Việt Nam cần tiếp tục con đường cải cách

(ĐTTCO) - 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Nhưng theo ông OUSMANE DIONE (ảnh), Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, và những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. 

Việt Nam cần tiếp tục con đường cải cách
PHÓNG VIÊN: - Ông có thể nhìn nhận cụ thể hơn về sự phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian qua?
Ông OUSMANE DIONE: - Nếu so sánh những năm 1990, 2000, trong năm 2018 này Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt, nhiều vấn đề đã được giải quyết tốt hơn. Tất nhiên, quá trình phát triển không chỉ là con đường thẳng mà còn có chỗ vấp. Có những vấn đề phức tạp, khó lường, không thể giải quyết nhanh chóng, 
Trong những năm vừa qua, quá trình phát triển có thể không đi nhanh, nhưng điều quan trọng phải có tầm nhìn dài hạn, thống nhất, đưa ra được mục tiêu rõ ràng về con đường Việt Nam sẽ đi, sẽ tới. Trong 2-3 năm gần đây, con đường phát triển của Việt Nam rõ ràng hơn, chính sách tốt hơn và là điều kiện để Việt Nam làm tốt hơn trong tương lai.
Thí dụ, trong đầu tư công trung hạn, trần nợ công, dự án giải ngân chậm… 2 năm qua Chính phủ đã nhận ra được vấn đề và áp dụng khung định mức vốn cho đầu tư. Tuy nhiên, có những vấn đề cần điều chỉnh và quan trọng là trong quá trình thảo luận, Quốc hội đã nhất trí thông qua gói 60.000 tỷ đồng để thúc đẩy giải ngân các dự án tốt hơn. Điều đó cho thấy Chính phủ, Quốc hội đã lắng nghe, điều chỉnh cái chưa tốt để làm tốt hơn trong thời gian tới.
- Năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra. Ông ấn tượng gì về những thành quả này?
- Điểm ấn tượng nhất trong năm 2018 là Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh phải đối mặt nhiều thách thức như trần nợ công, giải ngân đầu tư… Có những dự báo 6 tháng đầu năm cho rằng kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,3%, tuy nhiên đến nay tình hình đã khác, tăng trưởng GDP gần 7%.
Ổn định được kinh tế vĩ mô là thành quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việc giữ được lạm phát thấp đã ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, tạo tiền đề tốt cho Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức.
Việt Nam có 2 vấn đề cần lưu ý: xu hướng toàn cầu hóa và cần chuẩn bị gì đáp ứng xu hướng đó. Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với các cú sốc bên ngoài, Việt Nam phải tiếp tục con đường cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, trong xử lý nợ xấu. Nếu làm như vậy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019.
Tuy nhiên, điều Việt Nam cần tập trung không chỉ con số, mà quan trọng là chất lượng thực hiện cải cách hơn số lượng, thí dụ chất lượng giáo dục, đầu tư, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo… để đưa Việt Nam phát triển chất lượng cao hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể chú trọng lựa chọn chất lượng đầu tư nước ngoài, đặc biệt liên quan đến những vấn đề trên.
- Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vừa bị tụt 1 bậc. Ông nghĩ sao về điều này trong mối tương quan với các nước?
- Việt Nam tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2019 dù có tổng điểm cao hơn năm trước. Điều đó đúng thôi, bởi Việt Nam “chạy”, nước khác cũng “chạy”, Việt Nam nhiều thay đổi nhưng các nước khác đi nhanh hơn.
Có nhiều thứ Việt Nam có thể cải thiện ở những lĩnh vực có điểm số thấp, như thủ tục phá sản, khuôn khổ pháp lý, liên quan đến sự tin tưởng các nhà đầu tư… Đây là cuộc thi mà mọi người cùng chạy.
- Năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực. Việt Nam xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Theo ông Việt Nam làm gì để tận dụng cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
- Việt Nam đứng cuối không phải là cơ hội mà bất lợi hơn nhiều nước cải cách. Việc thực hiện CPTPP là động lực tiếp theo để Việt Nam thực hiện con đường cải cách sâu và rộng để không chỉ so sánh với 10 nước trong CPTPP. Cải cách không chỉ qua một đêm là xong.
Cải cách là quá trình thực hiện từng bước một cách đầy đủ. Khâu thực hiện rất quan trọng, bởi khi đưa ra những cải cách đã tốt nhưng việc thực hiện tốt các cải cách luật đó còn khó khăn thách thức hơn.
Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cách đây vài tháng, WB và Văn phòng Chính phủ có ký hợp tác tăng cường chính phủ điện tử. Đây là sự chuẩn bị cho tương lai nhằm đáp ứng yêu cầu liên quan đến công nghệ số, công nghệ 4.0. Với các đối tác khác, trong đó có Australia, đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vấn đề nâng cao năng lực hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các đối tác có nhiều hỗ trợ trong khu vực tư nhân như tài trợ cho tư nhân thực hiện, triển khai các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu, liên quan áp dụng khoa học công nghệ… Rõ ràng, khi áp dụng công nghiệp 4.0, nhiều cơ hội mở ra nhưng đồng thời có rủi ro, nên khi nói khu vực tư nhân là trung tâm chưa đủ. Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, tạo môi trường cho khu vực tư nhân.
- WB có những cam kết ra sao trong việc đồng hành với Việt Nam thời gian tới?
- Biến những thách thức của Việt Nam thành cơ hội là việc khó, nhưng đây chính là vai trò các tổ chức quốc tế hay các đối tác phát triển nhằm giúp Việt Nam giải quyết thách thức.
Các nước có thể tồn tại và phát triển là những nước có thể tự mình biến đổi phù hợp với môi trường mới. Trong môi trường bất định hiện nay, sự chuyển đổi của Việt Nam đòi hỏi phải có sự cẩn thận trong chèo lái có định hướng tốt mới phát triển tốt.
- Xin cảm ơn ông.
 Việt Nam sẽ phải giải quyết những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tăng trưởng năng suất chậm… Khi giải quyết những trở lực này, Việt Nam cũng sẽ cần lựa chọn hướng đi trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nơi những chuyển đổi về mô hình thương mại toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa tạo ra những rủi ro mới.

Các tin khác