Viễn cảnh u ám của VNS

(ĐTTCO) - Áp lực cạnh tranh Uber và Grab đang khiến các hãng xe taxi truyền thống như CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo xu hướng hiện đại VNS phải có sự chuyển mình như các hãng taxi công nghệ. Ảnh: LONG THANH
Theo xu hướng hiện đại VNS phải có sự chuyển mình như các hãng taxi công nghệ. Ảnh: LONG THANH

Thậm chí, lợi nhuận của doanh nghiệp này đang đến từ hoạt động... thanh lý xe.

Chi phí tăng cao 

Báo cáo thường niên năm 2016 vừa được Tập đoàn Mai Linh công bố cũng cho thấy bức tranh hết sức ảm đạm của doanh nghiệp này với con số thua lỗ từ hoạt động kinh doanh chính 84 tỷ đồng.

Theo số liệu từ báo cáo thường niên 2016 vừa được VNS công bố, trong năm 2016 tổng doanh thu đạt 4.763 tỷ đồng, hoàn thành và đạt 105,98% so với kế hoạch. Tuy vậy, mức tăng trưởng doanh thu khiêm tốn trong bối cảnh hầu hết chi phí chính của VNS đều tăng, dẫn đến lợi nhuận giảm 5,08% so với cùng kỳ. Cụ thể, các chi phí bán hàng tăng 14,6%; quản lý doanh nghiệp tăng 18,6%; tài chính tăng 14,5%. Theo đó, biên lợi nhuận trước thuế của VNS trong năm giảm từ 10,1% xuống 8,8%. Song nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm biên lợi nhuận của VNS chủ yếu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi. Nhằm duy trì lượng xe và độ phủ lớn, tránh tình trạng nhân viên chuyển qua hoạt động cho các công ty taxi công nghệ, VNS đã điều chỉnh mức lợi nhuận chia ra với tài xế. Bên cạnh đó, VNS còn đẩy mạnh hoạt động marketing và các chương trình khuyến mại cho khách hàng, đã góp phần đẩy chi phí tăng mạnh.

 Thống kê cho thấy nhóm tỷ suất về khả năng sinh lời của VNS đều giảm so với năm 2015. Theo đó, các hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân, lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế/nguồn vốn chủ sở hữu bình quân đều giảm so với năm 2015, xuống chỉ còn 10,48%, 6,92%, 20,9% và 4,97%. Đáng lo ngại, khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh của VNS đang có xu hướng giảm qua các năm và lần lượt đạt 0,421 lần và 0,404 lần vào năm 2016. Hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh giảm do tài sản ngắn hạn giảm 20,04%, trong khi nợ ngắn hạn tăng 20,7%. Tài sản ngắn hạn giảm, cụ thể là tiền giảm do doanh nghiệp chi đầu tư mua sắm xe và khoản đầu tư này được tài trợ bằng cả vốn chủ sở hữu và nợ vay. Theo thống kê, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn năm 2016 của VNS lần lượt tăng tỷ trọng lên 23,87% và 27,22%, trong khi vốn chủ sở hữu giảm tỷ trọng xuống 48,91%.

Vẫy vùng trong khó khăn

Lý giải về tình trạng tụt dốc này, lãnh đạo VNS thừa nhận những năm gần đây, thị trường vận tải khách đường bộ xuất hiện 2 hãng taxi mới áp dụng công nghệ cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi truyền thống là Uber và Grab. Với lợi thế chủ yếu là tiềm lực tài chính mạnh, ứng dụng công nghệ kết nối và không phải bỏ phí đầu tư xe nhằm chỉ hưởng hoa hồng, 2 hãng này đã từng bước chiếm lấy thị phần trong hoạt động vận tải taxi.

Chính điều này đã thúc đẩy các taxi truyền thống phải có sự chuyển mình và VNS đã chủ động thử nghiệm với Vinasun App. Đây là phần mềm đặt xe - điều xe thông minh cho khách hàng, thông qua smartphone và điện thoại thường (Vinasun app) cho toàn bộ xe ở tất cả các địa bàn công ty kinh doanh. Ngoài ra, VNS còn đưa vào hệ thống ứng dụng đặt xe Vcar, gồm những dòng xe sang trọng (Land Cruiser, Lexus, Camry) không gắn bảng hiệu và logo. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa thể tạo sự chuyển biến thật sự trước áp lực cạnh tranh quá lớn từ Uber và Grab. Thậm chí việc đầu tư này còn khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng mạnh.

Nhưng đây chưa phải là khó khăn duy nhất của VNS, bởi doanh nghiệp này đang đứng trước tình thế nan giải khác, đó là sự phát triển của các loại hình vận tải công cộng. Những vấn đề nổi trội cần phải giải quyết của ngành giao thông vận tải là tình trạng xuống cấp về cơ sở hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông đường bộ gây ra ùn tắc, làm tổn hao nghiêm trọng thời gian và nguyên nhiên liệu. Một trong những biện pháp Nhà nước áp dụng để giải quyết vấn đề này là đưa vào sử dụng xe buýt nhanh BRT. Đặc biệt, khi dự án metro hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2020, sẽ làm thay đổi nhận thức di chuyển của người dân vì những tiêu chí như chi phí thấp, nhanh, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Những nhân tố này được dự đoán sẽ làm hoạt động vận tải hành khách của VNS bị ảnh hưởng đáng kể.

Lợi nhuận chính từ thanh lý xe

Theo kế hoạch, năm 2017 VNS dự kiến thanh lý 1.050 xe và đầu tư thêm tối thiểu 750 chiếc. Tại thời điểm cuối năm 2016, hệ thống VNS sở hữu 6.561 xe, trong đó công ty mẹ 6.261 xe và công ty con Vinasun Green tại Đà Nẵng 300 xe. Với kế hoạch giảm ròng 300 xe, đến cuối năm 2017 dự kiến công ty mẹ chỉ còn xấp xỉ 6.000 xe. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, VNS đặt mục tiêu 4.025 tỷ đồng doanh thu (giảm 11%), kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 256 tỷ đồng so với kết quả 397 tỷ đồng của năm 2016 (giảm 35,5%). Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 50%, từ 225 tỷ đồng xuống 105 tỷ đồng. Phần còn lại 151 tỷ đồng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý xe. Như vậy 2017 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2008, lợi nhuận từ thanh lý xe sẽ lớn hơn lợi nhuận từ hoạt động vận tải.

Những yếu tố bất lợi trên khiến CP VNS có chuỗi giao dịch giảm giá rất mạnh từ tháng 10-2016. Theo thống kê, đến phiên giao dịch cuối tuần trước (21-4), VNS giảm xuống chỉ còn 22.100 đồng/CP. Đây là mức giá thấp nhất của VNS trong khoảng 3 năm trở lại đây. Nếu lấy mức đỉnh 37.700 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 29-9-2016, đến thời điểm hiện tại, VNS đã giảm hơn 30% giá trị. Với tình cảnh bế tắc như hiện nay, ĐHCĐ tổ chức vào ngày 28-4 sắp tới tại TPHCM dự kiến đầy sóng gió.

Các tin khác