Jerusalem không bình yên (K2): Lá bài chính trị

(ĐTTCO) - Có một chi tiết khá thú vị trong các cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ kể từ năm 1992 đến nay: Tất cả ứng viên “bên thắng cuộc” đều là những người từng hứa hẹn sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay thực sự là một “công thức chiến thắng”?
“Thần chú” hút phiếu
Sau khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1949, Hoa Kỳ công nhận quốc gia mới nhưng phản đối việc Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô, cũng như phản đối kế hoạch của Jordan đưa Jerusalem trở thành thủ đô thứ hai. Hoa Kỳ cũng phản đối việc sáp nhập Đông Jerusalem của Israel sau cuộc chiến năm 1967. Quan điểm chính thức của Hoa Kỳ là tương lai của Jerusalem phải được quyết định thông qua thương lượng. 
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, Bill Clinton hứa chính quyền của ông sẽ "ủng hộ Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Israel" và chỉ trích Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) đã "liên tục thách thức chủ quyền của Israel đối với một Jerusalem thống nhất". Tuy nhiên, sau khi ký Hiệp định Oslo năm 1993, chính quyền Clinton đã không tiến hành kế hoạch để không làm xáo trộn các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Năm 1995, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem, tuyên bố "Jerusalem nên được công nhận là thủ đô của Nhà nước Israel". Đạo luật cũng tuyên bố Đại sứ quán Hoa Kỳ nên chuyển đến Jerusalem trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, Tổng thống Clinton phản đối đạo luật này và đã ký giấy miễn trừ mỗi 6 tháng để trì hoãn việc di chuyển. 
 Ông Donald Trump theo đuổi lập trường ủng hộ mạnh mẽ Israel khi còn là ứng cử viên là để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri Hoa Kỳ gốc Do Thái.Quyết định này cũng nằm trong tính cách của ông Donald Trump là không thừa kế các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2000, George W. Bush (Bush con) chỉ trích Clinton vì đã không di chuyển đại sứ quán như đã hứa. Ông cho biết đã lên kế hoạch và sẽ thực thi việc này nếu được bầu. Tuy nhiên, sau khi nhậm chức ông đã phớt lờ lời hứa của mình.
Trong cuộc bầu cử năm 2008, ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama cũng gọi Jerusalem là thủ đô của Israel. Vào ngày 4-6-2008, Obama đã nói với Ủy ban Công cộng Israel (AIPAC) trong bài phát biểu chính sách đối ngoại đầu tiên của mình, ông nói: "Jerusalem sẽ vẫn là thủ đô của Israel và nó vẫn không phân chia". Tuy nhiên, cũng như những người tiền nhiệm, ông đã không thực hiện lời hứa của mình.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, một trong những lời hứa của chiến dịch Trump là di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, nơi ông mô tả là "vốn vĩnh cửu của người Do Thái". Và ngày 6-12-2017, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đến ngày 14-5 vừa qua, Hoa Kỳ đã chính thức mở cửa Đại sứ quán ở Jerusalem. Có thể thấy lời hứa công nhận Jerusalem là “chiêu bài” lôi cuốn cử tri của hầu hết các Tổng thống Hoa Kỳ gần đây, nhưng tất cả người tiền nhiệm của ông Trump đều chỉ dừng ở lời hứa. Tại sao họ lại phải hứa để rồi thất hứa như vậy, câu trả lời đến từ sức nặng ảnh hưởng của người Do Thái ở Hoa Kỳ.

Sắc tộc nhỏ, quyền lực lớn
So với các sắc tộc khác, sức ảnh hưởng của cộng đồng gốc Do Thái ở Hoa Kỳ rất lớn dù họ chỉ chiếm thiểu số (5,4 triệu người, chưa tới 2% dân số Hoa Kỳ). Ước khoảng 60% nhân vật quyền lực trong các ngành quan trọng như ngân hàng, báo chí, chứng khoán, và 70% những người có thế lực trong ngành sản xuất phim ảnh của Hollywood là người Do Thái.
Chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính-kinh doanh, cộng đồng Do Thái Hoa Kỳ cũng mang rất nhiều dấu ấn. Họ tham gia các dịch vụ tài chính từ thời Hoa Kỳ chưa độc lập. Những ngân hàng nổi tiếng như Lehman Brothers, Goldman Sachs… đều do người gốc Do Thái sáng lập. 
Jerusalem không bình yên (K2): Lá bài chính trị ảnh 1 Ngày 6-12-2017, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.  
Kể từ cuối thế kỷ 20, người Do Thái đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp quỹ dự phòng. Các tập đoàn như SAC Capital Advisors, Soros Fund
Management, Och-Ziff Capital Management, GLG Partners, Renaissance Technologies và Elliott Management Corporation là những quỹ đầu tư lớn do người Do Thái sáng lập. Họ cũng đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp cổ phần tư nhân, đồng sáng lập một số công ty lớn tại Hoa Kỳ như Blackstone, Quản lý vốn Cerberus, TPG Capital, BlackRock, Carlyle Group, Warburg Pincus...
Một trong những thống đốc đầu tiên của Hệ thống Dự trữ Liên bang (tiền thân của FED) chính là Paul Warburg, một người Do Thái gốc Đức. Kể từ đó, một số người gốc Do Thái lần lượt giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), bao gồm Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen. Bà Janet Yellen là người đóng vai trò quan trọng trong việc nâng lãi suất lần đầu tiên của Hoa Kỳ kể từ khi FED giảm lãi suất xuống mức cận 0 vào năm 2008.

Chính trị hay đạo đức?
Nói về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, nhiều người cho rằng ông Trump cố gắng hoàn thành lời hứa đơn thuần chỉ để giữ lá phiếu ủng hộ từ những người gốc Do Thái, hoặc những cử tri thân Do Thái. Thực tế đã có nhiều tỷ phú Do Thái đứng đằng sau quyết định này của ông Trump.
Với tư cách là những nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa có ảnh hưởng rất lớn đến dự luật cải cách thuế, họ đã gây áp lực trực tiếp lên các Tổng thống Hoa Kỳ để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ tại Israel. Những nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Hoa Kỳ đã chi hàng chục triệu USD trong những năm gần đây, với mức kỷ lục gần 20 triệu USD trong năm 2016.
Một số khác lại tin rằng đây là hành động chứng tỏ chuẩn mực đạo đức của ông Trump. Nhiều chính trị gia có thể hứa lấy được để lôi kéo cử tri, sau khi đắc cử sẵn sàng “quên” tất cả lời hứa đó. Nhưng ông Trump lại khác khi cố gắng thực hiện những lời hứa, từ vấn đề nhập cư đến việc xây bức tường Mexico…
Thực tế, việc các tổng thống tiền nhiệm của ông Trump luôn tránh né việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel với lý do để “không làm tổn hại đến tiến trình hòa bình” ở Trung Đông. Tuy nhiên, việc trì hoãn của họ chẳng giúp gì cho tiến trình hòa bình của Trung Đông. Căng thẳng Israel-Palestine vẫn còn nguyên như cách nay hơn 20 năm.
Ngày 6-12-2017, Tổng thống Trump khẳng định quyết định của ông là "công nhận thực tế". Tờ Fox News bình luận: “Tổng thống Trump không thích "lịch sử giả mạo". Hòa bình ở Trung Đông sẽ không bao giờ xảy ra nếu chúng ta cứ nói dối về lịch sử. Sự giả dối gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là cần bảo vệ sự trung thực của lịch sử”. 
Sự trung thực của lịch sử đó là gì? Thứ nhất, Fox News nói việc bác bỏ Nhà nước Do Thái của Israel và phản đối việc Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô của quốc gia dựa trên lịch sử giả mạo. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo chủ chốt đã viết lại lịch sử, phủ nhận sự tồn tại lịch sử của Israel.
Một số nước Hồi giáo ngày nay vẽ nên một lịch sử giả mạo kệch cỡm, xoay quanh những tuyên bố rằng chưa từng có một vương quốc Israel cổ đại và người Do Thái chưa bao giờ có một ngôi đền ở Jerusalem. Tuy nhiên, theo Wikipedia, những khai quật khảo cổ chứng minh thực sự đã có Vương quốc Israel tồn tại ở chính nơi mà Israel hiện ngày nay đang tồn tại.
Thứ hai, bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Tổng thống Trump khẳng định lịch sử của người Do Thái. Ông cũng sửa chữa vấn đề lịch sử lâu đời và sự bất công nặng nề. Sự ủng hộ của ông dành cho Israel là phù hợp với sự ủng hộ của Tây phương cho việc thành lập nhà nước độc lập của Israel thời hậu chiến tranh thế giới thứ 2.
Thứ ba, không thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Nếu chúng ta vì e ngại sự trả thù của các phần tử khủng bố Hồi giáo mà phớt lờ sự thật lịch sử, chẳng khác nào chúng ta đang khen thưởng khủng bố. Tuy nhiên, đó chỉ là bình luận một chiều của Fox News. Quan điểm của Liên hiệp quốc vẫn chưa công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Các tin khác