Thấp thỏm tăng lương

Nhiều DN bày tỏ bức xúc trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm khoảng 16% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bởi theo các chủ DN việc này sẽ khiến DN gặp thêm nhiều khó khăn.

Nhiều DN bày tỏ bức xúc trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm khoảng 16% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bởi theo các chủ DN việc này sẽ khiến DN gặp thêm nhiều khó khăn.

Khó chồng khó

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Phương án 1, mức đề xuất lương năm sau tăng 420.000-600.000 đồng/tháng so với năm nay. Phương án 2, lương tối thiểu vùng năm sau tăng 350.000-550.000 đồng/tháng. Phương án 3, mức lương tối thiểu năm 2016 tăng 375.000-520.000 đồng/tháng.

Như vậy, với 3 phương án này tỷ lệ tăng lương tối thiểu năm sau có mức tăng 16-17,5% tùy theo vùng. Những thông tin này đang khiến DN lo lắng, bởi với mức tăng khoảng 16%, DN sẽ phải chịu thêm khoản chi phí không nhỏ, đặc biệt với các ngành sử dụng nhiều lao động như thủy sản, dệt may.

Những ngày qua Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi về vấn đề này. Trong đó có Tập đoàn thủy sản Minh Phú, DN có kim ngạch xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với 15.000 lao động làm việc tại 8 công ty thành viên trực thuộc. Theo ước tính của Minh Phú, nếu mức tăng lương tối thiểu vùng tăng thêm 10% và thu nhập người lao động tăng tương đương 10%, các khoản phụ cấp khác tăng 4%, bảo hiểm xã hội tăng 66%, chi phí sẽ tăng thêm 135,12 tỷ đồng. Đây là khoản tiền lớn DN và người lao động phải đóng góp.

Minh Phú cũng cho biết lợi nhuận bình quân của ngành thủy sản chỉ 2-3%, trong khi năm nay thị trường xuất khẩu xấu, giá tôm Việt Nam lại cao nên hầu như DN tôm không có lãi, thậm chí lỗ. Tiền lương chiếm 15% giá thành, nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 10% và đóng các loại bảo hiểm, kinh phí công đoàn theo thực tế tiền lương, DN sẽ bị lỗ 1,5-2,5%.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP May quốc tế Thắng Lợi - một trong những DN thuộc ngành nghề sử dụng nhiều lao động, khẳng định nếu mức tăng khoảng 16% DN sẽ gặp khó khăn rất lớn. Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa có văn bản đề nghị chính thức về vấn đề này, khi hầu hết DN ngành dệt may đều không đồng tình việc tăng lương trên.

Theo ông Hòa, hiện nay lương công nhân tính theo thu nhập cao hơn lương tối thiểu vùng. Thông thường trong ngành dệt may công nhân ăn lương sản phẩm phụ thuộc vào đơn giá gia công (công may). Hiện công may của thế giới đang có xu hướng giảm, vì thế nếu tăng lương tối thiểu vùng, tổng thu nhập của công nhân có thể không tăng, thậm chí giảm.

Cùng tâm trạng lo lắng với nhiều DN khác, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi, chia sẻ việc tăng lương cho người lao động là đúng nhưng sẽ gây nhiều khó khăn cho DN. Bởi khi tăng lương mọi chi phí sẽ lại đổ vào giá thành sản phẩm, khách hàng có thể từ chối không mua hàng. Đó là chưa kể việc khi lương tăng, giá thành nhiều loại sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ tăng theo, và như vậy liệu cuộc sống của người lao động có thực sự được cải thiện?

DN làm sao lớn?

Hầu hết DN đều cho rằng với những khó khăn hiện nay, cộng với việc tăng lương sẽ khiến DN khó ổn định để phát triển. “Tìm con đường phát triển lúc này thật khó khăn” - ông Ngô Đức Hòa tâm sự. Tại diễn đàn kinh doanh diễn ra hồi đầu tuần do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI), chia sẻ những con số và nhận định của mình. Theo đó hiện Việt Nam có khoảng 2% DN quy mô lớn, 2% DN quy mô vừa và 96% DN nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Lộc đánh giá chỉ 2% DN thuộc quy mô vừa là điều không bình thường. Nền kinh tế thiếu trầm trọng các DN cỡ vừa sẽ khiến việc kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu gặp khó khăn. Ông Lộc cũng thẳng thắn nhìn nhận hiện Việt Nam thu hút được nhiều thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, nhưng giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với DN nội địa chưa có sự kết nối với nhau.

Có đến 70% DN kinh doanh không có lãi nếu đề xuất về mức tăng lương tối thiểu được thông qua.

Có đến 70% DN kinh doanh không có lãi nếu đề xuất về mức tăng lương tối thiểu
được thông qua.

Câu chuyện tiền lương thực tế không phải là khó khăn nhất của các DN, nhưng tác động của nó không hề nhỏ. Theo một khảo sát của VCCI, có đến 70% DN kinh doanh không có lãi nếu đề xuất về mức tăng lương tối thiểu được thông qua. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch CTCP Đầu tư U&I, nói về những thách thức với DNNVV.

Theo đó khối DN này đang phải đương đầu với những bài toán khó về chi phí vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí không chính thức, chi phí logistics, kinh nghiệm quản trị... Thực tế DN Việt Nam có 2.500 lao động với vốn đầu tư 10 triệu USD chỉ sinh lời khoảng 3%/doanh số. Trong khi DN FDI sử dụng 1.000 lao động với vốn đầu tư 15 triệu USD có tỷ suất sinh lời 10%.

Thời gian qua Việt Nam liên tiếp ký kết cũng như kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ở mặt tích cực, đây đang được xem là cơ hội lớn để các DN hội nhập, đi vào biển lớn. Nhưng theo cách nói của ông Vũ Tiến Lộc, việc thiếu những DN cỡ vừa sẽ làm việc kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu gặp khó khăn, liệu các DN Việt Nam có thể tận dụng tốt những cơ hội này hay không, đang là câu hỏi chưa thể tìm ngay lời giải.

Các tin khác