Sức ép thương mại điện tử tăng dần

(ĐTTCO) - Một hệ sinh thái thương mại điện tử (TMĐT) do doanh nghiệp (DN) Trung Quốc chi phối đang dần hình thành.

Alibaba đã mua lại Lazada.vn (sàn TMĐT lớn nhất cả nước). Không dừng lại ở đó, 2 ví thanh toán điện tử khổng lồ Trung Quốc là Alipay, WeChat Pay đang từng bước cung ứng các dịch vụ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam. Trao đổi với ĐTTC về thực tế này, ông NGUYỄN HỮU TUẤT (ảnh), chuyên gia lĩnh vực TMĐT, nhận định: 

Sức ép thương mại điện tử tăng dần ảnh 1
Trong những năm tới nhiều khả năng DN ngoại sẽ chi phối thị trường TMĐT, và nếu DN trong nước không vươn lên rất có thể hàng hóa nội địa sẽ hụt hơi trên thị trường TMĐT. Cụ thể, cả Alipay và WeChat Pay đang mở rộng hoạt động ra khu vực Đông Nam Á. Còn Alibaba sau khi thâu tóm Lazada đã chuyển đổi Công ty thanh toán HelloPay thành Công ty Alipay tại Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines. Hiện nay, tại Singapore và Malaysia, Alipay đã cung cấp dịch vụ thanh toán nội địa trực tiếp cho người tiêu dùng sở tại.
Ở các nước còn lại, trong đó có Việt Nam, bước đầu họ mới phát triển các điểm chấp nhận thanh toán Alipay/WeChat Pay, cho phép khách du lịch Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng Alipay và WeChat Pay thanh toán. Đây có thể chỉ là bước đệm, vì thông qua đó họ có thể triển khai phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán trước khi phát triển người dùng.
Alipay và WeChat Pay đều là các công ty lớn, tiềm lực tài chính mạnh và đã có kinh nghiệm triển khai thanh toán thành công tại Trung Quốc. Trong khi đó, thanh toán điện tử (TTĐT) tại các nước Đông Nam Á vẫn đang còn rất mới mẻ, vì thế khả năng Alipay và WeChat Pay được phép triển khai dịch vụ thanh toán nội địa có cơ hội chiếm lĩnh và chi phối thị trường thanh toán khá cao, bởi các nước Đông Nam Á hiện chưa có các công ty nội địa nào đủ mạnh, có khả năng tài chính lớn để cạnh tranh trong dài hạn. Do đó, các công ty trong nước có lý do để lo ngại khi thị trường thanh toán và dịch vụ tài chính nội địa vốn là lợi thế của mình rơi vào tay các công ty nước ngoài.
PHÓNG VIÊN: - Cụ thể hàng hóa của DN trong nước sẽ hụt hơi trên các sàn TMĐT thời gian tới ra sao, thưa ông?
Ông NGUYỄN HỮU TUẤT: - TMĐT đang có tốc độ phát triển và tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong những năm gần đây với sự tham gia của Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn... Khi thị phần giao dịch TMĐT tăng thương mại truyền thống, bán lẻ sẽ giảm. Lợi thế của Alibaba là có khả năng kết nối sàn giao dịch TMĐT Lazada với các sàn TMĐT lớn nhất Trung Quốc như Taobao, Tmall, qua đó giúp người bán Trung Quốc có thể bán hàng trực tiếp tới người dùng tiêu dùng Việt Nam một cách thuận tiện nhất.
Nếu việc kết nối thành công, hàng hóa và người bán Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế về số lượng trên Lazada so với hàng hóa của DN Việt Nam. Đây thực sự là thách thức lớn đối với hàng hóa và DN sản xuất trong nước, khi chúng ta vừa thiếu và yếu về số lượng, mẫu mã, chất lượng, giờ lại yếu thế hơn cả về kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, kênh bán hàng qua TMĐT. 
- TMĐT là xu hướng toàn cầu, vậy các cơ quan quản lý có cần đưa ra những giải pháp khuyến khích DN TMĐT Trung Quốc liên kết với DN trong nước? Hay có thể đưa ra những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước và đồng nội tệ?
- Ở góc độ quản lý, các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật và tuân thủ các cam kết hợp tác quốc tế. Theo tôi, nên tách TMĐT ra thành 2 vấn đề riêng biệt. Thứ nhất, khi môi trường phát triển sẽ thúc đẩy nền kinh tế, tạo thói quen mua sắm mới cho người tiêu dùng, cũng như cơ hội phát triển cho các DN kinh doanh nhỏ lẻ, tạo ra việc làm cho người lao động. Phát triển TMĐT chắc chắn sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những DN phát triển mạnh và làm đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển, DN nước ngoài tham gia với vai trò đầu tư, liên kết và hỗ trợ DN trong nước phát triển.
Ngược lại, nếu thị trường TMĐT chỉ dành cho DN ngoại thao túng, có nghĩa chúng ta mất đi sức mạnh nội lực và sự hỗ trợ cần thiết trong các trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia. Đối với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, họ rất đề cao vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của công dân Nhật khi thực hiện các giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
Thứ hai, hoạt động này gắn liền với vấn đề tiền tệ và tài chính, là mạch máu của nền kinh tế, vì thế được các cơ quan quản lý và chính phủ các nước quản lý chặt chẽ hơn bằng các quy định pháp luật riêng, và thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tinh thần chung của các nước là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển TTĐT, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ thông qua các ngân hàng và tổ chức thanh toán nội địa, cùng với các quy định cụ thể về kiểm soát tài khoản và giao dịch. Chính phủ Trung Quốc cũng như một số nước Đông Nam Á cũng có các quy định như vậy để đảm bảo các hoạt động thanh toán nội địa và quốc tế được kiểm soát.
Về mặt kỹ thuật hoàn toàn có các biện pháp để ngăn chặn người dùng truy cập đến các website hoặc ứng dụng cụ thể. Riêng đối với vấn đề thanh toán, để triển khai được còn liên quan đến hệ thống và các chính sách của ngân hàng. Quan trọng là quan điểm của cơ quan quản lý đối với vấn đề này như thế nào, còn giải pháp có rất nhiều cách để thực thi. 
Tôi nghĩ rằng, các nước hoàn toàn có quyền để bảo vệ các đe dọa cũng như rủi ro trong tương lai có thể xảy ra đối với quyền lợi của quốc gia và phù hợp với các quy định chung của quốc tế. Một trong những vấn đề quan trọng là tạo điều kiện pháp lý và hỗ trợ DN trong nước phát triển đủ mạnh, làm chủ thị trường nội địa cũng như cơ hội mở rộng ra quốc tế. Nếu chúng ta có tầm nhìn xa và mục tiêu rõ ràng cùng các biện pháp, lộ trình phù hợp, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn thực hiện được điều này. 
Tóm lại, áp lực trong phát triển TMĐT rất lớn, bản thân DN trong nước phải vươn lên và có chiến lược phù hợp để cạnh tranh, nhưng chắc chắn tốt hơn nếu có được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng nội địa.
- Xin cảm ơn ông.
 Trong lĩnh vực TMĐT, DN trong nước tuy tiềm lực tài chính hạn chế nhưng vẫn có những lợi thế khác như am hiểu văn hóa, môi trường kinh doanh, quan hệ và hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Đây là những lợi thế để DN trong nước có thể cạnh tranh, cũng như buộc DN nước ngoài phải hợp tác để cùng phát triển.

Các tin khác