Điều kiện kinh doanh đang bị bóp méo

(ĐTTCO) - Cuộc chiến với các loại điều kiện kinh doanh (ĐKKD) phi lý, các quy định biến tướng thành rào cản cản trở doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. 
Trao đổi với ĐTTC, Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (ảnh), Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng những quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo vì quan điểm cải cách nửa vời, thỏa hiệp, dễ dãi và thiếu đồng bộ.
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể hệ thống lại những yêu cầu về ĐKKD hiện nay ra sao?
Điều kiện kinh doanh đang bị bóp méo ảnh 1
 Ông TRƯƠNG THANH ĐỨC: - Quyền tự do kinh doanh của cá nhân và pháp nhân đã được quy định một cách rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ nhất, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Thứ hai, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Thứ ba, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Thứ tư, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải được quy định trong luật. Chính vì vậy, năm 2016 Quốc hội đã phải sửa Luật Đầu tư, sửa 267 thành 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Thứ năm, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định; không thừa nhận bất kỳ các quy định nào trong thông tư của các bộ và văn bản của chính quyền địa phương…
Trên cơ sở Hiến định và luật định như trên, tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc có 16 ngành, nghề có điều kiện kinh doanh chưa phù hợp và 10 ngành, nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như trong lĩnh vực khai khoáng, làm phân, xuất gạo, nhập xăng, bán gas, buôn rượu, chạy taxi, sản xuất mũ bảo hiểm...  Bất hợp lý nữa về ĐKKD là sự phân biệt đối với ngành, nghề tương tự. Thí dụ, “hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại”, nếu dịch vụ trọng tài thương mại đang được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, không có lý do gì loại trừ dịch vụ “hòa giải thương mại”, vì 2 loại hình này được quy định tương tự trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Theo đó đều là “phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận” và đều cùng “hoạt động không vì mục đích lợi nhuận”.

- Như vậy dù Luật Đầu tư đã thu gọn, quy định cụ thể các ngành nghề yêu cầu ĐKKD, nhưng những rắc rối xung quanh câu chữ quy định của các văn bản dường như vẫn không giảm, thưa ông?

- Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016 vẫn còn nhiều bất cập. Việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề, mà phần lớn giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề.
Thí dụ, trong danh mục 267 ngành, có 4 ngành, nghề liên quan đến vàng là “kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”. Còn trong danh mục 243 ngành, nghề dồn lại thành 1 ngành nghề kinh doanh có điều kiện duy nhất là “kinh doanh vàng” .

Vì nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ theo luật, nên nghị định muốn viết gì cũng được. Thí dụ, không thể phân biệt ngành, nghề kinh doanh nào thuộc 1 trong 3 nhóm “kinh doanh thực phẩm” thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hay của Bộ Y tế. Hoặc danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã bỏ bớt ngành, nghề kinh doanh “phụ gia thực phẩm” nhưng vẫn khá mơ hồ và rất khó xác định cơ quan quản lý trực tiếp. 

- Việc lách, thay đổi câu chữ nhưng bản chất câu chuyện vẫn là tạo rào cản, thưa ông?

- Ngoài các nhóm ĐKKD hiện nay vẫn còn ít nhất 4 nhóm quy định có thể quy về thực chất tương tự với ĐKKD. Thứ nhất, yêu cầu về quy hoạch. Việc đưa ra quá nhiều quy hoạch và quy hoạch nhiều ngành, nghề quá chi tiết, đã dẫn đến tình trạng tương tự như ngăn cấm, gây trở ngại khó khăn cho quyền tự do hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thí dụ, quy hoạch thương nhân, kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương đã đưa ra các tiêu chí quá cao, dẫn đến tình trạng loại bỏ đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thứ hai, yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật. Việc quy định quy chuẩn kỹ thuật quá cao, dẫn đến không thể thực hiện được, hay quá cụ thể, chi tiết, can thiệp vào giải pháp, quyền chủ động kinh doanh. 

Thứ ba, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng là tự nguyện, ngoài một số hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn chất lượng như thực phẩm. Dù là công bố bắt buộc hay tự nguyện doanh nghiệp cũng buộc phải đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Thứ tư, yêu cầu về thủ tục hành chính (chưa có luật, chỉ có Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính) với nhiều thủ tục phức tạp, phiền hà, rắc rối, tiêu cực, tốn kém đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông.
 ĐKKD và thủ tục hành chính đã được quan tâm giải quyết theo hướng đơn giản hóa và thông thoáng. Nhưng các vấn đề quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng còn ít được quan tâm. Đặc biệt nguy cơ lớn nhất là lách ĐKKD theo quy định của luật và nghị định, thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và Chính phủ, thành quy chuẩn chất lượng theo quy định của thông tư, chỉ thuộc thẩm quyền banh hành của bộ. Nếu điều này không được ngăn chặn, quyền kinh doanh của doanh nghiệp vẫn bị cản trở.

Các tin khác