Thận trọng với tăng thuế tiêu dùng

(ĐTTCO) - Báo cáo công bằng thuế do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra gần đây, đã mang đến các số liệu đáng chú ý. 
Thận trọng với tăng thuế tiêu dùng
Đó là tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập niên trở lại đây. Thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước (NSNN) với con số trung bình 80% trong giai đoạn năm 2006-2016. Nhưng trong tổng thu NSNN từ thuế/GDP đã giảm từ mức khoảng 24% GDP (năm 2006) xuống mức 18% GDP (năm 2016).
Thuế/GDP của Việt Nam thấp hơn so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng tương đương với các nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2014. Tuy nhiên, trong cả giai đoạn 2006 - 2014, thuế/GDP của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước trong ASEAN 5.
Thu NS không phải thuế ngày càng tăng trong tổng thu NSNN: từ mức 18% (năm 2006) lên mức 26,7% (năm 2016), nguồn thu này chiếm từ 3,6% GDP đến 6,5% GDP. Phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác không phải thuế đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu không phải thuế…
Thí dụ, tỷ trọng của khoản thu từ đất tăng khá mạnh từ năm 2014, năm 2016 chiếm 11% tổng thu NSNN và bằng 15% tổng thu thuế. Trong các khoản thu này, thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế tài sản) đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp, cho thấy nguồn thu của Việt Nam đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu và bảo vệ môi trường - PV).
Do vậy bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng cũng cần được xem xét thận trọng. Bởi thuế tiêu dùng dù được coi là trung tính và hiệu quả về việc hành thu, song lại được xem có tác động không tốt đến công bằng trong chi tiêu. Chính vì vậy trong thời gian tới cần nỗ lực để có thể ban hành loại thuế tài sản phù hợp, thay vì tăng các loại thuế đánh vào tiêu dùng. 
Nhiều chuyên gia cho rằng tiền bán tài sản (chủ yếu là đất) là nguồn thu rất không bền vững. Trong tương lai gần, nguồn thu này sẽ nhanh chóng cạn kiệt và NSNN sẽ bị thâm hụt ngày càng nặng nề hơn, nếu không có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn. Bên cạnh đó, cần rà soát lại chính sách miễn giảm thuế với các DN, nhất là DN FDI và công bố công khai cho người dân biết, trên cơ sở đó nên tính toán được phần thuế bị mất đi do miễn giảm thuế.
Hệ thống thuế của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu nằm trong việc trốn thuế và nợ thuế. Lý do khách quan cho điều này là do các giao dịch trong nền kinh tế chủ yếu dùng tiền mặt, ít dùng hóa đơn và hợp đồng. Thêm vào đó, một số chính sách miễn giảm thuế và hoàn thuế dễ dàng bị lợi dụng để trốn thuế và tránh thuế.
Mặt khác, việc phòng, chống chuyển giá vẫn chưa có hiệu quả, gây khó khăn cho việc thu thuế của các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty đa quốc gia. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, 2 biện pháp được hy vọng là sẽ giải quyết vấn đề trốn thuế tận gốc là thanh toán không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử. Vì thế, việc thúc đẩy những biện pháp này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn cơ sở thuế và số thu thuế, từ đó giảm được tình trạng thất thu thuế.

Các tin khác