Jerusalem không bình yên (K1): Giá trị thánh địa

(ĐTTCO) - Cùng với việc Hoa Kỳ chính thức mở cửa Đại sứ quán tại Jerusalem vào ngày 14-5, làn sóng biểu tình của người Palestine ở dải Gaza dâng cao, biến thành đụng độ đẫm máu với binh lính Israel, khiến hơn 60 người chết và hàng ngàn người bị thương. Thánh địa đã trở thành nguyên nhân đổ máu.

Jerusalem không có nguồn tài nguyên phong phú, không phải là một thành phố nằm trên “vàng đen” như nhiều thành phố khác ở Trung Đông. Vậy tại sao Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất chấp tất cả để dời Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem? Và vì sao người Palestine và Israel không màng sống chết để tranh giành thánh địa? 

Di sản đa tôn giáo
Vương quốc Israel của người Do Thái được thành lập vào khoảng thế kỷ 11 TCN tại vùng đất tranh chấp hiện nay. Năm 586 TCN, Babylon chinh phục nơi này rồi đày người Do Thái đến Babylon. Khu vực sau đó nằm dưới kiểm soát lần lượt của Ba Tư và Đế quốc La Mã. Từ năm 641, người Arab nắm quyền cai quản trong 1.300 năm dưới nhiều triều đại khác nhau. Sự hiện diện của người Do Thái tại đây bị thu hẹp đáng kể, nhiều người sống lưu vong tại những nơi khác như châu Âu. Năm 1516, Đế quốc Ottoman chinh phục vùng đất này và gọi nó là Palestine thuộc Ottoman. Chính vì từng trải qua quá nhiều triều đại, Jerusalem trở thành thánh địa của cả Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.
 Giá trị của Jerusalem không nằm ở kinh tế mà ở các giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, việc tranh giành Jerusalem, hay việc Hoa Kỳ quyết chuyển Đại sứ quán đến khu thánh địa này không chỉ phản ánh sự cạnh tranh của các sắc tộc, tôn giáo mà còn ẩn chứa những quan hệ địa chính trị cực kỳ phức tạp.
Jerusalem trở nên thiêng liêng đối với Do Thái giáo trong khoảng 3.000 năm, với Cơ Đốc giáo trong khoảng 2.000 năm và Hồi giáo trong khoảng 1.400 năm. Niên giám thống kê năm 2000 của Jerusalem liệt kê 1.204 hội đường, 158 nhà thờ và 73 nhà thờ Hồi giáo trong thành phố. Bất chấp những nỗ lực để duy trì sự chung sống tôn giáo hòa bình, một số địa điểm, chẳng hạn như Đền Núi, là những nơi tranh chấp liên tục.
Với người Do thái, Vua David tuyên bố Jerusalem là thủ đô của ông vào thế kỷ thứ 10 TCN. Jerusalem là nơi đặt Đền thờ Solomon (một vị vua Do Thái) và Đền thờ Thứ hai. Ngày nay, bức tường phía Tây, phần còn lại của bức tường bao quanh Đền thờ Thứ hai, là một thánh địa của người Do Thái, chỉ đứng sau nội điện trên Đền Núi. Người Do Thái trên khắp thế giới khi cầu nguyện hàng ngày đều quay mặt về hướng Jerusalem và Đền Núi. Nhiều người Do Thái có những tấm biển "Mizrach" treo trên tường nhà của họ để chỉ hướng cầu nguyện. 
Cơ Đốc giáo tôn kính Jerusalem vì lịch sử của nó trong kinh Cựu ước và cũng vì ý nghĩa của nó trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Theo Tân ước, Chúa Giêsu được đưa đến Jerusalem ngay sau khi ngài sinh ra và sau này ngài đã chịu phép rửa ở Đền thờ Thứ hai. Nơi Chúa Giêsu dùng bữa Tiệc ly (bữa ăn cuối cùng với các môn đệ) nằm trên núi Zion, trong cùng một tòa nhà nơi có mộ của vua David. Một địa điểm Cơ Đốc giáo nổi tiếng khác ở Jerusalem là Golgotha, địa điểm Chúa Giêsu bị đóng đinh. 
Jerusalem là thành phố linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo Sunni. Trước đây, đã có thời gian hướng cầu nguyện của người Hồi giáo là thánh địa Jerusalem. Sau đó nó được chuyển sang Kaaba ở Mecca (Saudi Arabia). Người Hồi giáo tin rằng Tiên tri Muhammad được đưa một cách kỳ diệu trong 1 đêm từ Mecca đến Đền Núi ở Jerusalem, nơi ông lên Thiên Đàng để gặp các tiên tri Hồi giáo trước đây. Câu đầu tiên trong Surat al-Isra của kinh Qur'an ghi lại điểm đến của cuộc hành trình của Muhammad là nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, liên quan đến địa điểm ở Jerusalem. 
Jerusalem không bình yên (K1): Giá trị thánh địa ảnh 1 Thánh địa Jerusalem. 
Lịch sử phức tạp
Sau thế chiến thứ 2, người Do Thái lưu lạc khắp nơi trên thế giới đổ về Jerusalem để quyết tâm thành lập lại đất nước. Năm 1947, Liên hiệp quốc (LHQ) thông qua kế hoạch phân chia "Lãnh thổ ủy trị Palestine" thành 2 quốc gia Do Thái (Israel -55% lãnh thổ) và Arab (Palestine - 45% lãnh thổ). LHQ trao chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem.
Bên Do Thái đồng ý kế hoạch này và thành lập Nhà nước Israel vào tháng 5-1948. Trong khi đó, phe Arab phản đối kế hoạch và tiến hành chiến tranh với Israel năm 1948-1949. Israel giành chiến thắng, kiểm soát Tây Jerusalem và nhiều phần đất vốn thuộc Palestine theo phân chia của LHQ. Họ cũng trục xuất nhiều người Palestine ra khỏi những khu vực này. 3/4 trong số 1 triệu người Palestine đã bỏ chạy hoặc bị trục xuất khỏi nhà của họ tại các vùng đất Israel kiểm soát từ năm 1948. Sau cuộc chiến này người Palestine chỉ còn lại 22% lãnh thổ.
Năm 1967, phía Arab một lần nữa phá vỡ thỏa thuận với LHQ, buộc lực lượng gìn giữ hòa bình rút quân khỏi Cao nguyên Golan, đồng thời phong tỏa eo biển Tiran không cho tàu Israel đi qua. Đồng thời, Ai Cập kêu gọi các nước Arab cùng lập liên minh chống lại Israel. Chiến tranh 6 ngày nổ ra. Israel nhanh chóng chiến thắng liên minh Arab và kiểm soát 22% còn lại gồm Bờ Tây và Dải Gaza. Năm 1993, Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ký Hiệp định hòa bình Oslo. Tháng 10-1994 PLO thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine. Israel đã chuyển quyền kiểm soát một số phần ở Gaza và Bờ Tây cho chính quyền này để đổi lấy một thỏa thuận ngăn chặn bạo lực các nhóm du kích Palestine, trong đó có Hamas.
Tuy nhiên, một lần nữa phía Arab không giữ thỏa thuận. Chính quyền Dân tộc Palestine không thể ngăn cản các cuộc tấn công từ các nhóm du kích. Năm 2006, nhóm du kích Hamas thậm chí đã thành lập chính phủ riêng ở Gaza và thường xuyên mở các cuộc không kích vào Israel. Những cuộc tấn công và nã rocket từ Hamas cùng các nhóm chiến binh khác ở Gaza đã bị Israel đáp trả bằng một số chiến dịch ném bom và các cuộc tấn công trên đất liền. 

Kinh tế dựa vào dịch vụ
Trong lịch sử, nền kinh tế của Jerusalem được hỗ trợ hầu như chỉ bởi những người hành hương tôn giáo, vì nó nằm cách xa các cảng chính của Jaffa và Gaza. Các địa danh tôn giáo và văn hóa của Jerusalem ngày nay vẫn là điểm đến hàng đầu cho du khách nước ngoài, với phần lớn khách du lịch đến thăm Bức tường phía Tây và Thành phố cổ. Năm 2010, Jerusalem được ghi nhận là thành phố du lịch-giải trí hàng đầu ở châu Phi và Trung Đông. Trong năm 2013, 75% trong số 3,5 triệu khách du lịch đến Israel đã đến thăm Jerusalem.
Kể từ khi thành lập Nhà nước Israel, chính phủ Do Thái vẫn là “tay chơi” chính trong nền kinh tế của Jerusalem. Chính phủ tập trung ở Jerusalem, tạo ra một số lượng lớn việc làm và cung cấp trợ cấp và ưu đãi cho các sáng kiến kinh doanh mới và khởi nghiệp. Mặc dù Tel Aviv vẫn là trung tâm tài chính của Israel, một số lượng lớn các công ty công nghệ cao đang chuyển đến Jerusalem, cung cấp 12.000 việc làm trong năm 2006.
Khu công nghiệp Har Hotzvim ở phía Bắc Jerusalem và Công viên Công nghệ Jerusalem ở phía Nam Jerusalem, là nơi tập trung các trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn của các công ty công nghệ quốc tế, trong đó có Intel, Cisco, Teva Pharmaceutical Industries, IBM, Mobileye, Johnson & Johnson, Medtronic... Vào tháng 4-2015, tạp chí Time đã chọn Jerusalem là 1 trong 5 trung tâm công nghệ mới nổi trên thế giới, tuyên bố "Thành phố đã trở thành một trung tâm phát triển mạnh mẽ cho các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ".
Đông Jerusalem, phần trước đây thuộc quản lý của người Arab, đã tụt hậu so với sự phát triển của Tây Jerusalem. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ người có việc làm cao hơn đối với hộ gia đình Arab (76,1%) so với các hộ gia đình Do Thái (66,8%). Tỷ lệ thất nghiệp ở Jerusalem (8,3%) cao hơn một chút so với mức trung bình quốc gia (9%), mặc dù lực lượng lao động dân sự chiếm chưa đến một nửa số người từ 15 tuổi trở lên - thấp hơn so với tỷ lệ thất nghiệp của Tel Aviv (58%) và Haifa (52,4%). Nghèo đói vẫn là một vấn đề trong thành phố vì 37% gia đình ở Jerusalem vào năm 2011 sống dưới mức nghèo khổ. Theo một báo cáo của Hiệp hội Dân quyền Israel (ACRI), 78% người Arab ở Jerusalem sống trong cảnh nghèo đói trong năm 2012, tăng từ 64% năm 2006. 
(còn tiếp) 

Các tin khác