Niêm yết sàn ngoại: Ai tiên phong khi cửa đã mở

(ĐTTCO)-Theo lời người trong cuộc, để có thể thực hiện IPO trên sàn Nasdaq dự kiến VNG sẽ phải mất 2 năm.
    Niêm yết sàn ngoại: Ai tiên phong khi cửa đã mở

    Thông tin Vietjet Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam có tham vọng đi đầu trong việc niêm yết trên thị trường nước ngoài, hay như VNG, công ty công nghệ của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với sàn chứng khoán Nasdaq để chuẩn bị các bước cho đợt IPO và niêm yết trên sàn này cho thấy tham vọng của các công ty Việt không chỉ dừng lại ở sân chơi "ao nhà" mà đã bắt đầu vươn ra biển lớn.

    Theo hãng tin Bloomberg, một số sàn giao dịch như London, Hong Kong hay Singapore đã giới thiệu tới Vietjet khả năng niêm yết trên sàn quốc tế và khá hứng thú với cổ phiếu của hãng hàng không này.

    Việc niêm yết trên thị trường nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp huy động vốn ngoại tệ với giá rẻ, đồng thời nâng cao uy tín hình ảnh doanh nghiệp trên thị trường vốn quốc tế.

    Ngoài ra, một số chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, việc đưa cổ phiếu ra niêm yết tại thị trường chứng khoán lớn sẽ giúp thăm dò nhu cầu từ nhà đầu tư quốc tế, xác định mức giá cân bằng tính theo đơn vị USD, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp có những định hướng trong vấn đề huy động vốn ngoại. Chưa kể việc được niêm yết cũng đồng nghĩa doanh nghiệp đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về quản trị, chuẩn mực kế toán của thị trường tài chính quốc tế.

    Tuy nhiên, không dễ để có thể gia nhập vào cuộc chơi toàn cầu. Niêm yết trên sàn Nasdaq hay New York đòi hỏi các doanh nghiệp phải đạt tất cả các điều kiện của 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn về chỉ số tài chính và bộ tiêu chuẩn về thanh khoản dành cho thị trường.

    Với sàn New York, về tài chính, tiêu chuẩn tối thiểu cho một công ty được niêm yết là vốn chủ sở hữu 4 triệu USD, giá cổ phiếu 2 USD và hoạt động liên tục trong 2 năm, hoặc có tổng tài sản và doanh thu/vốn hóa 75 triệu USD khi giá cổ phiếu đạt tối thiểu 3 USD. Ngoài ra, về tiêu chí giao dịch, số lượng cổ đông giao dịch phải đạt ít nhất 400 cổ đông, khi lượng cổ phiếu giao dịch tối thiểu là 500.000 đơn vị/phiên.

    Đối với sàn Nasdaq, các doanh niệp phải đáp ứng yêu cầu về tài sản, doanh thu, lợi nhuận, thanh khoản cổ phiếu, vốn hóa. Nếu niêm yết trên sàn cao cấp nhất Global Select Market của Nasdaq, doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả các tiêu chí thuộc ít nhất 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn sau: Tổng lãi trước thuế trong 3 năm tài chính gần nhất lớn hơn 11 triệu USD và không có năm nào lỗ, ít nhất 2 trong 3 năm phải lớn hơn 2,2 triệu USD, với tiêu chuẩn về tài sản và vốn chủ sở hữu phải có tổng tài sản ít nhất 80 triệu USD, vốn chủ sở hữu 55 triệu USD, vốn hoá thị trường 160 triệu USD, ngoài ra với một số tiêu chí yêu cầu doanh thu đạt ít nhất 90 triệu USD trong năm gần nhất...

    Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện báo cáo kiểm toán theo chuẩn kế toán Việt Nam (VAS) tuy nhiên khi niêm yết trên thị trường quốc tế, các báo cáo phải được kiểm toán ít nhất 3 năm theo chuẩn quốc tế IFRS. Thực tế hiện nay VAS và IFRS vẫn còn tồn tại một khoảng cách nhất định liên quan đến định giá tài sản, nợ phải trả hay báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu...

    Trả lời phỏng vấn của VTV, ông Lê hồng Minh - CEO của VNG cho biết, để có thể thực hiện IPO trên sàn Nasdaq dự kiến VNG sẽ phải mất 2 năm.

    Về phía Vietjet, hiện hãng hàng không này có khả năng đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của các sàn quốc tế. Hãng hàng không này đã thực hiện chào bán ra cổ phiếu ra thị trường thế giới đã theo chuẩn quốc tế Reg S và lập báo cáo kiểm toán theo IFRS.

    Về các con số định tính, năm 2016, Vietjet đạt gần 27.500 tỷ đồng tổng doanh thu, tương đương 1,2 tỷ USD với lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.700 tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD. Tổng tài sản của hãng hàng không này tính đến 31/12/2016 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, xấp xỉ 870 triệu USD với vốn chủ sở hữu hơn 4.700 tỷ đồng, tương đương hơn 200 triệu USD. Lưu chuyển tiền thuần trong năm đạt 1.760 tỷ đồng. Vốn hoá thị trường hiện ở mức 41.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,8 tỉ USD.

    Mặc dù vậy, trước khi chọn niêm yết trên sàn quốc tế, các doanh nghiệp cũng cần phải hết sức cân nhắc. Phí niêm yết trên sàn Mỹ không hề nhỏ, cộng với các yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về thanh toán, giao dịch, công bố thông tin... Trường hợp Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Việt Nam (Cavico) bị huỷ niêm yết trên sàn Bulletin Board, chỉ là một sàn OTC của Mỹ nhưng cũng vi phạm luật về công bố thông tin.

    Với Nasdaq, sàn giao dịch này cũng đưa ra rất nhiều quy chuẩn về quản trị doanh nghiệp, bên cạch các tiêu chí định lượng, như số lượng thành viên quản trị và điều hành độc lập phải chiếm 1/3, các vấn đề về quyền cổ đông, trình độ nhân sự đối với một số chức danh đặc biệt... Còn SGX cũng đưa ra yêu cầu đối với những doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết tại thị trường chính phải có tối thiểu 2 thành viên hội đồng quản trị độc lập là người cư trú tại Singapore.

    Một điểm nữa là theo Nghị định 58, các doanh nghiệp chỉ được niêm yết phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài ra TTCK nước ngoài, trong khi phần vốn huy động trong nước vẫn phải tuân thủ theo quy định của luật pháp về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán trong nước. Trong khi đó room ngoại tại Vietjet chỉ ở mức 30% và doanh nghiệp này hiện mới thông qua cổ đông chủ trương để trình Chính phủ xin mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

    Khi được hỏi về vấn đề “niêm yết sàn ngoại”, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet cho biết: “Một số sàn chứng khoán quốc tế đã tiếp cận chúng tôi để giới thiệu cơ hội niêm yết ở nước ngoài và các cơ chế hỗ trợ do Vietjet hầu như đáp ứng đủ các tiêu chí. Các sàn chứng khoán nước ngoài cũng là các doanh nghiệp, họ tiếp thị khách hàng nhiệt tình lắm. Tổng giám đốc của họ bay sang tận Việt Nam để làm việc với chúng tôi. Vietjet đặt mục tiêu mang lại giá trị tốt nhất cho nhà đầu tư bất kể là ở thị trường nào. Nếu như các thị trường quốc tế mang lại giá trị tốt hơn, khả năng huy động vốn, sự tham gia của đông đảo hơn cho các nhà đầu tư cùng tìm kiếm các cơ hội gia tăng lợi nhuận cho công ty, cho nhà đầu tư thì niêm yết ở nước ngoài cũng là khả năng chúng tôi sẽ làm”.

    Tham vọng "vươn ra biển lớn" của các doanh nghiệp Việt là một tín hiệu rất tích cực cho TTCK Việt Nam. Mặc dù chặng đường phía trước sẽ còn nhiều gian nan nhưng khi doanh nghiệp có chủ trương ra thị trường quốc tế họ sẽ phải có những thay đổi tích cực để đáp ứng theo chuẩn mực của toàn cầu, không chỉ về con số doanh thu lợi nhuận mà còn về quản trị doanh nghiệp, chế độ báo cáo với nhà đầu tư. Qua đó mang lại những giá trị thặng dư mới cho chính bản thân doanh nghiệp và các cổ đông.

    Các tin khác