Lung lay niềm tin doanh nghiệp lữ hành

(ĐTTCO) - Dịp lễ 2-9 đang cận kề, những thông tin như Công ty du lịch Golux ôm tiền khách bỏ trốn, hay sự việc khách hàng tố Vietravel nhận tiền tỷ nhưng cho khách đi kiểu “hành xác”, đang khiến không ít du khách hoang mang. Làm sao để tránh gặp phải những trường hợp như vậy là câu hỏi đang được nhiều khách đặt ra. 

Tiền mất, bực mang
Những ngày đầu tháng 8, rất nhiều khách hàng đã liên tục đến Công ty TNHH Golux (quận 1, TPHCM) để tố cáo và đòi lại số tiền gần 10 triệu đồng/khách cho tour đi Singapore - Indonesia - Malaysia mà công ty này bán cho khách trước đó. Nhưng đến nơi chỉ có văn phòng trống, giám đốc, nhân viên đều bỏ trốn không còn dấu tích. Hiện Thanh tra Sở Du lịch TPHCM cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc để giải quyết vụ việc, nhưng trước mắt mỗi du khách coi như mất trắng 10 triệu đồng. 
Thực ra đây không phải lần đầu tiên Golux lừa đảo theo hình thức dời ngày khởi hành tour. Trước đó vào tháng 7-2017, một khách tại quận 3, TPHCM cũng từng tố cáo Golux lừa đảo. Theo đó, vị khách này mua tour cho 4 người đi du lịch Hàn Quốc tại Công ty Golux (Nguyễn Hữu Cầu, quận 1). Giá tour 12 triệu đồng/người, lộ trình 5 ngày 4 đêm.
Sau khi Golux thu đủ 48 triệu đồng thì liên tục dời ngày khởi hành với rất nhiều lý do. Quá bức xúc vị khách này quyết định hủy tour và đòi lại tiền, rất may cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cộng với sức ép từ truyền thông vị khách này cũng nhận lại được tiền của mình. Trên thực tế Golux không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng vẫn chào bán tour quốc tế công khai. DN này cũng từng bị Thanh tra Sở Du lịch phạt 45 triệu đồng.
Sự việc của Golux vẫn còn đang nóng trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông, thì một sự việc khác cũng trong mảng du lịch lại tiếp tục được hành khách tố cáo. Cụ thể, 25 khách ở Hải Phòng đã bỏ ra 1,7 tỷ đồng cho tour tham quan 4 nước châu Âu trong 10 ngày của Công ty Du lịch Vietravel. Theo những du khách này, với  mức giá cao hơn các hãng lữ hành khác chào giá cùng thời điểm 20-25 triệu đồng/người thì đoàn khách sẽ được nghỉ ở khách sạn 4 sao, trên hành trình từ thành phố Munich (Đức) đến thành phố Milan (Italia), sẽ nghỉ đêm trên tàu với 3 người một khoang giường nằm…
Lung lay niềm tin doanh nghiệp lữ hành ảnh 1 Một DN lớn và uy tín như Vietravel, nhưng chỉ cần một lần bất tín nhiều người mất tin. 
Song thực tế sau khi trở về từ chuyến đi, hành khách cho biết phải đi tàu chợ, ngủ khách sạn dột… và trải qua một chuyến “hành xác” chứ không phải chuyến du lịch.  Là một DN lớn nên ngay khi sự việc bị khách tố cáo, Vietravel đã nhanh chóng ra thông cáo báo chí cho biết: “Công ty đã đề nghị hoàn 100% chi phí vận chuyển đường tàu cho khách hàng do thay đổi điều kiện dịch vụ. Đối với sự cố đổi xe giữa đường ngày tour thứ nhất, chúng tôi hoàn 100% chi phí sử dụng xe 1 ngày và 100% phí 2 đêm cho 1 phòng của 2 khách tại Paris, do phòng nghỉ bị sự cố rò nước. Chúng tôi đồng thời hỗ trợ một khoản chi phí thiện chí nhằm bù đắp cho những sự bất tiện trong hành trình”.
Và đặc biệt để “bảo vệ hình ảnh và uy tín của công ty”, phía Vietravel yêu cầu các bên liên quan làm việc trực tiếp với nhau, tránh các phát ngôn không chính thống, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bên còn lại. Sự việc cũng chưa dừng lại khi một số khách trong đoàn cho biết họ không chấp nhận theo thông cáo này, với họ đây chỉ là sự bao biện thiếu thiện chí. 

Nhận diện tour đểu
Trước hết nói về hiện tượng lừa đảo như Golux. Đây cũng không phải trường hợp đầu tiên và chắc chắn chưa phải cuối cùng. Song theo đánh giá của giám đốc một DN lữ hành tại TPHCM, hiện tượng này rất khó ngăn chặn bởi một số đơn vị có đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động thường xuyên, chỉ nhảy vào khi mùa cao điểm nên khó kiểm tra và phát hiện từ sớm.
Thêm nữa, những công ty lừa đảo thường có hai dạng, trong đó phổ biến là đánh vào tâm lý thích giá rẻ của phần đông khách du lịch. Ngoài ra một dạng công ty cũng đang phổ biến hiện nay được hình thành từ một vài hướng dẫn viên du lịch. Đó là sau thời gian làm cho các công ty lớn, những hướng dẫn viên này sẽ dùng mối quan hệ cũ, lôi kéo khách hàng sang công ty mình. Từ đây cũng có những công ty làm ăn đàng hoàng, nhưng cũng có những công ty lập ra để lừa khách rồi bỏ trốn. 
Vì lẽ đó vị giám đốc này cũng gửi đến khách hàng một vài lời khuyên “bỏ túi” trước khi quyết định chọn mua tour du lịch, nhất là các tour dài ngày đi nước ngoài. Nếu được hãy chọn những công ty có uy tín trên thị trường, có hoạt động lữ hành thường xuyên. Ngoài ra với những tour đi quốc tế thì phải quyết liệt yêu cầu công ty du lịch cho xem giấy phép lữ hành quốc tế.
Và một điều hết sức quan trọng chính là cân nhắc về giá tour. Nếu công ty nào đưa ra mức giá quá bất thường so với mặt bằng chung của thị trường thì khách phải tự đặt câu hỏi. Bởi giá rẻ thường đi kèm với chất lượng sản phẩm kém, sản phẩm mang tính chắp vá, thậm chí lừa đảo như những trường hợp đã xảy ra trong thời gian qua. 
Đó là kinh nghiệm cho khách khi chọn công ty du lịch. Thế nhưng câu chuyện của Vietravel nói trên thì sao. Cũng là công ty lớn, giá tour không hề rẻ, vậy làm sao lại xảy ra cớ sự “hành xác” du khách như vậy. ĐTTC có thử tìm hiểu với một số người làm trong ngành du lịch được biết những sự cố khi đưa khách đi nước ngoài là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi tour đi quá gấp công ty du lịch cũng khó để chu toàn.
 Trong thời đại intertnet phát triển như hiện nay khách cũng nên dành thời gian thử tìm thông tin về công ty du lịch mà mình muốn đặt tour. Chẳng hạn như trường hợp Golux. Nếu khách tìm thông tin chắc chắn sẽ ra chuyện năm trước công ty này đã lừa đảo một đoàn khách đi Hàn Quốc, để từ đó có lựa chọn chính xác nhất cho mình và người thân. 

Các tin khác