Thiểm Tây cố đô cổ

(ĐTTCO) - Người Trung Quốc có câu: “Muốn biết đại lục phát triển trong chục năm qua thế nào hãy đến Thẩm Quyến, biết Trung Quốc lịch sử trăm năm hào hùng hãy đến Bắc Kinh và muốn hiểu các triều đại hưng thịnh ngàn năm hãy đến Thiểm Tây”. Tỉnh Thiểm Tây có Tây An là thủ phủ, là 1 trong 4 kinh đô lịch sử của Trung Hoa, gồm Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh và Bắc Kinh, với hơn 3.100 năm lịch sử.
Thành phố Tây An còn có tên gọi thành Tràng An hay  Trường An, là kinh đô của 13 triều đại như nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán và nhà Đường, gắn liền với những nhân vật huyền thoại: Võ Tắc Thiên, Đường Huyền Trang, Tần Thủy Hoàng và Dương Ngọc Hoàn (Dương Quý phi). Trong suốt thời kỳ làm kinh đô, Trường An là một đô thị phát triển, có vai trò tương tự như Rome của La Mã. Tuy nhiên, sau khi nhà Đường suy vong, kinh đô Trung Quốc được dời về Lạc Dương ở phía Đông vào năm 904. 

Cố đô đầu tiên trong lịch sử
Hiện Tây An còn sở hữu nhiều di tích thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Trong đó được biết đến nhiều nhất ở trung tâm thành phố Tây An chính là bức tường thành rộng lớn và nổi bật. Thành cổ Tây An được Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của nhà Minh xây dựng, đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm.
Thiểm Tây cố đô cổ ảnh 1 Một góc thành cổ Tây An.
Tường thành cao 1m, chân tường dày 18m, trên bề mặt rộng 12-14m, chu vi 13,74km, với một hào sâu bao quanh. Cứ 120m lại có 1 tháp canh, tổng cộng 98 cái. Tường thành có 4 cổng: Trường Lạc, An Định, Vĩnh Ninh và An Viễn lần lượt nằm tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó cửa Vĩnh Ninh được trang trí rất đẹp mắt, đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng. 
Ngày nay, tường thành chủ yếu mở cửa cho du khách tham quan đi bộ hoặc đi xe đạp theo chu vi thành. Thông thường để đạp xe một vòng thành mất khoảng 2 tiếng, giá thuê xe đạp 45NDT (150.000 đồng). Ngoài ra du khách phải mua thêm vé lên cổng thành 54NDT (180.000 đồng). Bạn cũng đừng quên chờ xem màn trình diễn duyệt binh cổ đại Trung Hoa miễn phí mỗi ngày vào các giờ 11, 14 và 17 tại cổng Nam. 
Phía Bắc của thành Trường An là Đại Minh Cung, có diện tích rất rộng lớn, tuy hiện tại khu vực này chỉ là bãi đất trống với một vài di tích còn sót lại và một vài mô hình mô phỏng cung điện và kiến trúc thời xưa. Đại Minh Cung còn được gọi là Đông Nội, là quần thể cung điện hoàng gia đời nhà Đường trong hơn 220 năm. Kể từ thời Đường Cao Tông, các hoàng đế nhà Đường đều ở đây để xử lý triều chính, khiến nơi này trở thành trung tâm cai trị quốc gia. Đến cuối thời nhà Đường, Cung Đại Minh bị phá hủy trong chiến tranh.

Đại Nhạn Tháp - nơi Đường Huyền Trang thỉnh kinh trở về
Tháp Đại Nhạn hay chùa Đại, là một ngôi chùa nằm ở phía Nam thành phố Tây An. Chùa được xây dựng vào năm 652, dưới triều đại nhà Đường ban đầu có 5 tầng tháp. Cấu trúc được xây dựng lại vào năm 704 dưới triều đại Nữ hoàng Võ Tắc Thiên và sau đó được cải tạo dưới thời nhà Minh.
Thiểm Tây cố đô cổ ảnh 2 Quang cảnh Thiểm Tây.
Đây là nơi Trần Huyền Trang, cũng thường được gọi là Đường Tam Tạng hay Đường Tăng, đã lập một khu dịch thuật kinh khổng lồ để dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang chữ Hán sau khi thỉnh kinh từ Ấn Độ về.  Năm 2014, tháp Đại Nhạn được UNESCO công nhận là một phần của Di sản thế giới Con đường tơ lụa: Mạng đường Trường An - Hành lang Thiên Sơn.
Đại sư Huyền Trang khởi hành từ Trường An (nay là Thiểm Tây), hành trình dọc theo Con đường tơ lụa, đi qua nhiều quốc gia và cuối cùng đến Ấn Độ vào năm 630. Sau 17 năm lưu trú ở Ấn Độ, ngài trở về lại Trung Quốc, mang theo nhiều tượng Phật, xá-lợi và 657 bản kinh Phật khác nhau.
Sau khi được hoàng đế Cao Tông đồng ý, ngài Huyền Trang, bấy giờ là trụ trì đầu tiên của chùa Đại Từ Ân, đã chỉ đạo xây dựng ngôi tháp bên trong khuôn viên chùa. Sau đó với sự hỗ trợ của triều đình, ngài đã thỉnh mời 50 vị dịch giả đến đây để chuyển dịch kinh sách Phật từ tiếng Sanskrit sang Hán ngữ, tổng cộng có 1.335 tập được hoàn thành, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dịch thuật Phật giáo. 
Trước cổng chùa còn có một bức tượng ngài Huyền Trang bằng đồng, tay phải cầm thiền trượng, đầu cạo trọc, 2 vành tai to đẹp như tai Phật, nét mặt hiền hòa nhưng ẩn chứa sự cương nghị quyết tâm. Tuổi khoảng 50-60. Bức tượng toát lên một nét điềm đạm, bình an, không thấy sự khắc khổ phong trần của con người vượt bao nhiêu hiểm nguy trắc trở đi cầu đạo, không thấy nét rắn rỏi hiển hiện của con người trải qua bao cuộc gian lao, đấu tranh trí tuệ.
 Hoa Thanh Cung - câu chuyện tình sử của Dương Quý phi
Hoa Thanh Cung, có tên gọi ban đầu là Thang Tuyền Cung, nằm cạnh chân núi Ly Sơn, phía Bắc là sông Vị Thủy, cách thành phố Tây An khoảng 30km. Đây là thắng cảnh du lịch cấp 5A, là khu bảo tồn văn hóa, văn vật trọng điểm của Trung Quốc. 
Hoa Thanh Cung vốn là cung điện ngoài thành trong suốt các triều đại Chu, Tần, Hán, Tùy, Đường. Nơi đây đạt độ cực thịnh vào thời Đường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ, còn gọi là Đường Minh Hoàng, 685-762) khi ông cho xây dựng một quần thể cung điện, lầu son, gác tía rất tráng lệ, đổi tên thành Hoa Thanh Cung (còn gọi là Hoa Thanh Trì) để chiều lòng và thường xuyên đến vui vầy với Dương Quý phi - một trong tứ đại mỹ nhân có vẻ đẹp “hoa nhường” của Trung Quốc, được ông hết mực sủng ái.
Mối tình bi thảm giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi được truyền tụng trong dân gian, trở thành đề tài cho bao áng văn thơ thời đó, cũng như các thể loại tranh, truyện, kịch, phim sau này. Trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Trường Hận ca”, một tuyệt tác về mối hận tình muôn thuở dưới ngòi bút tài hoa của đại thi hào Bạch Cư Dị. 
Vào Hoa Thanh Cung, du khách sẽ được thấy rất nhiều bồn tắm hoàng cung thời đấy, trong đó được chú ý nhất vẫn là 2 bể được truyền là của Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi, nay vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" cho dù không còn giữ được vẻ huy hoàng như xưa, với dấu ấn của thời gian.
Đằng trước gian phòng chứa các bể tắm là  tượng bằng bạch ngọc của Dương Ngọc Hoàn, tư thế quyến rũ và mềm mại, e ấp như của nữ thần Vệ Nữ. Thú vị là đúng với lời tả của sử cũ, ở đây Dương Quý phi được khắc họa như một phụ nữ có da có thịt, có lẽ là "chuẩn" của đời Đường.
Hiện khu vực này được khai thác du lịch như là công viên chủ đề, du khách vào đây phải mua vé 150NDT (500.000 đồng). Đây là một khu vực khá rộng bao gồm cung điện, công viên hoàng gia và các lầu đài trên núi Li Sơn, đêm xuống sẽ có thêm buổi trình diễn ca múa nhạc tái hiện các câu chuyện đời Đường. 

Binh Mã Dũng - đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng
Đội quân đất nung hay tượng binh mã Tần Thủy Hoàng, có nghĩa là "tượng đội quân và ngựa", là một quần thể tượng người, ngựa bằng đất nung gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung được phát hiện ngày 29-3-1974. Đội quân đất nung được chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng của nhà Tần, trong thời gian 210-209 trước Công nguyên. 
Thiểm Tây cố đô cổ ảnh 3 Đội quân đất nung tại khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Theo sách sử, việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng bắt đầu từ năm 246 trước Công nguyên, sử dụng đến 700.000 nhân công và thợ thủ công trong 38 năm. Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được chôn trong quan tài cùng với nhiều ngọc ngà châu báu, nhiều tác phẩm thủ công và một mô hình vũ trụ hoàn chỉnh được khảm ngọc, đặt trong dòng thủy ngân tượng trưng cho dòng sông đang chảy, hoặc có thể dùng để diệt khuẩn và gây độc chết người cho những ai muốn phá mộ.
Những viên trân châu được đặt trên nóc mộ tượng trưng như những ngôi sao và các hành tinh. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng gần giống như một kim tự tháp bằng đất cao 76m, rộng gần 350m². Cho đến nay lăng mộ này vẫn chưa được khai quật. Trung Quốc đang có kế hoạch xây tường bao và mái bảo vệ khu lăng mộ tránh bị xâm thực của thiên nhiên.
Cách khu lăng mộ khoảng 1,5km là 3 hầm riêng biệt chứa đội quân bằng đất nung rất hùng hậu. Đây là nơi được mệnh danh kỳ quan thế giới thứ 8. Tượng binh mã cùng xe ngựa có kích cỡ và những phong thái riêng như người thật, với gương mặt được diễn tả những sắc thái khác nhau rất sống động và hùng tráng.
Tùy theo chức vụ mỗi người lính tại đây có trang phục khác nhau, và các tư thế đứng cũng khác nhau. Hầm mộ có khoảng 8.000 tượng quân sĩ, với nền được lát gạch và có trần bằng gỗ. Hầm 2 chứa nhiều quân đội với chiến xa. Hầm thứ ba là những tướng chỉ huy đặc biệt cùng với những cỗ xe ngựa và hầm thứ tư hiện tại vẫn chưa được khai quật.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xem là bí hiểm và có chu vi lớn nhất thế giới. Người ta cho rằng những người tham gia vào công cuộc xây dựng hầm mộ đã bị chôn vùi vĩnh viễn trong chính công trình họ xây nên, nhằm che dấu tung tích và vị trí của hầm mộ. Ngày nay, lăng mộ có hình kim tự tháp được phủ bên trên một lớp rừng cây dày đặc, nếu du khách không được giải thích sẽ khó nhận ra đó là một lăng mộ khổng lồ. 
Đến thăm đội quân đất nung và lăng mộ vua Tần, du khách có thể đi xe buýt từ bến xe trung tâm Tây An, với khoảng cách 45km đi 45 phút. Vé tham quan 150NDT (500.000 đồng) bao gồm chiêm ngưỡng cả 2 khu đội quân đất nung và lăng mộ cách nhau gần 2km, có xe buýt miễn phí di chuyển giữa 2 nơi. 
 Từ Việt Nam không có chuyến bay thẳng đến Tây An, du khách phải quá cảnh ở Quảng Châu của hãng China Southern Airlines. Thời gian du lịch đẹp nhất từ tháng 2-5 và tháng 9-11. Ngoài những nơi kể trên, du khách có thể trải nghiệm khu phố ẩm thực Hồi giáo với rất nhiều món ăn đặc trưng địa phương, mua vé vào tham quan tháp trống với chiếc trống đạt kỷ lục lớn nhất thế giới. Vào buổi tối, du khách nên thưởng thức chương trình biểu diễn đặc sắc “Đại đường Tây An”, giá vé khoảng 900.000 đồng bao gồm bữa ăn tối. 
Tây An là cố đô với nhiều di tích nên hãy tìm hiểu và tham khảo các tài liệu lịch sử về các triều đại Tần, Hán đặc biệt thời nhà Đường, để bạn có thể cảm nhận được một cách sâu sắc những tinh hoa của lịch sử ngàn năm Trung Hoa. Tây An không chỉ là một thành phố hoa lệ ngày nay mà còn là một bảo tàng đồ sộ các di tích lịch sử, văn hóa và văn minh Trung Quốc.

Các tin khác