Du lịch cộng đồng Hoàng Su Phì

(ĐTTCO) - Người dân Hoàng Su Phì chỉ trồng một vụ lúa trong năm. Còn dân du lịch lại trông ngóng tới hai mùa, mùa nước đổ khi vào đầu hè tháng 5 và mùa lúa chín khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 để lên với những ruộng bậc thang kỳ vĩ bên dãy Tây Côn Lĩnh. 

Hành trình say đắm lòng người
Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trải dài trên diện tích gần 765ha, từ Bản Luốc, Bản Phùng, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ... Hành trình ngắm mùa lúa chín thường bắt đầu từ sáng sớm để tranh thủ “săn” mây. Khi đứng từ trên núi cao nhìn xuống thung sâu, biển mây vẫn bồng bềnh trước mặt, che khuất cả thôn bản, cánh đồng. Cung đường ấy nhiều khúc cua tay áo lắt léo, con đường nối giữa các bản khi thì bám sát theo sườn núi, khi lắt léo trong những cánh rừng hay chậm rãi trôi theo những con dốc ngoằn ngoèo.
Những người khách không quen thổ địa vừa đi vừa thấy tim mình như đang nhảy ra đường. Ấy vậy những chàng thanh niên người Dao tỏ ra rất hứng thú với đặc sản “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê” - những cung đường thử thách này. 
Có đi như vậy mới tới được những điểm ngắm lúa chín đẹp đến mê mẩn, bõ công sức tham gia hành trình vừa thử thách vừa say đắm lòng người ấy. Đường đến thôn Suối Thầu 2 (xã Bản Luốc) gian nan hơn bởi chưa có đường bê tông về tới thôn. Sau cơn mưa, đá sỏi lổn nhổn lăn lóc giữa đường, gập ghềnh chẳng kém gì những dãy núi trùng điệp trước mặt. Nhưng ở đây lại có những thung lũng lúa đẹp vào loại nhất nhì trong vùng.
Những lớp sóng vàng tràn từ đỉnh núi, từng lớp từng lớp xuống tới thung lũng. Những ruộng bậc thang bao trọn một quả đồi thấp tạo thành những vòng xoáy tròn đồng tâm, cũng có khi miên man theo sườn núi vươn quá tầm mắt không thấy điểm dừng. Lúa ở Hoàng Su Phì cao hơn so với lúa ở đồng bằng, gặp khi trẻ em tới trường thấy vài chiếc mũ nhấp nhô giữa biển vàng mênh mông. Tầng tầng lớp lớp bậc thang lúa chín trải ngút mắt thúc giục chân bước tiếp để tận hưởng cảm giác đi giữa biển vàng Tây Bắc.
Du lịch cộng đồng Hoàng Su Phì ảnh 1 Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng cùng với người dân địa phương. 
Đi đến khi mặt trời lên, những ruộng bậc thang hòa cùng mầu nắng nhuộm vàng cả một khoảng không, rực rỡ nổi bật trên nền xanh của cỏ cây. Nhiều ruộng tạo dáng mềm mại uốn lượn như dải lụa vàng vắt từ dãy núi này qua dãy núi khác. Nhưng cũng có những khoảng ruộng hàng lối đều tăm tắp, xếp chồng lên nhau ngay ngắn như một công trình kiến trúc kỳ công.
Anh Đặng Văn Nam, người thôn Suối Thầu 2, cho biết người dân địa phương có tập tục kiêng cắt lúa sớm. Nhà nào cũng đợi khi lúa phải chín đều, bông đã trĩu xuống rồi chủ nhân mới bắt đầu ra đồng. Bởi thế, sắc vàng của lúa chín càng rực rỡ hơn. Cũng không phải mọi thửa ruộng đều chín cùng lúc, nên thường để đón “mùa vàng” Hoàng Su Phì, những du khách có kinh nghiệm thường sẽ hỏi người dân địa phương xem ở Bản Phùng, Hồ Thầu, San Sả Hồ giờ đã thu hoạch chưa trước khi lên đường.  

Trải nghiệm mùa bội thu
Lang thang theo những cung đường Hoàng Su Phì, khung cảnh cảnh quen thuộc nhất những bản làng dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông nằm trên núi cao. Cảnh quan thơ mộng với những ngôi nhà sàn nằm rải rác theo sườn núi, xen kẽ là những con suối nhỏ, sau lưng là cánh rừng nguyên sinh quanh năm mây phủ. Hầu như từ nhà nào cũng có thể ngắm được những vạt ruộng bậc thang đã được đắp đổi và gìn giữ qua bao đời.
Ngôi nhà sàn của gia đình anh Triệu Mềnh Kinh (thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) nằm ở lưng chừng dốc. Ba bề bốn bên đều là những ruộng bậc thang san sát nhau. Ngay trước nhà, dãy núi cao lưng chừng giống như một bức tường thành cũng đã nhuộm màu vàng của lúa chín. Khoảng sân trước nhà đã dọn sạch cỏ, xây một sân khấu nho nhỏ để phục vụ du khách buổi tối thưởng thức văn nghệ, xem chương trình tái hiện lễ cấp sắc của người Dao và vui chơi. Anh Kinh hồ hởi chia sẻ, bà con trong thôn đã làm du lịch cộng đồng được vài năm, còn thành lập được cả hợp tác xã để cùng nhau phát triển. Hiện nay có 4 nhà đón khách lưu trú, đều là nhà truyền thống của đồng bào Dao, đã được chỉnh trang, sửa chữa để phù hợp đón khách. 
Mùa lúa chín cũng là mùa đông khách nhất trong năm nên cần phải chuẩn bị kỹ càng. Khách đến mùa này cũng chủ yếu là khách quốc tế, với thời gian lưu trú từ 1-3 ngày. Anh Triệu Mềnh Cói, người thôn Nậm Hồng cho biết, là một thôn của người Dao đỏ đã định cư lâu đời, bà con trong thôn đều giữ gìn những nếp nhà truyền thống, trân trọng phong tục tập quán cha ông để lại.
Khách du lịch đến đây sẽ được giới thiệu phong cảnh, nhất là ruộng bậc thang trong vùng, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương như cấy lúa, lên nương, thu hoạch ngô, hái chè, chăn trâu, gặt lúa…Ở nhiều bản, các bà, các mẹ vẫn còn giữ tập tục truyền thống như thêu thùa, đan lát. Chiều về có thể thấy những trang phục của người Dao rực rỡ sắc màu được phơi ngay ngắn ngoài sân hay các bà ngồi bên thềm nhà tỉ mỉ thêu tay những hoa văn truyền thống. 
Có khách đến, bà con trong thôn cũng có thêm nguồn thu nhập từ du lịch cộng đồng. Người làm xe ôm vận chuyển khách, đưa khách đi thăm làng bản, đi khám phá ruộng bậc thang, trekking (hoạt động giải trí ngoài trời hay dã ngoại) giữa những cánh rừng, chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi hay chèo đèo lội suối thăm làng bản. Chị em phụ nữ ở nhà lo chuẩn bị cơm nước, giới thiệu khách những sản phẩm thủ công, đan lát, thêu thùa truyền thống. Buổi tối, đội văn nghệ trong thôn sẽ biểu diễn các tiết mục ca múa, tái hiện lễ nhảy lửa truyền thống của người Dao. Tính ra, so với một vụ lúa hay thu hái chè, làm du lịch cộng đồng giúp đời sống bà con khá hơn. 
Mùa thu hoạch ở đây cũng không vội vàng mà cứ thong thả thuận theo tự nhiên. Gặp đúng dịp, khách cũng tham gia gặt lúa, đập lúa cùng gia chủ. Sau khi cắt lúa, gia chủ tháo nước khỏi ruộng để bắt cá chép. Những con cá được thả từ đầu vụ gặt, quanh quẩn trong từng khoanh ruộng, sinh trưởng và lớn lên tự nhiên, thịt thơm ngon là đặc sản mời khách trong bữa cơm chiều. Bữa cơm với gà thả vườn, lợn cắp nách, cá ruộng tươi ngon luôn hấp dẫn những thực khách, nhất là sau một hành trình dài với những hoạt động khám phá, trải nghiệm liên tục.  
Lúa chín cũng vào độ cuối thu, khí hậu miền núi cao bắt đầu thấy rõ rệt cái se lạnh về mỗi sáng sớm hay khi tắt nắng mặt trời. Buổi tối trong những ngôi nhà gỗ truyền thống của người Dao, hít hà mùi tinh dầu thơm từ cành sa mộc đang cháy, nhâm nhi chén trà Shan tuyết ấm nồng, ngắm những đốm lửa lách tách cháy sau một đêm đốt lửa trại tưng bừng. Khi mặt trời ló rạng sau những thửa ruộng bậc thang vàng óng, mọi người rủ nhau đi chợ. Những phiên chợ vùng cao luôn ăm ắp sắc màu, sôi động và nhộn nhịp báo hiệu một mùa bội thu đã tới.

Các tin khác