Du lịch ĐBSCL: Tăng tốc từ đầu năm

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây các tỉnh ĐBSCL tập trung đầu tư khá mạnh cho du lịch, nhờ đó số lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi không ngừng tăng. Du lịch đã và đang chuyển mình mạnh mẽ và được xem là lĩnh vực thế mạnh của nhiều địa phương…

Tấp nập du khách

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, đồng thời có những điều kiện thuận lợi nên Kiên Giang được xem như thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, hầu hết các điểm du lịch ở Kiên Giang như khu đô thị lấn biển Rạch Giá, thắng cảnh Hà Tiên, đảo ngọc Phú Quốc... thu hút rất đông du khách đến than quam, vui chơi. Chỉ tính riêng đảo Phú Quốc từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 tết đón hơn 65.250 lượt du khách đến vui chơi, tắm biển, nghỉ ngơi, trong đó khoảng 21.700 khách quốc tế, tăng khoảng 210% so cùng kỳ. 

Du khách thích thú với đường hoa nghệ thuật tại TP Cần Thơ dịp Tết Kỷ Hợi

Du khách thích thú với đường hoa nghệ thuật tại TP Cần Thơ dịp Tết Kỷ Hợi

Theo UBND huyện Phú Quốc, cùng với tắm biển, câu mực thì hầu hết các điểm vui chơi, giải trí ở đảo Phú Quốc như Vinpearl Land, Vườn thú Safari, cáp treo Hòn Thơm, Khu du lịch Suối Tranh, nhà tù Phú Quốc, các vườn tiêu… đông nghẹt du khách đến tham quan. Để đảm bảo du khách ra vào đảo ngọc, tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón khoảng 300 chuyến bay, với 46.114 lượt khách, tăng 186% so với cùng kỳ. Tàu cao tốc và phà đảm bảo hoạt động xuyên suốt trong dịp tết với khoảng 290 chuyến phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 35.000 lượt khách. Đại diện khu du lịch cáp treo Hòn Thơm, cho biết: “Dịp Tết Kỷ Hợi, cáp treo Hòn Thơm áp dụng giảm giá vé từ ngày 5-2 đến hết ngày 21-2. Cụ thể, đối với khách quốc tế và khách là người ngoài tỉnh Kiên Giang, giá vé cho người lớn và trẻ em trên 1,4m là 200.000 đồng, trẻ em từ 1m đến dưới 1,4 là 130.000 đồng. Đối với người dân trong tỉnh Kiên Giang, giá vé người lớn chỉ 100.000 đồng, trẻ em dưới 1m miễn phí… Ước tính sơ bộ trong 3 ngày tết (từ mùng 1 đến mùng 3 tết) cáp treo Hòn Thơm đón khoảng 20.000 lượt khách”.

Tại Bạc Liêu, du khách đến cũng rất đông trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi. Các điểm du lịch như vườn nhãn Bạc Liêu, khu biển nhân tạo, quảng trường Hùng Vương, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu Quán Âm Phật Đài... có khoảng 200.000 lượt du khách đến vui chơi, cúng viếng trong dịp tết, tăng hơn 25% so ngày bình thường, doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng. Ở Đồng Tháp, các ngành chức năng, doanh nghiệp... tổ chức nhiều chương trình phục vụ khách đến vui chơi dịp tết; nhờ đó số lượng khách khá đông. Ước tính có hơn 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến vui chơi ở xứ sen hồng trong dịp Tết Kỷ Hợi, tổng doanh thu khoảng 12 tỷ đồng. Đối với An Giang, ngay những ngày đầu năm mới đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến du lịch, hành hương và cúng viếng ở khu di tích Bà Chúa Xứ núi Sam; tuyến đường từ TP Châu Đốc vào núi Sam luôn chật kín dòng người; còn ở khu du lịch núi Cấm cũng đông nghẹt khách. 

Ông Lý Thanh Sang, Giám đốc Khu du lịch Cáp treo núi Cấm cho biết: “Từ khi cáp treo đi vào hoạt động năm 2015 đến nay thì du khách đến ngày càng đông, đưa núi Cấm trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của tỉnh An Giang và khu vực ĐBSCL. Riêng những ngày đầu năm mới, du khách đến tấp nập, tạo không khí vui chơi vô cùng nhộn nhịp”.

Dồn sức cho du lịch

Có thể nói, du lịch ĐBSCL chuyển biến tích cực nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự đầu tư mạnh của doanh nghiệp, người dân… Nhiều dự án du lịch mới được ra đời, công tác quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch được thực hiện liên tục; các địa phương cũng đẩy mạnh xúc tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt là hợp tác với ngành du lịch TPHCM nhằm tạo sự hỗ trợ, kết nối tour tuyến, giới thiệu điểm đến ở ĐBSCL với khách du lịch trong nước và quốc tế… Ngoài những mặt được trên thì du lịch ĐBSCL cũng bộc lộ những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Cụ thể, thời gian qua cơ sở hạ tầng có đầu tư nhưng chậm so với tốc độ phát triển du lịch; một số đường giao thông dẫn vào khu du lịch chưa thuận tiện cho xe nhiều chỗ ngồi đi lại; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chất lượng dịch vụ chưa cao; chưa có khu vui chơi tầm cỡ để giữ chân khách được lâu; đội ngũ phục vụ du lịch chưa được đào tạo kỹ; trong khi nguồn kinh phí đầu tư chưa nhiều và còn dàn trải, thiếu đồng bộ…

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đồng Tháp bộc bạch: “Tỉnh đang định hình các mô hình phát triển du lịch, tạo bức tranh du lịch hoàn thiện với những nét riêng không trùng lắp các địa phương khác. Phấn đấu đến năm 2020, Đồng Tháp đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, doanh thu 1.000 tỷ đồng, vươn lên tốp đầu ở ĐBSCL về du lịch. Quan điểm phát triển du lịch của Đồng Tháp không chỉ là số lượng khách, doanh thu… mà còn vì lòng tự hào của quê hương đất Sen hồng”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho hay: “Chúng tôi đang phấn đấu đưa du lịch An Giang trở thành nền kinh tế mũi nhọn. Xây dựng hình ảnh An Giang trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại. Từ đó, tạo lan tỏa về sự hấp dẫn và tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư; phấn đấu đến năm 2020 đón 10,1 triệu lượt khách. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch…”.

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tới đây các tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư, đổi mới sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các hoạt động liên kết, xây dựng tuyến du lịch liên vùng gắn với các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM… Để thúc đẩy du lịch toàn vùng phát triển thì cần sự quan tâm ủng hộ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò lãnh đạo địa phương rất quan trọng. Phía Tổng cục Du lịch cũng lưu ý các tỉnh ĐBSCL cần đầu tư các nhóm sản phẩm du lịch đặc thù như: du lịch trải nghiệm sông nước, du lịch sinh thái, du lịch di sản văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…

Các tin khác