Thanh tra, giám sát ngân hàng còn buông lỏng?

(ĐTTCO) - Ngay sau khi ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongABank và 20 đồng phạm bị đề nghị truy tố trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại DongABank.
Dư luận cũng như cổ đông của ngân hàng (NH) này đặt câu hỏi vì sao ông Bình đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong suốt 8 năm liền nhưng cơ quan thanh tra giám sát NH của NHNN và kể cả ban kiểm soát (BKS) của các NH đang ở đâu? ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU (ảnh), chuyên gia tài chính NH liên quan đến vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, cơ quan điều tra đã xác định ông Trần Phương Bình là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DongABank tổng số tiền 3.405 tỷ đồng. Hành vi vi phạm của ông Bình là nguyên nhân dẫn đến việc DongABank lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015. Ông nhận định như thế nào về sai phạm đã xảy ra?
Thanh tra, giám sát ngân hàng còn buông lỏng? ảnh 1
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Liên quan đến vấn đề này, tôi không đưa ra nhận định về mức độ nghiêm trọng như thế nào, những thông tin này là kết quả của cơ quan điều tra. Tất cả những kết quả này vẫn chưa thể luận tội được và phải được đưa ra tòa án để xử lý công minh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong hệ thống NH nói chung ngày càng phát hiện ra những hành vi sai trái như vậy là điều rất đáng tiếc, khi các lãnh đạo sai phạm đều là những “chóp bu” của NH. Đây là những NH có một thời là trụ cột của ngành NH Việt Nam. Điều này rất đáng lo ngại cho hệ thống NH Việt Nam.
Còn nhìn ở góc độ kinh doanh NH và dựa vào quy định hiện hành, những hành vi trên sai trái nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề chi trả cho khách hàng ngoài sổ sách, vì đây là những hành động được che giấu đi. Chi lãi vượt trần ngoài vi phạm quy định của NHNN, còn là hiện tượng đóng góp cho vấn đề tham nhũng và hối lộ, không những có tác hại cho chính NH vì phải chịu những chi phí “dưới gầm bàn”, mà còn có tác động đến toàn thể xã hội.
- Kể từ năm 2007, các hành vi sai phạm của ông Bình và các nhân viên dưới quyền đã bắt đầu xảy ra nhưng đều không được phát hiện. Việc DongABank âm quỹ, hụt tiền và vàng chỉ được phát hiện vào năm 2015 khi cơ quan thanh tra NHNN vào cuộc.Theo ông đâu là kẽ hở để NH qua mặt thanh tra?
- Đây là vấn đề xảy ra không những ở DongABank, mà còn xảy ra ở một số NH khác trong thời gian vừa qua, trong đó có cả NH được mua 0 đồng. Cho đến khi vụ án được thụ lý mới phát hiện đã có nhiều sai phạm diễn ra trong một thời gian dài. Thế thì cơ quan quản lý NHNN ở đâu, thanh tra NHNN ở đâu?
Đó là vấn đề mà chúng ta phải đặt lại một cách nghiêm túc để xét xem vấn đề quản lý, giám sát các NH và NHNN phải xem lại công tác thanh tra của mình. Bởi những sự việc như vậy không chỉ xảy ra trong một thời điểm hay một thời gian ngắn, mà trong thời gian rất dài.
Trong hoạt động thanh tra giám sát, về nguyên tắc cơ quan thanh tra giám sát NHNN có 2 cách kiểm tra các NH là định kỳ và đột xuất. Thông thường, hoạt động kiểm tra NH thực hiện ít nhất 1 năm 1 lần, gọi là thanh tra định kỳ. Nhưng nếu NHNN nhìn thấy NH nào có vấn đề, họ sẽ gửi thanh tra đến để thanh tra đột xuất.
Đối với những NH yếu kém, NHNN gửi thanh tra đến làm việc tại NH trong một thời gian rất dài, thanh tra sẽ “ăn ngủ” luôn tại NH đó, gọi là kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, các NH vẫn có nhiều cách để giấu các sai phạm. Thứ nhất, họ dùng những kỹ thuật về sổ sách để lẩn tránh, sử dụng cách hạch toán mà ngay cả thanh tra nhìn vào sổ sách cũng không phát hiện được.
Những cách hạch toán mang tính chất che giấu như vậy, thậm chí cả công ty kiểm toán độc lập cũng không phát hiện ra. Thứ hai, có sự bao che ở đây, thông qua những hành động hối lộ để bịt miệng thanh tra. Ngoài ra cũng có những xảo thuật như thông qua bên thứ 3 để tránh sự phát hiện của những bên liên quan.
Có thể nói muốn che giấu sai phạm, các NH có trăm phương ngàn cách nhưng đây là những cách phổ biến nhất. Để khắc phục vấn đề này, NHNN cần phải tăng cường số lượng thanh tra, đào tạo bài bản, tiếp tục xử lý những thanh tra có hành động thông đồng sai phạm trong quá khứ thật nghiêm minh để làm gương cho hệ thống thanh tra.
- Vậy BKS của NH có phải chịu trách nhiệm khi để các sai phạm diễn ra trong thời gian dài?
- Đương nhiên là có. Thông thường, tất cả các NH đều có bộ phận kiểm toán nội bộ và mức độ cao nhất có BKS giám sát, nhằm đánh giá chính xác hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của NH. BKS trực thuộc đại hội cổ đông (ĐHCĐ), họ báo cáo trực tiếp cho ĐHCĐ chứ không trực thuộc Hội đồng quản trị (HĐQT).
Kiểm toán nội bộ trợ giúp NH hoàn thành mục tiêu qua việc đảm bảo về tính hiệu quả, hiệu lực của các quy trình kiểm soát và có trách nhiệm báo cáo cho BKS. Theo đó, những sai phạm trong NH trước nhất được phát hiện bởi kiểm toán nội bộ rồi được báo cáo lên BKS, và trên nguyên tắc BKS phải có trách nhiệm báo cáo cho HĐQT và báo cáo ĐHCĐ.
Thế nhưng, BKS của một vài NH không làm đầy đủ chức năng của mình và lệ thuộc rất nhiều vào HĐQT của NH, tức họ mất tính độc lập của mình. Đây là vấn đề cần phải chấn chỉnh. Vai trò, năng lực và tính độc lập của BKS, kiểm toán nội bộ cần phải được tăng cường hơn nữa. 
 Một thiết chế trong luật có quy định nhưng trên thực tế lại hoạt động không hữu hiệu là thành viên HĐQT độc lập. Theo luật, mỗi NH phải có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập, thành viên này có quan điểm độc lập nhằm giám sát, kiểm soát hoạt động của HĐQT. Nhưng hiện nay trong nhiều NH, thành viên HĐQT độc lập này chỉ có để cho đúng quy định, còn vai trò độc lập rất mờ nhạt.

Các tin khác