Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại bùng phát

(ĐTTCO)-Ngày 5-5 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới sốc khi đăng trên Twitter: “Thuế quan 10% mà Trung Quốc phải trả cho 200 tỷ USD hàng hóa sẽ tăng lên 25% vào ngày 10-5". Không chỉ vậy, ông chủ Nhà Trắng còn đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với các khoản hàng hóa trị giá hơn 325 tỷ USD chưa bị đánh thuế từ Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại bùng phát
Không dừng lại đó, ngày 6-5 ông Trump tiếp tục giọng điệu cứng rắn của mình: “Trong nhiều năm, Mỹ đã mất 600-800 tỷ USD/năm về thương mại. Với Trung Quốc, chúng ta mất 500 tỷ USD. Xin lỗi, chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra nữa!”.

Trung Quốc đã thay đổi cam kết?
Những tuyên bố này khiến nhiều người bất ngờ, vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng lên từ ngày 22-1-2018 những tưởng sẽ lắng dịu theo sau quyết định ân hạn 90 ngày của ông Trump vào ngày 1-12, và những tin tức khả quan về các cuộc đàm phán giữa 2 bên liên tục được đưa ra sau đó.
Vào ngày 3-5, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói với CNBC rằng, ông Trump vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ngày 1-5, Nhà Trắng cho biết vòng đàm phán mới nhất đã đưa Bắc Kinh và Washington đến gần hơn với một thỏa thuận.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, các cuộc thảo luận của 2 bên vẫn tập trung vào việc đạt được tiến bộ đáng kể về các vấn đề cấu trúc quan trọng và cân bằng lại mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Nhà kinh tế trưởng của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow, cũng nói trong nhiều tháng qua đàm phán tiến triển rất tốt.
Vậy tại sao chính quyền Trump lại đổi giọng? Theo các quan chức cao cấp của Mỹ, điều này do Bắc Kinh bất nhất, đã từ bỏ các cam kết mà họ đã đồng ý trong các cuộc đàm phán trước đây.
“Trong suốt tuần qua, chúng tôi đã chứng kiến sự xói mòn trong các cam kết của Trung Quốc, mà tôi gọi là sự rút lui khỏi các cam kết cụ thể đã được đồng ý. Điều đó, theo quan điểm của chúng tôi là không thể chấp nhận được” - Robert E. Lighthizer, Trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ, nói với các phóng viên ở Washington hôm 6-5. 
Ông nói thêm: “Người Trung Quốc đã tìm cách tạo ra những thay đổi đáng kể trên các văn bản đã được thỏa thuận trong văn bản đã được thống nhất của một thỏa thuận đồ sộ gồm 7 chương. Thực sự, nói đúng ra là họ đã từ bỏ các cam kết trước đó”. Các yêu cầu của Trung Quốc nhằm giảm bớt các điều khoản trong thỏa thuận đã được gửi tới chính quyền, khiến tổng thống tức giận và đã đáp trả bằng cách công bố các kế hoạch thuế quan mới, Washington Post cho biết. 

Đụng chạm tới cấu trúc kinh tế-xã hội
Với Trung Quốc, ông Trump có 2 yêu cầu chính: Thứ nhất, chấm dứt việc ăn cắp công nghệ Mỹ và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ bắt buộc khi làm ăn ở Trung Quốc. Thứ hai, không dùng trợ cấp, hỗ trợ và định giá thấp tiền tệ để khiến hàng Trung Quốc quá rẻ so với các sản phẩm cùng loại do Mỹ và các nước khác sản xuất ra và bán trên thị trường. 
Hai yêu cầu trên thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu tuân thủ, Trung Quốc sẽ phải thay đổi từ gốc rễ nền kinh tế của họ. Thứ nhất, theo cáo buộc của Mỹ, rất nhiều công nghệ Trung Quốc đang dùng hiện nay trong các ngành sản xuất, dịch vụ có được thông qua việc đánh cắp (tin tặc, gián điệp) hoặc chuyển giao bắt buộc. Nếu buộc họ phải hợp pháp hóa tất cả công nghệ đó (mua lại) hoặc chấm dứt sử dụng chúng, sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc “đứng hình”.
Thứ hai, nếu buộc Trung Quốc phải định giá hàng hóa xuất khẩu tương đương với các hàng hóa cùng loại của Âu, Mỹ thì có lẽ sẽ không ai chọn mua sản phẩm của Trung Quốc
Tham vọng thiết lập lại cơ bản mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung của ông Trump đang va chạm với chính trị nội bộ trong hệ thống Trung Quốc mờ đục. Tổng thống Mỹ muốn giảm đáng kể thâm hụt thương mại 375 tỷ USD với Bắc Kinh, cùng chấm dứt phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài ở Trung Quốc. Mặc dù có lẽ là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Đặng Tiểu Bình, ông Tập đã bị chỉ trích vì quản lý sai mối quan hệ với Mỹ và không hiểu được tổng thống dân túy của nước này.

Câu giờ chờ thời?
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã kết thúc vòng đàm phán 2 ngày vào cuối tuần qua với phái đoàn Mỹ mà không đạt được kết quả khả quan nào. Ông cho biết 2 bên sẽ tiếp tục các vòng đàm phán ở Bắc Kinh trong thời gian tới, dù Mỹ đã nâng thuế từ 10% lên 25% với số hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, và ông Trump cho biết đang tiến hành các bước để áp thuế 25% lên tất cả số hàng hóa Trung Quốc còn lại.
Có lẽ chiến lược của Trung Quốc là “câu giờ”, càng kéo dài đàm phán càng tốt, vì họ biết rằng chính quyền Trump chỉ có thể kéo dài tối đa đến năm 2025. Còn nếu ông Trump thất cử trong bầu cử nhiệm kỳ hai (2020) thì lại càng tốt. Và biết đâu, với chính quyền mới, họ lại sẽ đạt được một sự nhượng bộ đáng kể từ Washington, kiểu như thời Obama… Vì vậy, chiêu bài của Trung Quốc là “thay đổi dần dần”.
Tuy nhiên, ông Trump đã nhìn thấu điều này. Trong bài đăng Twitter ngày 8-5, ông viết: “Lý do khiến Trung Quốc rút lại và cố gắng đàm phán lại Hiệp định thương mại là vì Hy Vọng chân thành rằng họ sẽ có thể đàm phán, với Joe Biden hoặc một trong những đảng viên Dân chủ rất yếu, và do đó họ sẽ tiếp tục xé toạc Mỹ (500 tỷ USD/năm) trong nhiều năm tới”.
Như vậy, sẽ khó có khả năng ông Trump đã nhận ra chiêu bài của Trung Quốc mà lại để họ toại nguyện. Vì vậy, ông Trump đã sử dụng chiêu bài “nâng thuế trước, đàm phán sau”. Bước đi cương quyết này của ông để chứng tỏ rằng ông rất cứng rắn và quyết liệt, sẽ buộc Trung Quốc hoặc phải “thật lòng” đàm phán, hoặc chấp nhận một cuộc chiến tranh thương mại chính thức.

Ai sẽ phất cờ?
 Hiện nay, chỉ với mức thuế 10% lên 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh khốn đốn. Nếu Mỹ tăng lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa này, và thêm 25% cho 357 tỷ USD hàng hóa còn lại, sẽ không thể tưởng tượng được Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng thế nào.
Vậy giả sử vòng đàm phán cuối cùng của hai bên kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, chiến tranh thương mại tiếp tục nổ ra, ai sẽ là người chịu thiệt? 
Xét về quan hệ thương mại hiện nay, Mỹ có lợi thế không thể phủ nhận. Thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đạt tổng cộng 737,1 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, Mỹ xuất khẩu 179,3 tỷ USD, nhập khẩu 557,9 tỷ USD. Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc là 378,6 tỷ USD.
Như vậy, nếu đánh thuế lên tất cả hàng hóa nhập từ Mỹ, Trung Quốc cũng chỉ có thể dừng ở mức tối đa 179 tỷ USD. Trong khi đó, sau khi áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc như hiện nay, Mỹ vẫn còn “dư địa” tới 357 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc để áp thuế. 
Thêm vào đó, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Cụ thể, 1% tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ tác động chưa tới 0,04% GDP của Mỹ. Trong khi đó, 1% tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ tác động tới 0,16% GDP Trung Quốc.
Ngoài ra, khả năng đòn bẩy của Trung Quốc cũng kém hơn rất nhiều so với Mỹ. Trong khi Mỹ có thể phát hành số nợ gần như không giới hạn (cho đến khi USD vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới), Trung Quốc đã ở gần đỉnh đòn bẩy. 
Theo Deutsche Bank, tổng nợ của Trung Quốc (bao gồm nợ công, nợ tư, hộ gia đình, chính quyền địa phương và trung ương) đã đạt mức hơn 270% GDP vào quý III-2018. Trong năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức âm, tức Trung Quốc sẽ cần tài trợ từ phần còn lại của thế giới, và đặc biệt từ Mỹ.
Song song với sức ép trong đàm phán thương mại, chính quyền Tổng thống Trump còn dùng những chiến lược gián tiếp để gây sức ép lên Trung Quốc. 
Thứ nhất, đó là lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và Venezuela, 2 trong số những nguồn dầu thô chính của Trung Quốc. Như đã biết, Trung Quốc là một “công xưởng” tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Việc ông Trump không gia hạn miễn trừ nhập khẩu dầu Iran đối với Trung Quốc, sẽ khiến nước này thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng.
Trong khi đó, nếu Bắc Kinh nhắm mắt vượt rào, chắc chắn sẽ lại có cớ để ông Trump danh chính ngôn thuận áp thêm các biện pháp trừng phạt.
Thứ hai, ngày 8-5 vừa qua, chính quyền Trump nhắm đến một nguồn lực khác của Iran, đó là xuất khẩu quặng kim loại. Oái oăm là Trung Quốc cũng chính là một khách hàng chính của Iran trong xuất khẩu kim loại. Vì vậy, việc cấm Iran xuất khẩu quặng kim loại cũng tương đương chặn mất một phần nguyên liệu sản xuất của Trung Quốc. 
Thiếu hụt quặng kim loại từ Iran sẽ khiến các cơ xưởng sản xuất của Trung Quốc đình trệ, đặc biệt lĩnh vực chế tạo vũ khí sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Khi Iran không xuất khẩu được kim loại thì nhu cầu nhập khẩu than đá từ Trung Quốc sẽ tiến về mốc zero. Như vậy Bắc Kinh sẽ thất thu trong lĩnh vực xuất khẩu. Vì vậy, đây được xem là chiêu “nhất tiễn hạ song điêu” của ông Trump. 

Các tin khác