Đà Nẵng - Quảng Nam tạo thân thiện từ du lịch

(ĐTTCO) - Trong 9 ngày nghỉ Tết (28 tháng chạp đến mùng 6 Tết Kỷ Hợi), TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chứng kiến lượng khách du lịch tăng kỷ lục. Ngoài lý do thời gian nghỉ tết dài ngày, thời tiết thuận lợi, thì sự đa dạng các dịch vụ điểm đến là những yếu tố tạo nên sự đột biến này.

Gia đình ông Nguyễn Chí Nhâm ở tỉnh Hưng Yên, chọn TP Đà Nẵng để đón Tết. Ông Nhâm chia sẻ, chưa bao giờ ngày Tết rời xa quê, nhưng Tết này con cái lớn hết rồi, tự lo được mâm cúng ông bà, nên vợ chồng mới có dịp đi chơi xa. Nghe báo chí nói Đà Nẵng là TP đáng sống, và thật sự là như thế, xanh-sạch-đẹp, an ninh tốt.
Mấy ngày ở đây tôi nhận thấy mọi người rất thân thiện. Bà Phạm Nhất Nữ Như Hoa, chủ Tàu rồng sông Hàn cho biết, tết năm nay du khách chọn dịch vụ du thuyền rất đông vì thời tiết khá đẹp, nên khách có thể thưởng lãm vẻ đẹp 2 bên bờ sông Hàn.
Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ được nâng lên, phương tiện tham gia đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đội ngũ vận hành tốt, chở đúng số người quy định và giá vé không quá cao… là những yếu tố thu hút khách. Tàu bà Hoa sức chứa 250 chỗ ngồi, mỗi ngày chạy 2 chuyến cố định, bất kể ngày Tết cũng như ngày thường. Trong 3 ngày Tết, lượng khách đạt trên 80% công suất.
Đà Nẵng - Quảng Nam tạo thân thiện từ du lịch ảnh 1 Một góc khu phố cổ Hôi An. Ảnh: M.K 
Theo số liệu của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 Tết, Đà Nẵng đã đón 328.800 lượt khách, tăng hơn 10% so với Tết năm ngoái, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40%. Một số điểm như khu du lịch Bà Nà Hill, du thuyền trên sông Hàn, Ngũ Hành Sơn… thu hút rất đông du khách trải nghiệm.
Không chỉ riêng Đà Nẵng, tại Quảng Nam, 2 điểm du lịch nổi tiếng là phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn cũng chứng kiến lượng khách tăng kỷ lục. Theo thống kê của Phòng VH-TT TP Hội An, chỉ tính riêng từ ngày 28 tháng chạp đến mùng 4 Tết, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn TP Hội An đạt trên 100.000 lượt, đa phần là khách quốc tế. Với khách tham quan dù chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính số lượng đã chạm con số khoảng 300.000 lượt, phần nhiều là khách Việt Nam.
Khách tăng đột biến đã làm quá tải hạ tầng giao thông. Trong những ngày Tết hầu như tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường dẫn vào phố cổ, nhất là về đêm. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An thừa nhận, chưa năm nào lượng khách đến Hội An tăng đột biến như mấy ngày Tết vừa qua.
Từ 30 tháng chạp đến mùng 3 tết, hầu hết cơ sở lưu trú trên địa bàn TP đều kín phòng. Tại các tuyến đường thì xe cộ khá nhiều, các lực lượng trật tự, công an giao thông phải thường xuyên túc trực phân luồng liên tục, rồi chưa kể áp lực về môi trường, rác thải quá lớn trong những ngày này.
Đà Nẵng - Quảng Nam tạo thân thiện từ du lịch ảnh 2 Một góc khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: M.K 
Với khu di tích Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, dù mấy ngày Tết không tổ chức nhiều hoạt động đón xuân nhưng vẫn thu hút lượng lớn du khách. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn thông tin, qua 9 ngày nghỉ Tết, Mỹ Sơn đón khoảng 16.000 khách, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 80%.
Du khách chọn Mỹ Sơn vì đây là Di sản văn hóa Thế giới, ở đó có rất nhiều sản phẩm mà du khách đến tìm hiểu trong dịp đầu xuân. Ở đây giá vé không tăng nhưng các dịch vụ phục vụ cho du khách tốt hơn, đầy đủ hơn. Cụ thể là các dịch vụ trung chuyển, đưa du khách và tham quan di tích cũng như các dịch vụ biểu diễn cho khách tham quan vẫn được duy trì và cải tiến về chất lượng, để du khách cảm thấy hài lòng trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, năm 2019, Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,19 triệu lượt khách du lịch. Để đạt được con số trên, Sở Du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch. Đặc biệt, sẽ xây dựng và triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch (gồm cơ sở lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu điểm du lịch, vận chuyển, mua sắm, giải trí...) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Xác định du lịch biển là lợi thế đặc trưng của TP Đà Nẵng, nên Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đề xuất hình thành dịch vụ du lịch đường biển tại Bán đảo Sơn Trà; nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước để đề xuất sản phẩm, dịch vụ mới tại bãi biển. Song song với đó, các điểm dừng chân, tuyến điểm du lịch, phương án quản lý khách tại Bán đảo Sơn Trà cũng sẽ được tiếp tục hoàn thiện. 
Với Quảng Nam, năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai mở rộng không gian du lịch về phía Nam và lên phía Tây của tỉnh, nhằm giảm áp lực cho di sản phố cổ Hội An, đồng thời đa dạng điểm đến cho khách, phấn đấu đón 7,3 triệu lượt khách đến tham quan lưu trú. Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đến các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lich, khu vui chơi giải trí… Hỗ trợ xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam). 
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nên bất kỳ mục tiêu nào đưa ra cũng cần có sự vào cuộc của nhiều sở, ngành địa phương và đồng bộ nhiều giải pháp từ lao động, hạ tầng, giao thông, dịch vụ… Hy vọng TP Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tạo điểm nhấn thương hiệu từ ngành công nghiệp không khói này.

Các tin khác