Siết lại quản lý, sử dụng tài sản công

(ĐTTCO) - Hàng loạt văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đang được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả, đúng tiêu chuẩn định mức việc sử dụng tài sản công vốn được nhìn nhận còn nhiều tồn tại, lãng phí. 
ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN TÂN THỊNH (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay việc báo cáo tình hình sử dụng các cơ sở nhà, đất tại các địa phương, nhất là TPHCM ra sao? Phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất, quản lý tiền thế nào? Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hồi tố?
Siết lại quản lý, sử dụng tài sản công ảnh 1
Ông NGUYỄN TÂN THỊNH: - Thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan Trung ương báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà khách văn phòng 2 tại TPHCM. Hiện các bộ, ngành đang gửi báo cáo và Bộ Tài chính cũng đang đôn đốc nội dung này.
Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với 5 TP trực thuộc Trung ương xử lý nhà, đất. Trước đây, quy định sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại Hà Nội và TPHCM có quy trình khác 61 địa phương còn lại. Tuy nhiên, đợt này 5 TP trên sẽ theo trình tự sắp xếp, xử lý khác. Nhà, đất trên 5 TP này, Bộ Tài chính sẽ chủ trì kiểm tra, 58 địa phương còn lại các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra.
Theo Nghị định 167 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, gồm: giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; hình thức xử lý khác. 
Về quản lý, sử dụng nguồn tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất có một số nội dung mới: số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất của các bộ, cơ quan Trung ương được nộp vào tài khoản tạm giữ do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản, sau khi trừ chi phí liên quan được nộp vào ngân sách để ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định. Việc quản lý, thanh toán và quyết toán nội dung chi thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật có liên quan.
Về việc hồi tố các vụ việc nóng vừa qua, nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật là có hiệu lực thời điểm nào, áp dụng thời điểm đó. Hiện nay các văn bản quy định chi tiết thi hành luật như Nghị định 151, Nghị định 167 và Nghị định 29 có quy định việc xử lý chuyển tiếp một số nội dung liên quan về tài sản công đã có quyết định xử lý cấp có thẩm quyền trước 1-1-2018 thực hiện theo quyết định đó.
Những việc chưa xong như việc quản lý tiền theo quy định mới. Thí dụ, bán đấu giá nhưng chưa thực hiện công khai, chưa rõ bán đấu giá ra sao sao, thực hiện theo quy định, hướng dẫn mới.
- Có một vấn đề được đề cập nhiều thời gian qua là việc đấu giá công khai tài sản, hay việc doanh nghiệp góp vốn bằng đất và tính giá trị đất góp vốn, thưa ông?
- Về việc công khai, minh bạch tài sản đấu giá theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra còn có những hệ thống pháp luật khác để bổ trợ, như đầu vào có Luật Đấu thầu; cho thuê, bán chuyển nhượng theo pháp luật về định giá…
Theo quy định, việc xử lý tài sản công phải công khai. Các tài sản công khi bán, chuyển nhượng phải đấu giá (trừ giá trị nhỏ, dưới 10 triệu đồng bán chỉ định), niêm yết giá, công khai thông tin trên trang thông tin điện tử.
- Vừa qua nhiều trường hợp chuyển nhượng đất công không qua đấu giá mà theo chỉ định, điều này có phù hợp, thưa ông?
- Các vụ việc cụ thể cơ quan thông tấn báo chí nêu vừa qua, đang trong quá trình điều tra, kiểm toán, khi có kết quả cơ quan chức năng sẽ thông báo cụ thể. Còn với Bộ Tài chính, chúng tôi chỉ đề cập về mặt nguyên tắc bộ chủ yếu quản lý nhà đất của cơ quan hành chính sự nghiệp.
Quy định này có từ năm 1998, và tiếp nối đến các quy định sau này như Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất là có sự phân định rõ tài sản công giữa trung ương và địa phương; tài sản công cấp nào quản lý cấp đó quản lý tài sản cấp của mình.
Thứ hai, tài sản công khi bán, chuyển nhượng phải thông qua đấu giá. Nếu bán chỉ định chỉ thực hiện trong một số trường hợp nhưng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thứ ba, nhà, đất khi bán dù đấu giá hay chỉ định đều phải xác định sát giá thị trường, thông qua việc thuê tổ chức thẩm định giá và phải trình UBND cấp tỉnh, bất kể đất đất Trung ương hay địa phương.
- Nhiều địa phương sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nghĩa là dùng tài sản công thực hiện thanh toán các dự án BT. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bộ Tài chính sẽ sớm xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, sau khi Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư có hiệu lực thi hành (ngày 19-6).
Để tránh thất thoát, lãng phí, dự thảo quy định các nguyên tắc: việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan…
 Vừa qua dư luận phản ánh nhiều trường hợp tài sản của cơ quan nhà nước do doanh nghiệp biếu, tặng, trong đó có những trường hợp sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức. Điều này gây dư luận không tốt, đặc biệt là xe sang có giá trị lớn. Về việc này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương không tiếp nhận tài sản doanh nghiệp biếu, tặng.

Các tin khác