Xử lý 12 dự án thua lỗ

(ĐTTCO) - Bộ Công Thương vừa kiến nghị Chính phủ thời gian hoàn thành đàm phán, quyết toán các gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng) và quyết toán 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ. 
Nguyên nhân do các hợp đồng EPC không đầy đủ, việc xử lý phát sinh không kịp thời, không dứt điểm, dẫn đến bế tắc. Bên cạnh đó, dù một số dự án đã ổn định sản xuất, nhưng vẫn tiếp tục thua lỗ khiến quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.
Thời gian bị kéo dài
Trong số 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón nằm trong danh mục 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ, có 3 dự án đang phải gỡ vướng trong các hợp đồng EPC: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
Cụ thể, đối với nhà máy đạm Hà Bắc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và nhà thầu EPC chưa thống nhất về tăng, giảm thiết bị so với hợp đồng, chênh lệch giá trị thiết bị trong hợp đồng và giá trị nhập khẩu thực tế, tiền thuế đối với thiết bị, vật liệu phục vụ lắp đặt, thuế với nhà thầu xây lắp, việc thay đổi xuất xứ, thông số kỹ thuật, thiết bị vật tư, và chi phí phát sinh.
Đối với dự án DAP 2 - Lào Cai, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn chưa thống nhất được số ngày chậm tiến độ dự án, thời điểm cấp chứng chỉ nghiệm thu, thiết bị lắp đặt thay đổi xuất xứ, thông số so với hợp đồng EPC đã ký.
Những rắc rối trong hợp đồng EPC đã ký giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với 4 tổng thầu tại các dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, cũng đang làm chậm quá trình xử lý thua lỗ tại các dự án này.
Dù PVN đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên BER-BF, BSR, PVOil, PTSC làm việc với các nhà thầu EPC thực hiện dự án để giải quyết vướng mắc, nhưng đến nay các bên vẫn tranh chấp kéo dài, nên việc xác định trách nhiệm các bên trong hợp đồng EPC sẽ được giải quyết theo phán quyết của trọng tài quốc tế trong thời gian tới.
Xử lý 12 dự án thua lỗ ảnh 1 Dự án Sơ sợi Đình Vũ. 
Trong số 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ, hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (giai đoạn 1) hiện Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đang làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) để thống nhất một số nội dung liên quan đến vấn đề quyết toán hợp đồng EPC. Hiện Bộ Công Thương đã yêu cầu PVN thống nhất với SBIC về việc hoàn trả chi phí kiểm toán, kiểm định thiết bị của hợp đồng EPC.Đa phần dự án vẫn thua lỗ
Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của 4 dự án sản xuất phân đạm do Vinachem làm chủ đầu tư, Bộ Công Thương cho biết đến hết tháng 8, ngoại trừ dự án DAP số 1- Hải Phòng đã xuất hiện lãi, 3 nhà máy còn lại vẫn khó khăn, tồn kho lớn và vẫn còn lỗ.
Cụ thể, dự án đạm Ninh Bình tồn 32.700 tấn, lỗ 68 tỷ đồng; dự án đạm Hà Bắc tồn 8.500 tấn, lỗ 35 tỷ đồng; dự án DAP số 2 Lào Cai tồn 7.348 tấn và lỗ 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản 4 nhà máy trên đang hoạt động ổn định, thời gian chạy máy 19-24 ngày. Để giải cứu các dự án phân bón, Bộ Công Thương đã kiến nghị khẩn trương áp dụng thuế giá trị gia tăng cho sản xuất phân bón; đồng thời kiến nghị điều chỉnh giá than cho sản xuất phân bón.
Với các dự án trong ngành dầu khí, tình hình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu đình trệ. Cụ thể, với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, theo báo cáo của PVN, BSR, BSR-BF và PVOil, nhà máy vẫn chưa thể vận hành sản xuất lại được do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế, chỉ có thể hoạt động ở mức 60%.
Mặt khác giá xăng dầu đang ở mức thấp nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro, mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Đối với 2 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước, đến nay PVN đã có văn bản chỉ đạo PVOil tổ chức lựa chọn và thuê tư vấn thẩm định giá tài sản, tư vấn tài chính, tái cấu trúc, thoái vốn để xây dựng phương án thoái vốn tại 2 dự án này.
Riêng dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex), theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình trạng hiện tại của dự án hết sức khó khăn, đến nay nhà máy vẫn chưa thể khởi động lại. Theo phán quyết tòa án, PVTex sẽ phải trả các khoản nợ gốc và lãi hơn 72 tỷ đồng cho khu công nghiệp Đình Vũ. Tuy nhiên, PVTex không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ, do vậy PVTex sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản và tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu. Vì vậy, việc khởi động lại dự án khó khả thi.
Trong khi đó, 2 dự án tuyển quặng và cán thép thuộc nhóm 12 dự án thua lỗ đang có tín hiệu khả quan nhất trong quá trình xử lý thua lỗ. Tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đến nay SCIC đã hoàn thành việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ. Đến cuối tháng 6 TISCO đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường 2017, thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo đúng nguyên tắc không sử dụng thêm vốn ngân sách và vốn của VNSTEEL. 
Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh dự án nhà máy thép Việt - Trung (VTM) tại Lào Cai những tháng đầu năm nay đã có lãi. Ước tính lợi nhuận 6 tháng của công ty đạt khoảng 67 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, VTM đã nộp ngân sách 293 tỷ đồng.

Các tin khác