Long An đón đầu xu thế

(ĐTTCO) - Với lợi thế liền kề TPHCM, Long An được xem là địa phương nằm trong vùng tam giác vàng, đón đầu xu thế giãn dân của TPHCM. Chính lợi thế này đã làm thị trường BĐS Long An thời gian qua phát triển khá mạnh. 
Khai thông hạ tầng giao thông
Thị trường BĐS Long An sôi động với hàng chục dự án được triển khai. Cụm từ “ký gửi nhà đất” xuất hiện với mật độ dày đặc, cảnh mua bán nhà đất nhộn nhịp tại khu vực giáp ranh TPHCM như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức. Sự khởi sắc của thị trường bắt nguồn từ hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư bài bản.
Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh đã đề ra Chương trình 09 để huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên. Trong Chương trình 09 có 14 danh mục công trình giao thông, đến nay có 3 công trình hoàn thành, 7 công trình đang thi công, 4 công trình đang hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian tới.
 Hầu hết các công trình giao thông hiện nay đã kết nối liên hoàn, thống nhất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh, nhất là phát triển trên lĩnh vực công nghiệp. Nếu lấy TPHCM làm hạt nhân trung tâm, có thể nhận thấy kết nối các tuyến theo trục dọc được cải thiện rõ nét.
Ông Phạm Văn Cảnh
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An
Đến nay, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030, như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến Quốc lộ N1, N2, 14C…
Trong đó, xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An gồm các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Cụ thể, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng, còn dự án Quốc lộ N2 đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An, tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng ĐBSCL, với điểm đầu tại huyện Củ Chi (TPHCM) đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Và 2 tuyến Quốc lộ 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp.
Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TPHCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam bộ không cần quá cảnh qua TPHCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Nhiều dự án đón đầu
Hạ tầng giao thông hoàn thiện đã giúp Long An đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn Nam Long, Vingroup, Him Lam, Phú An Thạnh… Tại huyện Bến Lức, Công ty SeaHoldings đang phát triển dự án Lago Centro rộng 13ha với các lô nền nhà phố thương mại, nhà liên kế và biệt thự song lập.
Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc SeaHoldings cho biết, tọa lạc tại vị trí mặt tiền Tỉnh lộ 830, kết nối dễ dàng với đường vành đai 3 và 4, cao tốc TPHCM - Trung Lương, Lago Centro là mắt xích liên kết giữa trung tâm Bến Lức và Đức Hòa, các cụm công nghiệp trên địa bàn và các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL. 
Tại huyện Long Hậu, Công ty BĐS Danh Khôi (DKR) cũng công bố dự án Long Hậu Riverside với quy mô hơn 20ha. Không chỉ phát triển dự án, Long Hậu Riverside còn xây dựng khu phố chợ Long Hậu Market trong lòng khu dân cư phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của dân cư, công nhân khu công nghiệp kề cận…
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, cho rằng thị trường BĐS TPHCM đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Hơn nữa, vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TPHCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường. Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực như mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Trong khi đó, Long An giải quyết vấn đề pháp lý dự án khá nhanh.

Các tin khác