Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần

(ĐTTCO) - Tôi bị lôi cuốn bởi những vấn đề thuộc về tâm linh huyền bí, và chính tác phẩm “Hành trình về phương Đông” đã thôi thúc bản thân mình đi đến Ấn Độ - quốc gia có cuộc sống tôn giáo huyền hoặc nhất thế giới.
Tôi bị lôi cuốn bởi những vấn đề thuộc về tâm linh huyền bí, và chính tác phẩm “Hành trình về phương Đông” đã thôi thúc bản thân mình đi đến Ấn Độ - quốc gia có cuộc sống tôn giáo huyền hoặc nhất thế giới.
Hành trình về phương Đông ghi lại những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội khoa học Hoàng gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người, câu chuyện thu hút nhất khi họ được tiếp xúc với những vị chân tu thông thái sống ẩn dật ở thị trấn hay trên rặng Tuyết Sơn Hy Mã Lạp sơn (Hymalaya). 

1. Như duyên đã định, sau khi trải qua khóa thiền Vipassana 10 ngày để thanh lọc tinh thần và thấm nhuần một phần giáo lý của Đức Thích Ca, tôi nuôi ước mơ được trở về đất Phật. Cuối năm rồi, tôi tình cờ đọc tin tức mới biết rằng xứ Ấn sắp vào cuộc đại lễ sông Hằng có tên là Kumbh Mela - là cuộc hành hương lớn nhất thế giới và 12 năm mới tổ chức một lần tại Allahabad - thời điểm quý hơn vàng khi đó là lúc mình có cơ hội chạm mặt với bậc chân tu là các tu sĩ Bà La Môn huyền thoại đã ẩn dật trên Tuyết Sơn cùng nhau trở về sông Thánh để trầm mình và cầu nguyện. Như thời cơ và duyên số đã chín mùi, tôi quyết định lên đường ngay tức khắc đến Ấn Độ.
Allahabad chào đón tôi bằng buổi chiều cuối đông tất bật và rộn ràng của dòng người hành hương đến sông Hằng trong dịp đại lễ. Mọi ngõ ngách và cung đường đều được canh gác thận trọng bởi hàng rào cảnh sát, những chiếc cầu phao bắc ngang dòng sông Hằng nằm song song nhau lúc nào cũng chật kín dòng người. Hàng trăm triệu tín đồ Hindu giáo đang đổ về sông Hằng để được tắm trên dòng sông thiêng, tôi như biết trước sự kham hiếm của nơi lưu trú nên đã liên hệ đặt trước một căn lều được dựng lên trên bãi bồi cạnh sông Thiêng. Sau đó, tôi đăng ký tham gia vào đoàn người đi viếng các tu sĩ Bà La Môn.

2. Đúng nửa đêm, mọi người bắt đầu tập trung và trưởng đoàn đang thảo luận gì đấy bằng tiếng Hindi với nhóm du khách người Ấn. Mỗi người sẽ được phát một chiếc khăn choàng màu nghệ, coi như là đồng phục để có thể dễ dàng phân biệt nhau trong đám đông hành hương của hàng triệu tín đồ Hindu giáo dọc theo dòng sông Hằng linh thiêng. Đoàn có nhiều quốc tịch khác nhau: Singapore, Canada, Anh, Italia… với tổng cung đường phải đi bộ là 20km và thức xuyên đêm từ 0 giờ cho đến 9 giờ sáng, tính luôn thời gian đi về trong dòng người đông đúc, vì các tu sĩ sẽ bắt đầu nghi lễ lúc 4 giờ sáng.
1 giờ sáng, hàng rào chắn để vượt cây cầu sang sông Hằng được mở, đoàn người hành hương như ong vỡ tổ bắt đầu ùa vào để tiến về với mẹ sông Hằng, họ hô vang tên gọi của Nữ thần sông Hằng kính quý. Tôi có phần hơi lo sợ bởi những tín đồ sùng đạo quá khích, lại đang tháp tùng vào dòng người hành hương đông như thế. Nơi đích đến đằng xa gọi là Sangam - ngã ba sông thần thánh của Ganga, Yamuna, đèn sáng chói từ những căn liều trông như một thành phố hoa lệ.
Sau gần 4km đi bộ, đoàn đến một hàng rào chắn của cảnh sát. Trưởng đoàn thương lượng gì đấy với cảnh sát thì chỉ những người có mang trên người chiếc khăn choàng màu nghệ mới được vượt qua. Tôi không biết bên trong là gì, rất nhiều người muốn vào và tôi cũng lọt qua được cửa ải. Chưa hết bàng hoàng vì những gì mình đã vượt qua, lại tiếp tục hồi hộp vì những gì sắp diễn ra.
Bên trong hàng rào là con con đường rất rộng, được trang hoàng cho đại lễ rất hoành tráng, từ những chiếc xe được trang trí bởi những sợi dây hoa kết từ bông vạn thọ, cho đến những lâu đài tráng lệ của các tu sĩ được kết đèn chớp sáng lung linh hoa cả mắt. Nửa đêm, đoàn người hành hương vẫn tấp nập như những bóng đen vô hồn, một số người vẫn còn trùm chăn ngủ dưới mặt đất trong thời tiết giá lạnh. 
3 giờ sáng, một vài đạo sĩ bắt đầu xuất hiện trong tay cầm cây đinh ba như thần Shiva (vị thần tối cao của đạo Hindu), mắt tôi mở hết cỡ để quan sát những gì đang diễn ra. Lần đầu tiên tôi bắt gặp những vị thầy tu Bà La Môn thực thụ, dù trước đó tôi đã lặn lội đến Bà La Nại nhưng đã không thành, nay tôi đã chạm mặt được các bậc Chân sư.

3.Đạo Bà La Môn hay đạo Hindu đều là những tôn giáo lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, hình thành ở Ấn Độ khoảng năm 1.500 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa, tức có trước Phật giáo khoảng 10 thế kỷ, cho đến nay đạo Hindu đã xuất hiện khoảng hơn 4.000 năm. Bậc Chân sư đắc đạo hướng dẫn tâm linh cho tín đồ được gọi là guru, còn những người theo hình thức tu khổ hạnh được gọi là Sahdu (hiện nay có 900 triệu tín đồ và là tôn giáo lớn thứ 3 trên thế giới sau Thiên chúa giáo và Hồi giáo). 
Người theo đạo Hindu có 4 mục đích: dharma (hoàn thành các nghĩa vụ luân lý, luật pháp và tôn giáo); artha (mưu sinh và thành đạt trong xã hội); kama (thỏa mãn các ham muốn nhưng biết tiết chế và điều độ); moksa (giải thoát khỏi vòng luân hồi) bằng cách giải trừ hết các nghiệp (karma), vì khi chết mà vẫn còn nghiệp phải chịu tái sinh vào kiếp sau ở thế gian, tức là luân hồi (samsara). 10 giới trong đạo gồm không sát sanh, không dối trá, không trộm cắp, không mê đắm, không tham lam, giữ tâm sạch sẽ, tinh khiết, biết bằng lòng, kỷ luật với bản thân, phải học tập và vâng phục mệnh trời.
Với Bà La Môn là một đẳng cấp tại Ấn Độ. Đó là các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo. Dân chúng Ấn Độ rất tôn trọng đẳng cấp này. Với họ, một người bình thường sẽ cần đến nhiều lần đầu thai chuyển thế để có thể đạt đến ngưỡng thông tuệ, hòa làm một với đấng tối cao, để có thể nhìn thấy thần linh. Tuy nhiên, từ thời xa xưa đã có những người đi theo những con đường tắt để có thể giác ngộ, thay vì phải đợi đến kiếp sau.
Những người này được gọi là Naga Sadhu. Họ là những đạo sĩ yoga tu hành khất thực, có người là doanh nhân thành đạt, hoặc có người làm trong cơ quan chính phủ, nhưng họ quyết từ bỏ mọi thú vui trần tục, quy ẩn trong các hang động, rừng rậm, hoặc những ngôi đền trong những vùng hoang sơ và hẻo lánh trên khắp các vùng thuộc Ấn Độ và Nepal. Và địa điểm linh thiêng nhất chính là những hang động trên dãy núi Hy Mã Lạp sơn ở phía Bắc Ấn Độ, nơi vô cùng hoang vu và khắc nghiệt.
Họ không mặc quần áo vì thuận sống theo lẽ tự nhiên, còn trang phục nghĩa là còn vướng bận thế gian, bầu trời và vũ trụ chính là trang phục duy nhất và lấy tro bôi khắp cơ thể. Họ chỉ ăn 1 lần trong ngày và ngủ trên nền đất lót bằng rơm rạ. Thông thường mất khoảng 20-30 năm để đạt thành bậc Naga Sadhu. Nếu được hỏi điều gì khó khăn nhất khi tu hành họ sẽ trả lời đó là diệt trừ tham dục và bản ngã.
Tôi vẫn thắc mắc rằng từ Allahabad đến dãy núi Hymalaya cũng khoảng hơn 500km, họ không được sử dụng các phương tiện, vậy họ đến sông Hằng như thế nào trong dịp đại lễ 12 năm 1 lần thế này? Tại núi Hymalaya, họ chỉ tụng niệm và dùng ngôn ngữ cổ Vedic, họ tập yoga thượng đẳng để kiểm soát cơ thể, điều mà người bình thường không làm được. Họ chịu được đau đớn mọi kiểu thời tiết, vì ngay lúc này thì trời rất giá lạnh của buổi sáng sớm. Naga Sadhu có nhiệm vụ cầu an hòa bình cho thế giới, đẩy lùi các thiên tai, cứu độ chúng sinh và là cầu nối giữa người phàm trần và đấng cứu thế.

4. Những bậc Chân sư bắt đầu tập trung ngày một đông, chuẩn bị cho các nghi thức được cho là có thể giao cảm với thần linh. Tóc của họ bện lại và được quấn cao trên đỉnh đầu nơi hấp thụ linh khí vũ trụ nhiều nhất vào cơ thể. 
Một vị Naga Sahdu thể hiện bản lĩnh chịu đau đớn của mình bằng việc lấy một cây gậy quấn hạ bộ của mình thành nhiều vòng rồi mời một vị thánh nhân khác đứng lên. Tôi hồi hộp quan sát và không tin vào những gì mình đang nhìn thấy. Một vị Naga Sadhu có vẻ có vị trí rất cao trong đoàn tiến hành cắm lên cột trụ thánh. Mọi người ai cũng hô lớn câu thần chú “Har Har mahadev” nghĩa là Thần Shiva của chúng ta thật vĩ đại. Cách đó không xa một nhóm phụ nữ đang hò hát để mời các bậc guru tiến lên ngồi ở các vị trí long trọng trên những chiếc xe được trang hoàng nhiều hoa sắc.
Gần 5 giờ sáng, đoàn thánh nhân bắt đầu khởi hành, họ đi chân đất, tay cầm những thanh vũ khí. Sahdu nữ phái thì không được khỏa thân mà phải phủ trên người một lớp vải. Tôi bị ép vào sát vách để nhường đường cho các bậc Sadhu, không khí có phần hơi hoảng loạn, hoang mang vì không ngờ chuyến du lịch của mình đến Ấn Độ lại trúng vào dịp đại lễ, và giờ đây tôi đang chứng kiến những điều vô cùng quái dị, hòa mình vào một không gian tâm linh chưa từng có trong đời.
Vừa qua khỏi cầu phao bắc qua dòng sông Hằng linh thiêng để đến với Sangam là ngã 3 sông thần thánh. Trời dần dần hừng sáng, một buổi bình minh huyền dịu nhất trong cuộc đời, tôi cảm nhận như vũ trụ tôn giáo và con người đang hòa thành một. Bầu trời loan dịu một màu sắc đẹp thần thánh. Càng gần đến Sangam bãi tắm thiêng liêng mọi người càng háo hức, những cánh hoa được bắn lên, cả không gian thơm ngát trong mùi bông vạn thọ, bông hồng và mùi tinh dầu trên người của những người hành hương. 
Tất cả mọi người đều hạnh phúc trầm mình xuống dòng sông. Những lớp tro trên người của các bậc Sahdu cũng hòa tan vào dòng nước. Không thể tin vào mắt mình, có đến hàng triệu người trên bờ sông và đây chỉ là đoạn Sangam thôi còn những bờ khác nữa vì tổng chiều dài đoạn sông ở ngã ba sông này khoảng 35km, tất cả đều chật kín chỗ.
Hôm đó là ngày ăn mừng mùa xuân của lịch Hindu, thời khắc giao mùa và là ngày của thần Sarawathi - Nữ thần của thông thái, âm nhạc, trí huệ và tinh thông. Người thì vẫy vùng trong dòng nước hạnh phúc tràn trề, người thì đang dùng bình chứa nước mang về nhà. Tất cả đều dùng tay hớt nước giơ lên cao, hướng về ánh mặt trời. Một lễ hội mang đầy ý nghĩa tôn giáo còn mang ý nghĩa văn hóa dân tộc, khi tất cả mọi người đều tắm chung một dòng sông, không phân biệt giàu sang nghèo hèn hay bất kỳ chủng tộc địa vị nào.

5. Bỗng tôi nhận ra thế giới thật phong phú và đa dạng ở thế kỷ 21. Một góc thế giới là những quốc gia phát triển có những con người đang theo công nghệ hướng về tương lai hoặc chủ nghĩa vô thần, thì ngay tại một góc khác của trái đất là Ấn Độ, nơi người ta vẫn sống một cuộc sống tâm linh, tin tưởng vào quyền năng của các vị thần, và việc thanh tẩy mọi tội lỗi mong thoát khỏi vòng luân hồi của đời sống phàm tục bằng một dòng nước thiêng. Và việc đấy vẫn diễn ra hàng ngàn năm qua không thay đổi. 
Một đêm trắng đầy những điều thú vị và kỳ bí. Đâu đó những đoạn sông Hằng lại hết sức thanh bình và thiên nhiên, một dòng sông mang dáng dấp hết mực ôn hòa như một mạch máu ôm trọn trái tim Ấn Độ. Những tia nắng ấm áp như tia sáng chói chang trên vương miện và y phục kim sa lóng lánh của nữ thần Ganga. Dẫu thế sự và bao kiếp người đã ra đi nhưng sông Hằng vẫn trường tồn và mang lại một dấu ấn cho đất nước vạn thánh ngàn thần một nét riêng hết sức độc đáo.
Ngày tôi rời Allahabad, dòng người vẫn đông đúc và tất bật, sông thiêng vẫn vươn mình tắm mát cho các tín đồ. Thong dong đưa mắt xa xăm qua qua ô cửa sổ đoàn tàu lắc lư, tôi chợt hình dung về cảnh của các bậc thánh nhân Bà La Môn không một mảnh áo che thân trong việc tu tập khổ hạnh trên dãy núi xa xôi và hiểm trở một cách đầy bí ẩn. Tôi đặt bút ghi vào quyển nhật ký cho mục tiêu tiếp theo của mình - hành trình đến rặng Tuyết Sơn. 
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 1 Hàng trăm triệu tín đồ Hindu Giáo đang đổ về sông Hằng linh thiêng để được tắm gội, 
bởi 12 năm mới có 1 lần đại lễ.
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 2
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 3 Những vị Chân sư được gọi là Naga Sadhu. 
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 4 Những bậc Chân sư và các đạo sĩ  xuất hiện tay cầm đinh ba chuẩn bị cho các nghi thức đại lễ Kumbl-Mela.
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 5
Khám phá đại lễ sông Hằng 12 năm 1 lần ảnh 6

Các tin khác