EU bị dồn đến chân tường

(ĐTTCO) - Sau 2 tháng tạm miễn, hôm 31-5, Hoa Kỳ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu, nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau 2 tháng tạm miễn.

 Đến nay, Hoa Kỳ đã công bố miễn vĩnh viễn áp mức thuế mới cho các nước Australia, Argentina, Brazil và Hàn Quốc, nhưng mỗi trường hợp đều kèm theo hạn ngạch nhập khẩu. Quyết định mới của Washington đưa ra đã ngay lập tức vấp phải cảnh báo đáp trả từ các đối tác liên quan. 
Phản tác dụng
Chỉ 1 ngày sau, ngày 1-6, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành các thủ tục pháp lý khiếu nại Trung Quốc và Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết quyết định này nhằm đảm bảo các bên đều tuân thủ các quy tắc trong hệ thống thương mại toàn cầu. Bà Malmstrom chỉ trích việc Hoa Kỳ áp thuế nhôm và thép mới với EU đang "làm suy yếu hơn nữa" mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho ngành nhôm, thép của châu Âu. Quan chức này bác bỏ lập luận của Hoa Kỳ về việc đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, cho rằng quyết định mới của Washington "thuần túy là chủ nghĩa bảo hộ" và đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
 Động thái đơn phương của Hoa Kỳ sẽ tác động tiêu cực tới mối quan hệ lâu năm giữa những đồng minh thân cận nhất, cũng như châm ngòi cho hàng loạt biện pháp trả đũa. Trong trường hợp như vậy, với mức thuế chung toàn diện 10%, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự đoán tổng lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm 6% và GDP thực tế của Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ sẽ giảm 2%. 
Theo AmCham Slovenia

Cũng như EU, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết nước này đã gửi đơn khiếu nại lên WTO, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ áp thuế "trái phép" đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada.
Trong một tuyên bố, bà Freeland nhấn mạnh: "Quyết định áp thuế đơn phương này, được đưa ra dựa trên lý lẽ sai trái về bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, hoàn toàn không phù hợp với những nghĩa vụ thương mại quốc tế của Washington cũng như các quy định của WTO". Bà Freeland khẳng định, với tư cách là đồng minh trong NATO và là khách hàng số một đối với thép nhập khẩu Hoa Kỳ, Canada coi hành động áp thuế của Washington là không thể chấp nhận. Canada sẽ phối hợp với EU hành động tại WTO. Nhật Bản và Ấn Độ cũng dự định kiện Hoa Kỳ lên WTO, thực hiện ý đồ trả đũa về thuế.
Quyết định áp thuế của Hoa Kỳ đã hứng chịu nhiều chỉ trích. Phần lớn cho rằng quyết định này là “dại dột” và phản tác dụng. Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cảnh báo khả năng tiến hành một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ sau quyết định của Washington nhắm vào EU. Ông Maude cũng cảnh báo những quốc gia đi theo con đường bảo hộ sản xuất hậu quả nặng nề cuối cùng sẽ giáng vào chính nền kinh tế của nước đó, bởi kết quả không thể tránh khỏi sau những quyết định tăng thuế nhập khẩu chính là giá hàng tiêu dùng cho người dân trong nước sẽ tăng cao. Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh Hoa Kỳ, EU và Anh là những đồng minh thân cận và luôn thúc đẩy những giá trị thương mại công bằng và cởi mở trên toàn thế giới. 
EU bị dồn đến chân tường ảnh 1 Quyết định áp thuế sản phẩm nhôm, thép của Hoa Kỳ hứng chịu nhiều chỉ trích.  
Trong khi đó, hãng Volkswagen (VW) của Đức - nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu - cũng cảnh báo quyết định của chính phủ Hoa Kỳ có thể tạo ra cuộc chiến không có người thắng. VW cho rằng từ động thái này của Washington nảy sinh chuỗi những biện pháp đáp trả tiêu cực và bất tận, và kêu gọi Hoa Kỳ cùng EU đối thoại trong khuôn khổ các nguyên tắc của WTO. Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide lo ngại Hoa Kỳ đang thúc đẩy các biện pháp theo xu hướng bảo hộ trong chính sách thương mại.
Bà cảnh báo việc lấy lý do an ninh quốc gia để ban hành biểu thuế mới không những khiến uy tín của Hoa Kỳ sụt giảm, mà còn làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên những nguyên tắc, luật lệ. Phòng Thương mại Hoa Kỳ - Slovenia (AmCham Slovenia) chỉ trích quyết định áp thuế mới nhằm vào nhôm, thép nhập khẩu là một mối đe dọa đối với việc làm của Slovenia và hệ thống thương mại toàn cầu. 

Phá vỡ trật tự thương mại
Trong một vài năm, đã có sức ép giá cả rất lớn đối với thép và nhôm trên thị trường thế giới. Thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước, Trung Quốc đã tạo ra tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên toàn cầu đối với thép và nhôm, khiến giá thị trường các hàng hóa này thấp hơn chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp phương Tây.
Trung Quốc vẫn là một trong những nước xuất khẩu nhôm hàng đầu sang Hoa Kỳ; thuế suất 10% của ông Trump sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất Trung Quốc. Ngược lại, nhập khẩu thép từ Trung Quốc đã giảm đáng kể trong vòng vài năm qua ở Hoa Kỳ, đặc biệt vì mức thuế hơn 500% Tổng thống Obama đã đưa ra đối với một số sản phẩm thép nhất định của Trung Quốc. Kể từ đó, Trung Quốc chỉ xếp thứ 11 trong danh sách các nước xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ.
Các quốc gia khác - bao gồm cả EU - đã lấp vào những khoảng trống này. Đức đã tăng cường xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ lên khoảng 40% kể từ năm 2011, và cùng với đó đã tiến lên vị trí nước xuất khẩu thép lớn thứ 8 sang Hoa Kỳ. Tổng cộng EU đã xuất khẩu lượng thép trị giá 6,2 tỷ USD sang Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Nếu ông Trump không miễn trừ thuế cho EU, số lượng hàng xuất khẩu từ EU có thể bị cắt giảm một nửa.
Các công ty của châu Âu có khả năng phải chịu lỗ về doanh thu do các mức thuế mới của Hoa Kỳ vì tình trạng dư thừa năng lực sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang châu Âu. Cơn lũ hàng hóa không chỉ từ Trung Quốc, mà còn từ Nga, sẽ đe dọa thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất nằm ở chỗ trật tự thương mại toàn cầu và WTO có thể bị tổn hại hoặc thậm chí tan vỡ.
Các tác động kinh tế vĩ mô của chủ nghĩa bảo hộ Hoa Kỳ có thể dự đoán được. Nếu có thêm các quốc gia đáp trả việc áp thuế của Hoa Kỳ bằng cách đánh thuế ngược lại, làm phát sinh một vòng xoáy hàng rào thương mại, thì điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. 
Quan hệ rơi vào khủng hoảng
Không những khơi lên cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump còn dùng chiêu bài cuộc chiến thương mại với các đồng minh truyền thống của mình. Ngoài ra, các đối tác thương mại chủ yếu của Hoa Kỳ như Canada, Mexico đang đàm phán lại NAFTA. Cuộc đàm phán hiện đã tiến gần đến giai đoạn cuối cùng, nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất được với nhau. 
Chuyên gia thương mại Gabriel Felbermayer thuộc Viện Ifo ở Munich cho rằng Washington đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi vi phạm các nguyên tắc của WTO khi bản thân tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này cũng bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ. Chuyên gia này cảnh báo bước đi mới nhất của Washington có thể báo hiệu một "cuộc chiến tranh lạnh" đang cận kề trong mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Hoa Kỳ. 
Những lời lẽ trên dự báo mối quan hệ Mỹ-EU có thể có sự thay đổi về cục diện. Hàng loạt sự kiện dường như đã dồn châu Âu đến chân tường. Quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và châu Âu ngày càng trở nên xa cách, rơi vào khủng hoảng. Hôm 18-5, Ủy ban châu Âu đề nghị tái khởi động "quy chế phong tỏa" bị lãng quên nhiều năm và lên kế hoạch áp dụng nhiều biện pháp khác nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Đồng thời, trước việc Hoa Kỳ áp thuế thép, nhôm, EU đã đệ trình lên WTO một danh sách sản phẩm của Hoa Kỳ sẽ bị áp thuế nhập khẩu ngoài mức quy định để đáp trả. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã phát biểu: “Nhìn vào những quyết định mới nhất của Tổng thống Trump, người ta không tránh khỏi suy nghĩ: Với những người bạn như vậy chẳng khác nào bạn đang có thêm kẻ thù. Nói một cách thẳng thắn, EU nên cảm ơn Trump vì đã giúp chúng ta gạt bỏ được những ảo tưởng bấy lâu nay”. 

Các tin khác