Kỳ tích Bàn Môn Điếm (K2): Những kịch bản thống nhất

(ĐTTCO) - Những cái bắt tay nồng nhiệt và những cái ôm thắm thiết của lãnh đạo 2 miền Triều Tiên đã xóa bỏ sự thù địch tồn tại giữa 2 nước 73 năm qua. 

Trong bối cảnh 2 bên tiến tới chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ, thế giới kỳ vọng điều lớn lao hơn: Thống nhất 2 miền Triều Tiên.

Ánh mặt trời bừng sáng
Trong bối cảnh hy vọng về một bán đảo Triều Tiên thống nhất chưa bao giờ mạnh mẽ hơn, người ta nhắc nhiều đến các kịch bản để thực hiện điều này. Trong số đó, Chính sách Ánh Dương của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung được nói đến nhiều nhất. Đây là chính sách đã góp phần thay đổi đáng kể sự căng thẳng giữa 2 miền trên bán đảo. 
 Hợp tác kinh tế liên Triều đóng vai trò là đầu máy xây dựng lòng tin, góp phần làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong các lĩnh vực chính trị, xã hội và văn hóa. Khi sự căng thẳng giảm bớt, sự thống nhất hòa bình thực tế có thể sẽ gần hơn.
Sau khi lên nhậm chức vào năm 1998, ông Kim Dae-jung đánh giá Triều Tiên sẽ không từ bỏ chiến lược quân sự thù địch đối với miền Nam chừng nào chính quyền Bình Nhưỡng chưa ổn định. Vì vậy, ông Kim Dae-jung đề ra Chính sách Ánh Dương, nhằm mở ra hướng đi mới cởi mở và mềm mỏng hơn. Chính sách này có 3 nguyên tắc chính: Không khiêu khích quân sự; miền Nam sẽ không cố gắng thu hút sự chú ý của miền Bắc; miền Nam chủ động tìm kiếm sự hợp tác. Những nguyên tắc này truyền đi thông điệp rằng miền Nam không mong muốn thôn tính hoặc ngầm phá hoại miền Bắc; mục tiêu của Soeul là cùng chung sống hòa bình không phải thay đổi chế độ.
Mục tiêu là vậy nhưng Chính sách Ánh Dương sẽ tiến hành một cách chậm rãi, hợp lý theo thời gian, bắt đầu bằng hợp tác kinh tế - xã hội, tiến tới hình thành một bang liên hay một khối thịnh vượng chung với 2 khu vực tự trị ở Triều Tiên và ở Hàn Quốc, sau cùng mới hình thành chính phủ quốc gia thống nhất. Chính sách này lúc đầu đã mang lại những thành tựu lớn, như cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào ngày 15-6-2000 với việc ra bố chung.
Tiếp theo, 2 bên cho phép nhiều gia đình được hội ngộ kể từ thời bị chia rẽ do chiến tranh 1950-1953. Khu vực Keumkang được chọn làm nơi họp mặt thường xuyên của những gia đình ly tán. 2 bên cũng đồng thuận giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề nhân đạo, như ân xá tù nhân và cho họ hồi hương; nối lại các tuyến đường sắt và đường bộ Kyunguison, nối Seoul với Shinuiju. Hàn Quốc còn phát triển khu công nghiệp Kaesong bên ranh giới Triều Tiên, mở ra dự án du lịch Núi Kumkang, xem xét cùng phòng chống lũ trên sông Imjin và đạt được 4 thỏa thuận về hợp tác kinh tế.
Tuy nhiên, Chính sách Ánh Dương đã bị “nhật thực” do các cuộc đối đầu quân sự giữa 2 bên. Chẳng hạn vào tháng 6-1999, các tàu Triều Tiên đã vượt qua ranh giới phương Bắc biển Hoàng Hải - ranh giới hàng hải được chỉ định bởi Liên hiệp quốc sau chiến tranh Triều Tiên. Cuộc đọ súng kéo dài 10 phút, các tàu chiến Hàn Quốc đã đánh chìm 1 tàu Triều Tiên và giết chết 40 thủy thủ.
Kỳ tích Bàn Môn Điếm (K2): Những kịch bản thống nhất ảnh 1 Cuộc gặp lịch sử giữa Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. 
Cộng đồng kinh tế liên Triều 
Phương án thống nhất 2 miền Triều Tiên khác được Tổng thống Lee Myung-bak đưa ra vào năm 2007. Theo phương án này, Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thống nhất từ từ thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng. Phương án này được soạn thảo khi Hàn-Triều chuẩn bị cho thượng đỉnh lần thứ 2. Theo đó, 2 bên sẽ thảo luận việc cùng phát triển thông qua thiết lập một cộng đồng kinh tế.
Trong đó, miền Nam tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống để góp phần thống nhất bán đảo. Phương án bị một số người chỉ trích giống như ngoại giao 1 chiều, trong đó Hàn Quốc chỉ cho mà không nhận được gì. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng khi hợp tác liên Triều được cải thiện, các công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ lao động rẻ và chi phí đất đai của miền Bắc, và miền Bắc sẽ học hỏi từ phía Nam về hệ thống thị trường tư nhân. Điều này sẽ giúp giảm bớt những khó khăn về kinh tế ở miền Bắc và giảm bớt gánh nặng kinh tế của Hàn Quốc khi 2 nước thống nhất.
Báo cáo đề xuất cho rằng hợp tác kinh tế liên Triều có thể đóng vai trò như một chất xúc tác cho Hàn Quốc. Theo đó, Seoul có thể xây dựng đường sắt xuyên qua Triều Tiên để liên kết với các tuyến xuyên Siberi đến châu Âu. Điều này cùng với sự hợp tác kinh tế xung quanh dự án du lịch núi Geumgang và Khu công nghiệp Gaeseong, được xem là bước đệm tốt cho miền Nam tiến tới trở thành trung tâm sản xuất và phân phối khu vực Đông Bắc Á. 

Cộng hòa Liên bang Cao Ly
Kịch bản Cộng hòa Liên bang Cao Ly được đề xướng bởi cựu Chủ tịch Triều Tiên Kim Il-Sung vào thập niên 70 và 80. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên tồn tại riêng biệt trong hệ thống liên bang bao gồm bang Hàn Quốc và bang Triều Tiên. Ý tưởng này được nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay, Kim Jong Un, tiếp tục phát triển.
Ngày 7-7-2014, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của chính quyền Bình Nhưỡng cho biết nước này đã đưa ra đề xuất gồm 4 điểm: giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và “tái thống nhất độc lập” dân tộc; cùng hướng tới tuyên bố chung năm 2000; tránh phụ thuộc vào “các thế lực bên ngoài”; tự giải quyết mọi vấn đề giữa 2 bên và tìm kiếm “các đề xuất tái thống nhất dân tộc hợp lý”. Trước đó, ngày 30-6-2014, chính quyền ông Kim cũng đưa ra đề xuất tương tự nhưng bị từ chối. Bởi lẽ đề xuất được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên xác nhận vụ bắn tên lửa thứ 2 chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tuần.
Tuyên bố chung ngày 15-6-2000 được KCNA đề cập mang những nội dung gì? Tuyên bố này gồm 5 điều lãnh đạo 2 bên đồng ý với nhau. Trong đó tại điều 2 ghi: “Để đạt được việc tái thống nhất, chúng tôi đồng ý có yếu tố chung giữa khái niệm bang liên của Hàn Quốc và công thức dành cho dạng liên bang của Triều Tiên. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý thúc đẩy việc thống nhất theo hướng đó”. Cần nói rõ “bang liên” và “liên bang” là 2 khái niệm rất hay bị nhầm lẫn. 
Bang liên là khối liên minh nhiều quốc gia, thường được hình thành và gắn kết bằng hiệp ước. Mỗi quốc gia thành viên vẫn có chủ quyền độc lập. Còn chính quyền bang liên bao gồm đại diện của mỗi quốc gia thành viên nhưng không có quyền lực bao trùm. Trong khi đó, liên bang là quốc gia thống nhất, hình thành và gắn kết bằng hiến pháp. Trong quốc gia này có nhiều bang riêng. Chủ quyền quốc gia thuộc về chính quyền liên bang - chính quyền trung ương - với quyền lực cao hơn chính quyền tiểu bang. 

Các tin khác