình làm việc cùng nhau, làm cách nào để các nhân sự cũ không bị ù lì, động lực nào khiến họ đột phá, năng nổ hơn? Làm sao để có mối tương quan tốt giữa người mới và người cũ trong một tổ chức DN còn rất mới như startup? Thực tế, những nút thắt về nhân sự của chị Hoàng Anh cũng chính là nỗi lòng của nhiều startup hiện nay khi DN còn nhỏ, kinh phí còn eo hẹp. 
Với kinh nghiệm hơn 6 năm thành lập DN và hiện đang phát triển thêm công ty mới tại thị trường Singapore và Nhật Bản, bà Phạm Lan Khanh, nhà sáng lập FreelancerViet.vn, cho rằng trước bài toán về nhân sự, người sáng lập DN cần phải cân nhắc khả năng tài chính của mình cũng như những áp lực thời gian cho dự án.
Chẳng hạn, một sản phẩm cần phải ra mắt trong khoảng thời gian không dài, thì buộc startup phải thuê nhân sự giỏi. Hay trong 6 tháng tới DN cần phải có được kết quả nào đó thì phải chấp nhận bỏ kinh phí thuê người có kinh nghiệm. Đồng thời ngay từ khi khởi nghiệp, startup phải hình thành văn hóa DN, điều mà các startup hay bỏ quên trong giai đoạn đầu.
“DN càng nhỏ càng nên chú ý xây dựng văn hóa chung, đó là chất keo dính mọi người, định hướng nhân viên đi theo mục tiêu mà chủ DN mong muốn. Đồng thời, người sáng lập luôn phải là nguồn động lực sáng tạo không ngừng để giúp nhân viên thoát khỏi sự ù lì, thiếu liên kết” - bà Khanh chia sẻ. 
Những bài toán nan giải của startup Việt ảnh 1 Các strartup cần học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. 
Thách thức tuyển người đã không nhỏ, nhưng tuyển rồi làm sao giữ được người cũng không phải là chuyện dễ khi startup luôn phải đứng trong cuộc cạnh tranh với nhiều ông lớn trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn cho những người có kinh nghiệp.
Chỉ tính riêng lĩnh vực CNTT hiện nay, các startup cũng đang mọc lên như nấm sau mưa, nhưng họ lại phải đối mặt với bài toán nhân sự đang rất khốc liệt. Tuyển người mới ít kinh nghiệm vào đào tạo, một thời gian khi đã “đủ lông đủ cánh”, họ thường sẽ bỏ qua công ty khác lớn hơn có mức lương cao hơn.
Theo kinh nghiệm của ông Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight, một trong những cách thức giữ chân nhân sự chính là để cho họ thấy được chiến lược, tầm nhìn của mình trong tương lai cũng như những bước hoạch định để hoàn thiện chiến lược đó. Có như vậy nhân sự mới có thể an tâm đồng hành lâu dài với startup. 

Marketing kiểu nhà nghèo
Đối với mỗi startup, từ việc có ý tưởng đến hoàn thiện ý tưởng cho ra được sản phẩm, dịch vụ đã không đơn giản. Thế nhưng làm sao để giới thiệu được sản phẩm, dịch vụ của mình đến với người dùng cũng là bài toán khó. Thông thường, để khách hàng biết, thử trải nghiệm và gắn bó lâu dài cần có kinh phí để truyền thông, tiếp thị.
Song với startup, kinh phí eo hẹp thì làm như thế nào, nhất là khi thị trường có nhiều sản phẩm tương tự của mình? Cũng có những startup chọn con đường tham dự nhiều cuộc thi và đặt mục tiêu chiến thắng. Vì khi chiến thắng cũng là lúc họ được marketing miễn phí trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, số lượng người chiến thắng luôn rất hạn chế. 
Tại một buổi chia sẻ cùng cộng đồng khởi nghiệp diễn ra cách đây ít lâu, một trưởng nhóm giáo dục Stem (khơi dậy khả năng sáng tạo giáo dục cho trẻ) bày tỏ nỗi băn khoăn của mình. Trên thị trường hiện nay mô hình giáo dục Stem đang khá phổ biến, rất nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này, vậy làm sao tạo ra được mạng lưới để mọi người có thể biết đến DN của mình chính là câu hỏi được bạn trẻ này đặt ra. 
Theo bà Lan Khanh, bí quyết chính là startup xây dựng được các cộng đồng chung trên nhiều phương tiện như mạng xã hội. Theo đó, thời điểm 2013 khái niệm freelancer (người làm nghề tự do) còn khá mới mẻ ở Việt Nam. DN cũng chưa biết tìm freelancer chất lượng ở đâu, freelancer cũng còn ít, chưa có kết nối với nhau.
Bà Khanh đã thành lập một cộng đồng freelancer, ở đó mọi người có thể chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm. Đồng thời tổ chức những event định kỳ mời các chuyên gia cùng chia sẻ với cộng đồng freelancer. Sau 2 năm hình thành, khi cộng đồng vững mạnh cũng là lúc mọi người biết đến dịch vụ kết nối DN và freelancer của bà Lan Khanh thông qua website FreelancerViet. Không chỉ trải nghiệm, mà những freelancer còn cho bà Khanh nhiều lời khuyên hữu ích để hoàn thiện sản phẩm của mình.
“Hoạt động cộng đồng rất hữu ích cho mô hình khởi nghiệp từ con số 0 và tôi đã làm rất tốt việc đó” - bà Khanh khẳng định. 
Tuy nhiên, thành công của người này không thể là bài học mà người khác có thể áp dụng ngay. Trường hợp của FreelancerViet, lợi thế chính là thời điểm hình thành còn quá mới mẻ, chưa có ai làm. Còn với những mô hình nhiều người cùng triển khai thì việc xây dựng cộng đồng tưởng dễ nhưng lại rất khó. Dễ là bởi ai cũng có thể xây dựng một cộng đồng nào đó, nhất là trên mạng xã hội, nhưng làm sao để mọi người cùng tham gia, cùng gắn bó lâu dài thì chính là phải cho người dùng thấy được giá trị nếu họ cùng tham gia vào cộng đồng của mình. 
 Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, dù Nhà nước và  chính quyền địa phương đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Khó khăn luôn rình rập, mỗi bước đi đều là những thử thách mà mỗi startup cần phải kiên định tìm cách vượt qua. Mỗi người sẽ có những bài toán hóc búa khác nhau, nhưng lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước là một trong những cách tốt để từng bước hoàn thiện mình. 

Các tin khác