Bỏ quên nguồn thu lớn từ du khách đường biển

(ĐTTCO)-Tăng trưởng của du khách quốc tế đến Việt Nam theo đường tàu biển chỉ chiếm khoảng 2% - 3% mỗi năm. Du lịch tàu biển đang tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực châu Á, trong đó Việt Nam có rất nhiều lợi thế, nhưng vì sao việc thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ? 
Du khách đến tham quan, mua sắm tại TPHCM bằng tàu biển. Ảnh: CAO THĂNG
Du khách đến tham quan, mua sắm tại TPHCM bằng tàu biển. Ảnh: CAO THĂNG

Chưa thu hút nguồn du khách chi tiêu khủng

Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist là một trong những đơn vị đầu ngành về đón khách tàu biển. Năm 2018, lữ hành Saigontourist  đón khoảng 475.000 lượt khách, tăng 12% so với năm 2017. Riêng 2 tháng đầu năm 2019 đã phục vụ khá nhiều đoàn lớn, như đoàn 3.500 khách (Hồng Công - Trung Quốc) theo du thuyền World Dream tham quan Đà Nẵng, khám phá vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tham quan thủ đô Hà Nội.

Trước đó, đón du thuyền Celebrity Constellation, Celebrity Millennium, World Dream với hơn 11.500 khách đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Hồng Công… và đưa du khách tham quan những danh lam thắng cảnh khắp các miền Bắc, Trung, Nam nước ta.

“Khách tàu biển không có dịp tiêu tiền, trong khi đây là đối tượng tiềm năng, phần nhiều là khách trung lưu trở lên, có mức chi tiêu cao. Tuy vậy, họ sử dụng các dịch vụ trên bờ rất ít. Mức chi tiêu trung bình của du khách tàu biển hiện chỉ khoảng 100USD cho thời gian 9 - 11 giờ trên bờ.
Mặc dù đã xuất hiện hàng loạt các cửa hàng, trung tâm thương mại bán hàng cao cấp ở Việt Nam, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì các điểm mua sắm vẫn chưa thực sự hấp dẫn, chỉ ở mức tầm trung. Khách dạo chơi loanh quanh, mua vài món đồ lưu niệm chỉ đáng giá vài trăm ngàn đồng, sau đó lên tàu đi nơi khác… Quả thật rất lãng phí. Khách tàu biển thường là đối tượng khá giả, gu thẩm mỹ tinh tế, nên các doanh nghiệp cần lưu ý nếu muốn thu hút hiệu quả lượng khách này”, giám đốc một hãng lữ hành ở TPHCM phân tích.

Đối với TPHCM, việc tiếp đón đối tượng khách tàu biển sao cho hiệu quả, nhất là những triệu phú, tỷ phú thế giới hào phóng chi tiền, còn gặp nhiều khó khăn. 

Trăn trở về bến đậu

Bến đậu đã và đang là trăn trở lớn nhất của các tàu biển du lịch khi đến TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, trong bối cảnh nước ta mới chỉ có một cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt (khánh thành cuối năm 2018 tại Quảng Ninh). Bởi hiện nay, hầu hết cảng biển đều đón chung tàu khách với tàu hàng hóa.

Theo TS Hà Bích Liên, cố vấn Công ty Royal Caribbean Cruises Ltd tại Việt Nam, cho dù cảng hàng hóa ở Phú Mỹ là nơi cập bến thì TPHCM vẫn luôn là điểm đến quan trọng hàng đầu của du khách tàu biển. Trong lịch trình chính thức của hãng tàu, điểm đến duy nhất ở phía Nam là TPHCM.

Tuy vậy, do giới hạn của bến đậu nên chỉ có 2  tàu Mein Schiff (TUI Cruises) và 5 tàu khác của Royal Caribbean Cruises cập cảng Phú Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm 2019 sẽ có tổng cộng 12 chuyến, tức khoảng 36.000 khành khách cập cảng Phú Mỹ, điểm đến là TPHCM. Các cảng biển Phú Mỹ là điểm cập tàu của hải trình phía Nam nên khách đến từ châu Âu rất nhiều. 

“Tôi có thể cung cấp cho bạn lịch tàu tới TPHCM đến tận ngày 8-12-2020.  Nhưng ở đây còn một mắt xích rất quan trọng, đó là các đại lý tàu biển ở Việt Nam có đăng ký được lịch cập bến cho các tàu với chủ cảng được hay không lại là câu chuyện khác. Để giải quyết được vấn đề thiếu bến đậu và việc đón người chung với hàng hóa, một mình Sở Du lịch TPHCM cố gắng thì cũng chỉ có thể làm yên lòng các hãng tàu biển trong một thời gian ngắn mà thôi. Bạn cứ thử tưởng tượng, nếu mỗi ngày chúng ta có nhiều hơn những con tàu chở khách đi vào vùng biển Việt Nam, sẽ làm cho vùng biển nước mình đẹp hơn, người dân giàu có hơn. “Giá trị ấy không nên so đo tính toán với bài toán rằng một tàu chở khách mỗi cảng chỉ thu khoảng 600 triệu đến 1 tỷ đồng, còn một tàu chở hàng thì phải tính từ vài tỷ đồng trở lên. Hãy cho các con thuyền một bến đậu để đến được với TPHCM, sau đó hãy bàn đến những việc khác”, TS Hà Thị Bích Liên góp ý. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, một lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho hay, sở luôn tiếp thu và ghi nhận những trăn trở, góp ý tâm huyết của các doanh nghiệp, nhưng sở không tự quyết được mà cần sự phối hợp đồng bộ từ các sở/ngành khác.

Như vậy, trong thời gian chờ đợi một bến cảng chuyên dụng đón khách tàu biển trọng tải lớn tại TPHCM, những tàu biển quốc tế phần lớn phải chở khách ra Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó khách được đưa lên ô tô trung chuyển vào TPHCM.

Còn theo ông Phan Xuân Anh, Cố vấn Công ty Du lịch tàu biển Tân Hồng thì tiếp đón du khách như thế này thì dòng tiền sẽ rơi rụng hết, cả TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đều không thể khai thác hiệu quả. Rõ ràng, chúng ta đang bỏ phí cơ hội lớn về tiềm năng xuất khẩu tại chỗ cho dòng khách thu nhập cao này.

Ông Phan Xuân Anh, Cố vấn Công ty Du lịch tàu biển Tân Hồng, đã nhiều lần phát biểu tại các cuộc họp rằng ông cảm thấy tiếc khi TPHCM chưa có các dịch vụ cùng những mặt hàng xa xỉ để phục vụ khách hàng thượng lưu. Điển hình, công ty ông từng tiếp đón một tỷ phú yêu cầu sử dụng các dịch vụ gồm máy bay trực thăng, siêu xe, các mặt hàng xa xỉ…, nhưng vì không đáp ứng được nên công ty đành từ chối. Kết quả, vị khách tỷ phú này đã không lên bờ tham quan TPHCM.

Các tin khác