Dự án “ma” và trách nhiệm?

(ĐTTCO) - Sự kiện CTCP Địa ốc Alibaba tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, khi xẻ đất nông nghiệp làm đường, phân lô trái phép rao bán các dự án ma tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua, đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế xử phạt thực ra không mới. 
Vấn đề là các cơ quan có trách nhiệm đang ở đâu khi Alibaba liên tục có những hành vi lừa đảo như vậy từ TPHCM đến các tỉnh thành. Điều này đang làm xói mòn niềm tin của người dân và các chủ đầu tư làm ăn chính đáng, có uy tín.
Sự việc bắt đầu từ giữa năm 2017, khi Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, TPHCM, có diện tích 97,58ha, pháp lý sổ đỏ thổ cư 100% và công bố bán 1.000 nền bằng phiếu đặt chỗ, nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền, giá bán đất nền 5,5 triệu đồng/m2.
Dự án “ma” và trách nhiệm? ảnh 1 Văn phòng Alibaba tại H.Long Thành, Đồng Nai.
Trong khi đó, dự án này của Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị Tây Bắc thuộc UBND TPHCM. Các cơ quan chức năng của TP đã lên tiếng cảnh báo tình trạng “nhận vơ” của Alibaba để người dân cảnh giác. Thậm chí UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý những sai phạm của Alibaba. Rồi Bộ Công an, Công an TPHCM cũng vào cuộc điều tra các sai phạm của Alibaba, nhưng đến nay kết quả vẫn rơi vào im lặng.
Nực cười ở chỗ, Alibaba chỉ “bị” Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM xử phạt hành chính… 15 triệu đồng, vì hành vi cung cấp thông tin không đúng quy định. Chính việc xử lý “gãi ngứa” này, Alibaba “tiến lên”, khi giới thiệu là chủ đầu tư 14 dự án tại Long Thành (Đồng Nai) và rao bán khắp nơi.
Không gặp sự phản ứng nào từ cơ quan chức năng, công ty này tiếp tục rao bán hàng loạt dự án tại huyện Nhơn Trạch, Xuân Lộc. Lúc này, khi giới truyền thông lên tiếng cảnh báo, Đồng Nai mới vào cuộc. Tuy nhiên, sau khi khẳng định đây là các dự án ma Alibaba vẽ ra để lừa dối người mua, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng không có động thái xử lý mạnh tay hành vi lừa đảo của Alibaba.
Tính đến nay, Alibaba đã rao bán và thực hiện hàng chục dự án tại TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và đang tiếp tục vươn vòi ra tỉnh Bình Thuận. Vì sao Alibaba vẫn bình chân như vại, thậm chí ngang nhiên thách thức pháp luật, lôi kéo nhiều người tụ tập trước cổng trụ sở công an phản đối việc bắt giữ nhân viên của công ty này chống người thi hành công vụ, trong vụ cưỡng chế ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày qua?
Thực tế, thời gian qua các dự án ma lừa bán nhà đất bùng nổ bởi cơ quan thực thi pháp luật xử lý không nghiêm, khiến các đối tượng vi phạm có dấu hiệu xem thường pháp luật. Có tình trạng bỏ mặc cho vi phạm hoành hành, thậm chí có dấu hiệu bao che để các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất, các công ty bất động sản xây dựng hạ tầng không có giấy phép xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lừa bán đất nền tràn lan nhưng không xử lý. Các giải pháp ngăn chặn từ xa của chính quyền, ngành chức năng chưa thật sự hiệu quả, phần lớn chỉ can thiệp khi sự vụ đã xảy ra.
Để thực hiện dự án bất động sản phải qua rất nhiều thủ tục pháp lý, vậy mà các công ty địa ốc làm ăn bất chính vẫn thực hiện trót lọt các dự án ma. Cách thức kinh doanh của các công ty này là nhận giữ chỗ cho khách hàng bằng giấy biên nhận, không phải hợp đồng giao dịch. Đây chính là kẽ hở pháp luật đã được họ khai thác tối đa để tự tung tự tác, khi phát hiện cũng khó có cơ sở xử lý.
Dư luận có quyền nghi ngờ về công tác quản lý đất đai, xây dựng của các cơ quan có trách nhiệm. Đặc biệt vai trò của thanh tra xây dựng ở đâu khi để các dự án ma, dự án bánh vẽ lộng hành khắp nơi suốt thời gian dài. Có hay không sự tác động của các đầu nậu đối với cán bộ cấp cơ sở hay lực lượng thanh tra trong việc phân lô bán nền trái phép? Những câu hỏi này nếu chưa được giải đáp rõ ràng, tội phạm lừa đảo trong mua bán đất vẫn sẽ còn đất sống. 

Các tin khác