Xây dựng nền tảng tăng trưởng bền vững

(ĐTTCO) - Trung tâm Thông tin - Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) vừa cập nhật nhiều dự báo tích cực của nền kinh tế 2018, như GDP có khả năng tăng trưởng cao hơn.
 Tuy vậy nền kinh tế vẫn đối mặt những rủi ro, như áp lực lạm phát tăng cao, giải ngân đầu tư công chậm. Do vậy, để hướng tới mục tiêu tăng trưởng lâu dài, bền vững, việc cấp bách lúc này là phải cải thiện hiệu quả, chất lượng tăng trưởng.
Áp lực lạm phát
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, kiềm chế lạm phát bình quân tăng ở mức 4%. Cập nhật dự báo của NCIF, TS. Đặng Đức Anh, Ban phân tích NCIF, nhận định quý I, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2017, đặc biệt là sự đóng góp của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 2 tháng đầu năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng 17% - đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.
 Tăng trưởng năm nay có thể cao hơn năm ngoái, lạm phát cũng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, kịch bản dự báo cần tính đến nhân tố 2-3 năm vừa qua lượng tiền tung ra rất mạnh, nên chăng tính đến độ trễ của tăng lãi suất, và hiệu ứng của chứng khoán. Việt Nam đang nỗ lực chuyển từ thị trường cấp thấp lên thị trường mới nổi và nếu được thì dòng tiền sẽ vào nhiều hơn.
TS. Lê Xuân Sang, 
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng chung khá lớn tới 2,36% tăng trưởng chung, trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục được duy trì đà tăng trưởng các năm trước. Sự bứt phá của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến từ các động lực là Samsung, Formosa.
Cụ thể, quý I-2017, Samsung hoãn đưa sản phẩm Galaxy vào thị trường, Formosa chưa đi vào sản xuất, nhưng quý I-2018 Samsung có đà tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu mạnh. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm Formosa đạt sản lượng 1,64 triệu tấn thép. Dự báo, khi lò cao số 2 của Formosa đi vào vận hành thời gian tới, sản lượng sắt thép sẽ tăng mạnh hơn nữa. 
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù Hoa Kỳ có chính sách giảm thuế thu nhập DN nhưng tác động đến Việt Nam chưa rõ rệt, vốn đăng ký, kể cả trực tiếp và góp vốn thông qua mua lại cổ phần DNNN không có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
Dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô như trên, TS. Đặng Đức Anh đã đưa ra những thay đổi về dự báo kinh tế năm 2018 theo hướng tích cực hơn so với kịch bản cơ sở được NCIF công bố vào cuối năm 2017. Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm 2018 sẽ đạt mức 6,83% (tăng thêm 0,12%).
Trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 3,01%, công nghiệp xây dựng tăng 7,86%, dịch vụ tăng 7,52%. Về cán cân thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 259,11 tỷ USD (tăng thêm 14,7 tỷ USD); tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 258,36 tỷ USD (tăng thêm 12,66%) và dự báo năm nay sẽ xuất siêu 0,75 tỷ USD. Vốn đầu tư/GDP đạt 33,5%, lạm phát bình quân tăng 4,5%.
Dù nhận định kinh tế quý I tiếp tục đà tăng trưởng năm trước và đạt tốc độ 6,23%, tăng hơn 1% so với quý I-2017, nhưng NCIF lưu ý 2 yếu tố rủi ro trong năm nay là giải ngân đầu tư công chậm và lạm phát có thể tăng cao. Thậm chí, nguy cơ lạm phát bình quân vượt ngưỡng dự báo 4,5% khá lớn nếu không có sự đồng bộ trong điều hành chính sách, đặc biệt là điều chỉnh giá dịch vụ công, chính sách tiền tệ, tỷ giá khi có cú sốc bên ngoài.
Đồng thời, giá thị trường quốc tế tăng trở lại có tác động tăng mặt bằng giá trong nước. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công cũng cần đặc biệt quan tâm thời gian tới.
Xây dựng nền tảng tăng trưởng bền vững ảnh 1 Nền tảng tăng trưởng kinh tế không nên quá dựa vào DN FDI. 
Thay đổi để nâng chất tăng trưởng
TS. Cao Viết Sinh, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), nhận định: “Tôi đồng tình lạm phát là vấn đề cần đặt ra, cần đặc biệt quan tâm khi rủi ro lạm phát lớn. Giá dầu sẽ tăng, tăng giá các dịch vụ khác, áp lực tỷ giá. Riêng tỷ giá nếu không điều chỉnh dòng vốn FDI sẽ đi ra ngay. Năm ngoái chúng ta đã xử lý tốt vấn đề tỷ giá nhưng chưa chắc tốt cho năm 2018. Áp lực tín dụng, nhất là tín dụng tiêu dùng cuối năm 2017 tác động đến năm 2018 thế nào cũng cần tính toán kỹ”.
Cũng theo ông Sinh, kế hoạch cả năm, mỗi ngành đều đã có và cần căn cứ vào kế hoạch xem những ngành có khả năng đạt được. Trong bối cảnh hiện nay, không nên giao theo kiểu mệnh lệnh hành chính vì sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn, xi măng, sắt thép sản xuất ra là theo thị trường, cho nên cơ quan thống kê, các ngành báo cáo khả năng thị trường thế nào nên đặt ra kịch bản như vậy.
Mong chờ có nhân tố tích cực tạo ra thay đổi năm 2018, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thông thường trong chu kỳ kế hoạch 5 năm, năm giữa là bản lề, nếu tạo được cú hích cho phát triển sẽ giúp năm sau tăng lên. Ngược lại nếu không bứt phá, 2 năm cuối chỉ cố gắng để đạt chỉ tiêu.
Thực tế năm 2017 đã có nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mô hình kinh doanh, tái cơ cấu kinh tế, tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, cải cách của khu vực sự nghiệp nhà nước. Vấn đề là năm 2018 có thực hiện được không, nếu thực hiện tốt sẽ tạo thay đổi. Đầu tư công chưa nhiều nhưng quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công. Giải ngân chậm là vấn đề nhưng nếu giải ngân nhanh theo cách đầu tư 1.400 tỷ đồng cho nghĩa trang, đó là tăng trưởng không đáng mong muốn.
Hiện nay vẫn còn nhiều dự án dù danh nghĩa có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không đóng góp thực sự cho nền kinh tế. Vì thế, chỉ có thay đổi được hiệu quả và chất lượng tăng trưởng mới tạo được nền tảng cho tăng trưởng cao bền vững, không phải đổ tiền đầu tư để đạt tăng trưởng.

Các tin khác