Tác quyền không chỉ là tiền

(ĐTTCO) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa có cuộc gặp mặt đột xuất với một số nhạc sĩ uy tín để giải thích về vấn đề thu chi. 
Tác quyền không chỉ là tiền

Nguyên nhân chính do nhạc sĩ Phú Quang đã lên tiếng gay gắt về một số điều không minh bạch của VCPMC. Rõ ràng, phản ứng của VCPMC mang tính chẳng đặng đừng, nhưng lại gợi thêm nhiều suy nghĩ cho vấn đề bản quyền đang rất rắc rối hiện nay.

VCPMC tiết lộ, tổng số thu tiền tác quyền âm nhạc trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2016. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017 VCPMC thu được 35,1 tỷ đồng. Trong đó, thu cao nhất từ website, nhạc chuông, ứng dụng điện thoại (11,6 tỷ đồng). Ngoài ra, thu từ sao chép file MIDI, CD, DVD, quảng cáo, phim 5,7 tỷ đồng; thu từ khách sạn, resort, nhà nghỉ, khu du lịch 2,1 tỷ đồng; thu từ siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại 2,7 tỷ đồng; thu từ biểu diễn, hòa nhạc, sự kiện, đoàn nghệ thuật 3,2 tỷ đồng; thu từ nhà hàng, cà phê, quán rượu, phòng trà, chăm sóc sức khỏe 5 tỷ đồng; thu từ karaoke 3,2 tỷ đồng. Số tiền thu từ rạp chiếu phim khá thấp (38 triệu đồng), thu từ xuất bản sách nhạc 52 triệu đồng.

Chuyện thu qua mỗi chương trình ghi âm hoặc biểu diễn không cần bàn cãi, nhưng chuyện thu từ những dịch vụ như karaoke hoặc quán cà phê vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn. Nhạc sĩ Phú Quang nhận xét: “Họ không thu theo bài mà thu khoán, thu theo cách đổ đồng. Như thế là sai. Các tác giả sẽ không biết được tiền tác quyền họ đáng ra được nhận bao nhiêu. VCPMC đưa cho bao nhiêu chỉ biết có bấy nhiêu". Phản hồi bằng văn bản, VCPMC trình bày: “Công tác đối soát tác giả - tác phẩm được thực hiện trực tiếp trên phần mềm tương tác quốc tế, kết nối hệ thống dữ liệu của các tổ chức quản lý quyền tập thể”. Đó là thông tin chung chung, bởi trên thực tế VCPMC không thể trả lời rạch ròi đơn vị karaoke hát bao nhiêu bài của Trịnh Công Sơn còn quán cà phê đã phát bao nhiêu bài của Văn Cao. Hiện tại, VCPMC có 4.000 tác giả trong nước ký hợp đồng bản quyền, số tiền “thu khoán” được chia điều cho 4.000 người chăng? 

Cái gọi là “chi phí hành chính” của VCPMC cũng khiến nhiều người ái ngại. Lĩnh vực bản quyền còn quá mới mẻ ở nước ta, nên tác giả hầu như không có kênh kiểm soát hoặc kênh tham khảo nào khác, ngoài VCPMC. Vì vậy, VCPMC vẫn một mình một chợ đưa ra những điều khoản hợp đồng theo quy định riêng mà không sợ bị so sánh hoặc cạnh tranh.

Những mâu thuẫn giữa VCPMC với nhạc sĩ Phú Quang cũng như nhiều tác giả trước đây, chủ yếu do hoạt động bản quyền chỉ thể hiện qua việc thu phí. Cần phải định vị trung tâm bản quyền hoàn toàn không giống công ty thu nợ. VCPMC nên thể hiện năng lực xác định bản quyền trước khi hăng hái đi thu tiền khắp nơi. Thật buồn cười, khi có tranh chấp liên quan đến bản quyền, VCPMC lại im lặng như vô can.

Các tin khác