Thị trường ngoại săn đón du khách Việt

(ĐTTCO) - Chưa bao giờ giá tour du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan… lại rẻ như hiện nay. Các hãng hàng không và công ty du lịch nước ngoài ồ ạt khuyến mãi, chào mời tour giá tốt, cộng với chính sách nới rộng visa, chào đón du khách Việt.  
Du khách Việt Nam thích thú với cây phong lá đỏ ở một làng cổ dưới chân núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Ảnh: H.HÀ
Du khách Việt Nam thích thú với cây phong lá đỏ ở một làng cổ dưới chân núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Ảnh: H.HÀ
Giá tour ngày càng rẻ
Thông tin từ một số công ty du lịch lớn tại TPHCM, mức tăng trưởng của thị trường tour outbound (tour du lịch nước ngoài) tăng vượt trội so với tour nội địa.
Ở một số công ty, lượng khách đặt tour nước ngoài trong dịp hè này lên tới 80%. Bán chạy nhất là các đường tour du lịch Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…, do giá tour ngày càng rẻ. Saigontourist và một số công ty du lịch lớn khác còn thuê bao nguyên máy bay hàng trăm chỗ để đưa du khách Việt du lịch Hàn Quốc, Đài Loan…
Thống kê từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ước tính có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài vào năm 2016, với tổng mức chi tiêu lên tới 7 - 8 tỷ USD; trong khi cách nay khoảng 5 năm, mức chi này chỉ khoảng 3,5 tỷ USD. 
Có nhiều lý do: hầu hết du khách Việt chuyển sang khuynh hướng đi du lịch tự do đối với các điểm đến trong nước, chỉ đặt tour trong nước khi đi tour liên tuyến, tour xa.
Do vậy, thống kê chung thể hiện lượng khách đặt tour nội địa ít hơn hẳn tour ra nước ngoài. Tuy nhiên, lý do chính khiến thị trường tour outbound tăng trưởng tốt, đó là do giá tour đến các điểm nóng này ngày càng giảm, cộng với việc nới lỏng visa, miễn chứng minh tài chính, ưu đãi giảm giá cho khách đoàn lớn…
Ghi nhận trên thị trường, giá tour Hàn Quốc dao động từ 13 - 15 triệu đồng/người (vài năm trước khoảng 20 triệu đồng); tour Đài Loan từ 10 - 13 triệu đồng/người (2 năm trước từ 16 - 18 triệu đồng); tour Nhật Bản có giá từ 24 triệu đồng (2 năm trước có giá hơn 30 triệu đồng)…
Trông người mà ngẫm đến ta
Chuyên gia tư vấn du lịch Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ, các doanh nghiệp (DN) ngoại biết cách chào đón và khai thác triệt để lợi thế danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi, mua sắm.
Thậm chí nước chủ nhà còn âm thầm hỗ trợ tài chính cho DN Việt khi đưa nhiều khách sang thị trường của họ. Thông tin từ một vài DN chuyên tour Hàn Quốc tiết lộ, con số hỗ trợ này ước tính lên tới hàng tỷ đồng, dưới hình thức hỗ trợ các DN du lịch Việt làm quảng bá.
Song song đó, các chính sách giảm giá tour, tặng phiếu shopping… tại điểm đến khiến du khách Việt Nam rất thích thú.
Phân tích lý do thị trường tour nội địa chưa thu hút khách trong nước, lãnh đạo một DN lữ hành ở TPHCM cho biết: “Bình quân cứ 2 du khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 khách Việt ra nước ngoài du lịch. Mà khách Việt ra nước ngoài thường chi tiêu bạo lắm”.
Nhiều du khách thừa nhận danh lam thắng cảnh trong nước rất đẹp, hơn hẳn nhiều quốc gia họ từng đến, nhưng chất lượng phục vụ, ý thức bảo vệ môi trường của ta thua xa các nước bạn.
Thêm nữa, tình trạng “nhảy” giá, “chặt chém” mùa cao điểm cũng khiến du khách lo ngại. Do vậy, tour ngoại được nhiều người lựa chọn. Ví dụ, mùa này tour khởi hành từ TPHCM đi Đài Loan chỉ còn khoảng hơn 10 triệu đồng/người, trong khi giá tour đi Hạ Long, Sapa cũng tương đương.
Tăng các chuyến bay thuê bao, tăng số chuyến bay trong ngày… để tăng trưởng số lượng du khách Việt Nam là giải pháp đang được các nước quan tâm đầu tư.
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, dự tính từ nay đến cuối năm, có khoảng 40 chuyến bay thuê bao đưa khách du lịch trực tiếp từ TPHCM đến Hàn Quốc.
Mặc dù đứng thứ ba về số lượng khách tới xứ sở kim chi, nhưng Việt Nam được đánh giá đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Điều này có được là nhờ các chương trình xúc tiến, quảng bá của Hàn Quốc tới các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… diễn ra liên tục. 
Để tạo sức hút cho du lịch nội, tránh hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ do khách Việt chọn tour ngoại, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng yếu tố quan trọng chính là nâng cao nhận thức của người dân, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, không chặt chém, làm giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự… cho du khách.
“Làm du lịch phải quan tâm đến các chi tiết nhỏ, bởi đây chính là ngành nghề đòi hỏi cung cấp cho du khách một sản phẩm tinh tế, không thể qua loa, sơ sài”, bà Khánh phân tích.
Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng của nhiều cường quốc du lịch khu vực châu Á. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, 7 tháng đầu năm 2017, Hàn Quốc thu hút khoảng 200.000 lượt khách Việt, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường hấp dẫn, đứng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan và Philippines) với lượng du khách tăng trưởng liên tục. Tương tự, ngành du lịch Đài Loan và Nhật Bản cũng tổ chức nhiều chương trình quảng bá tại Việt Nam, với mục tiêu thu hút 500.000 lượt du khách Việt Nam trong năm 2017.

Các tin khác