Loay hoay sản phẩm lưu niệm đặc trưng

(ĐTTCO) - Quà lưu niệm trong du lịch thường gắn với một chuyến đi, một điểm đến của mỗi du khách, như búp bê Matryoshka ở Nga, tháp Eiffel của Pháp, sư tử biển Singapore… 

Trong khi đó, việc xây dựng và phát triển những sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng cho du lịch TPHCM lâu nay vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Nhiều nhưng thiếu đặc trưng
Những ngày qua chị Thu Hiền (quận 2, TPHCM) đang đón những người bạn Hà Lan đến thăm. Chị Hiền đã đưa bạn đến hầu hết điểm tham quan nổi tiếng của TP như địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện TP và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản địa phương. Đặc biệt chị đã dành hẳn 1 ngày tham quan chợ Bến Thành để giới thiệu nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Quan trọng hơn chị muốn dành tặng bạn bè những món quà lưu niệm để họ nhớ về chuyến du lịch TPHCM. 
Thực ra chuyện du lịch thiếu sản phẩm lưu niệm đặc trưng không phải của riêng TPHCM, mà là vấn đề của nhiều điểm đến du lịch lớn của Việt Nam. Nhưng với mục tiêu thu hút 11 triệu khách quốc tế vào năm 2020, TPHCM cần tiên phong tìm giải pháp cho bài toán này.
“Chợ Bến Thành là nơi bày bán rất đa dạng các chủng loại hàng hóa từ đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, đồ trang trí, quần áo, khăn lụa… nên tôi hy vọng có thể chọn cho bạn bè những món quà họ thích. Thế nhưng, khi bạn bè hỏi về mặt hàng lưu niệm đặc trưng của du lịch TP khiến tôi thực sự bối rối, vì giữa một rừng sản phẩm chính tôi là người dân địa phương cũng không biết sản phẩm nào mang biểu tượng đặc trưng của TP, để nhìn vào họ có thể hiểu một phần đặc trưng văn hóa, du lịch của địa danh hòn ngọc Viễn Đông” - Hiền chia sẻ. 
Câu chuyện của chị Hiền cũng không mới, bởi lâu nay khi nhắc đến sản phẩm lưu niệm đặc trưng của du lịch TPHCM vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ của người làm dịch vụ du lịch và lãnh đạo địa phương. Dạo quanh một vài điểm tham quan, mua sắm lớn tại TPHCM, thường chỉ có chợ Bến Thành là nơi du khách có thể thoải mái lựa chọn nhiều mặt hàng. Nhưng nhiều du khách đã truyền tai nhau một “bí kíp” quan trọng khi mua hàng ở đây là phải biết trả giá.
Một trong những website dành cho khách du lịch là Tripadvisor đã có nhiều bình luận, chia sẻ kinh nghiệm khi đi chợ Bến Thành, như: “Chợ Bến Thành là một nơi rất đông vui, nhiều mặt hàng cho du khách chọn, nhưng giá thì quá đắt, nhiều khi phải trả giá xuống 50%”, hay “Hãy chuẩn bị tinh thần để trả bớt 50% giá mà người bán nói, bằng không thì cứ đi tiếp. Nếu họ muốn bán họ sẽ đi theo bạn”…
Giám đốc một hãng lữ hành tại TP còn chỉ ra những điểm yếu của hàng bán tại chợ Bến Thành như hàng hóa thiếu đặc trưng, nạn nói thách, nguồn gốc trà trộn nhiều hàng Trung Quốc nhái, chất lượng phập phù. “Đơn cử như muốn làm chiếc áo đặc trưng cho du lịch TP nhưng phải đẹp, phải chất lượng du khách mới mua. Chứ giờ ra chợ Bến Thành mua áo có in biểu tượng du lịch thấy chất lượng quá tệ, nhiều nơi bán sản phẩm Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam”.
Loay hoay sản phẩm lưu niệm đặc trưng ảnh 1 Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trưng bày tại “Ngày hội thủ công-Saigon Show case – Hawa Craft”, nhưng không có sản phẩm nào mang tính đặc trưng. 
Nhiều điểm nghẽn
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt Tour, để làm những sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng cần phải có một bộ phận nghiên cứu, điều tra để nhìn lại thực trạng hiện nay ra sao. Nghiên cứu đó phải đưa ra được đánh giá về những sản phẩm du lịch đã có là gì, giá cả hợp lý chưa, tìm kiếm những điểm đặc trưng riêng, khảo sát mong muốn của du khách từ đó tìm kiếm, sàng lọc những sản phẩm ấn tượng và thu hút du khách. 
“Lâu nay hàng thủ công mỹ nghệ vẫn được xem là một trong những đặc trưng của Việt Nam. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia. Theo tôi nên chọn hàng thủ công mỹ nghệ là một trong những sản phẩm lưu niệm cho du lịch TP cũng như du lịch Việt Nam. Nhưng phải làm sao tìm ra sản phẩm mang đặc trưng của TP” - ông Mỹ chia sẻ.
Trước đó, năm 2015 Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức Giải Hoa sen với chủ đề “Sản phẩm lưu niệm đặc trưng của TPHCM”. Nhiều sản phẩm tham gia cuộc thi đã được đánh giá cao về ý tưởng và tính độc đáo. Thế nhưng đến nay những sản phẩm đạt giải vẫn chưa được phổ biến thành những sản phẩm lưu niệm.
Trao đổi với ĐTTC, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi, cho biết mặc dù sản phẩm tại cuộc thi được chấm điểm cao về ý tưởng và tính độc đáo, nhưng sau đó phải được đầu tư, triển khai nhiều việc khác mới có thể ra thị trường. Hiện nay những DN lớn trong ngành thủ công mỹ nghệ không mặn mà với các đơn hàng sản xuất hàng lưu niệm trong nước do sản lượng quá ít, hiệu quả kinh doanh không cao. Trong khi những cơ sở nhỏ muốn làm được phải đầu tư quảng bá để khách hàng biết đến sản phẩm của mình. Do đó số lượng DN tham gia sản xuất hàng hóa lưu niệm cho du lịch TP còn rất hạn chế. 
Ông Hùng cho biết đã đề xuất ý tưởng thành lập trung tâm đầu tư phát triển sản phẩm mỹ nghệ tại TPHCM, quy tụ các DN thủ công mỹ nghệ nhưng đã không có sự đồng thuận của nhiều đơn vị. Thời gian tới tới Kim Bôi tự mở một trung tâm giới thiệu sản phẩm ở khu vực Hóc Môn. Khi được hỏi vì sao đưa trung tâm giới thiệu ở xa trung tâm sẽ khó kết nối với các DN lữ hành đưa khách đến tham quan, ông Hùng cho biết DN không đủ khả năng một mình đứng ra vừa quảng bá vừa kết nối sản phẩm. Do đó, trước mắt công ty chỉ tập trung giới thiệu sản phẩm, phục vụ nhu cầu khách hàng của mình. 
Như vậy, những người làm trong ngành du lịch và du khách vẫn đang tiếp tục chờ một sản phẩm đặc trưng để khi nhìn thấy mọi người sẽ biết ngay về một chuyến đi trải nghiệm tại TPHCM, Việt Nam.

Các tin khác