Mỹ-Ấn: Bằng mặt, không bằng lòng - Kỳ 2: Xung đột chính sách

(ĐTTCO)- Như đã nói, bất đồng lớn nhất của hợp tác song phương Mỹ-Ấn chính là những xung đột lợi ích giữa chính sách “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump và chính sách “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi.

Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ
Chính sách này là sắc lệnh được Tổng thống Trump ký đều đặn từ ngày 18-4-2017, nhằm tạo ra mức lương và tỷ lệ việc làm cao hơn cho công nhân Mỹ, bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ bằng cách thực thi và quản lý luật nhập cư một cách chặt chẽ. Ông Trump cũng chỉ đạo Bộ Nội an (DHS), phối hợp với các cơ quan khác thúc đẩy các chính sách nhằm giúp đảm bảo thị thực H-1B được trao cho những người thụ hưởng có tay nghề cao nhất, hoặc được trả lương cao nhất.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Trump tuyên bố muốn thiết lập, tạo dựng và phát triển nhiều sản phẩm nội địa hơn nữa, sử dụng nguồn lao động, hàng hóa và sức mạnh của Mỹ. Bằng việc mua sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, lợi nhuận và nguồn thu sẽ không bị thất thoát và quan trọng nhất giữ được việc làm ở trong nước. Tổng thống Trump cũng chỉ trích việc trong hàng thập niên qua Washington đã cho phép những quốc gia khác tước mất hàng triệu việc làm của người Mỹ, thông qua những thỏa thuận thương mại ông cho là bất công. Vì vậy, đã đến lúc cần chính sách mới được xác định bởi luật chơi: Mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ.
Với sắc lệnh này, Ấn Độ cũng như nhiều nước khác đã khó khăn hơn trong việc xin thị thực H-1B. Thị thực này cho phép chủ lao động Mỹ sử dụng lao động nước ngoài tạm thời trong các ngành nghề đặc biệt. Một nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi phải áp dụng kiến thức chuyên ngành và bằng cử nhân hoặc tương đương với kinh nghiệm làm việc. Sắc lệnh còn nhắm tới việc chấm dứt tình trạng lạm dụng những lỗ hổng trong H-1B.
Việc ông Trump nỗ lực mang lại công việc cho Mỹ, trong khi nhắm mục tiêu vào Trung Quốc và Mexico, cũng có thể làm tổn thương Ấn Độ. Ông Trump nói sẽ tính thuế 35% cho mỗi chiếc xe, mọi xe tải và mọi bộ phận được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Nhưng việc này cũng sẽ tấn công ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ, vì Nissan, Ford, Huyndai và các hãng khác có đơn vị của họ ở Ấn Độ và xuất khẩu sản phẩm của họ sang Mỹ. Điều này cũng sẽ tác động đến chương trình Make in India, với mục tiêu chính là tăng xuất khẩu ở Ấn Độ.
Mỹ-Ấn: Bằng mặt, không bằng lòng - Kỳ 2: Xung đột chính sách ảnh 1 Chính sách “Make in India” biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất và thiết kế toàn cầu.   
“Make in India”
Chính sách “Make in India” được Chính phủ Ấn Độ đưa ra vào ngày 25-9-2014, với mục tiêu tạo việc làm và nâng cao kỹ năng trong 25 lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất và thiết kế toàn cầu. Mô hình này nhằm đẩy mạnh quá trình tăng trưởng của Ấn Độ. Theo chiến lược, đây là lộ trình để đối phó với các thách thức toàn cầu, thông qua việc chuẩn bị cho cơ sở hạ tầng kiến thức và cơ sở sản xuất đẳng cấp thế giới, tạo ra kiến thức sâu hơn để bước tới khả năng cạnh tranh toàn cầu.
25 lĩnh vực được chú trọng trong Make in India, bao gồm các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Mỹ như ô tô và phụ kiện, hàng không, hóa học, quân sự, năng lượng… Chính sách này khuyến khích việc sản xuất tại Ấn Độ của các công ty trong nước lẫn nước ngoài. Vì vậy, đi kèm với nó là những chính sách thuế cao hơn với các mặt hàng nhập khẩu. Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập đến thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ áp lên một loạt hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, trong đó có các sản phẩm xe mô tô mang thương hiệu Harley-Davidson. Hồi tháng 1, ông Trump một lần nữa có những phát biểu nhắm vào mức thuế nhập khẩu 150% của Ấn Độ đối với sản phẩm rượu Whisky. “Mức thuế nhập khẩu của Ấn Độ rất cao. Họ áp đủ mọi thứ thuế lên hàng hóa của chúng ta” - ông Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng.
Những nạn nhân của Mỹ từ chính sách Make in India ở Ấn Độ còn bao gồm Amazon và Walmart. New Delhi đã công bố nhiều quy định mới trong vài tháng trở lại đây, với mục tiêu ngăn cản các công ty bán lẻ toàn cầu như Amazon và Walmart tận dụng nguồn tài chính dồi dào, cũng như quy mô khổng lồ của họ để bán phá giá hàng hóa tại thị trường Ấn Độ. Những quy định khác liên quan đến hình thức thanh toán trực tuyến cũng có những ảnh hưởng lên nhiều công ty, trong đó có Mastercard. Chính phủ Ấn Độ cũng lên kế hoạch yêu cầu nhiều công ty như Facebook và Google phải thực hiện lưu trữ thông tin khách hàng quốc gia này trong phạm vi lãnh thổ Ấn Độ. Điều đó đã làm dấy lên sự phản đối quyết liệt từ các công ty trên cũng như nhiều cơ quan thương mại.
Vẫn cần có nhau
Đáp lại những hành động tăng thuế đối với hàng Mỹ và dịch vụ Mỹ gần đây, CNN cho biết các quan chức Mỹ đang cân nhắc loại bỏ Ấn Độ khỏi Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), vốn cho phép nước này xuất khẩu 2.000 mặt hàng như nữ trang, linh kiện ô tô, động cơ điện trị giá 5,6 tỷ USD/năm sang Mỹ với mức thuế 0%. Chương trình GSP giúp 121 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Mỹ. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong chương trình này vào năm 2017.
Từ năm 2018 Nhà Trắng thông báo sẽ đánh giá lại chương trình GSP dành cho Ấn Độ, sau khi nhận được các khiếu nại của nông dân nuôi bò sữa và các nhà sản xuất thiết bị y tế Mỹ cho biết các mức thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ đã gây tổn thương cho hoạt động xuất khẩu của họ. Bất kỳ động thái của Mỹ nhằm hạn chế hàng hóa Ấn Độ tiếp cận thị trường Mỹ cũng có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài e dè đầu tư vào Ấn Độ. Nếu Mỹ loại bỏ chương trình GSP dành cho Ấn Độ, sức hấp dẫn của Ấn Độ như là một trung tâm sản xuất của thế giới sẽ suy giảm. Jason Yek, nhà phân tích Công ty nghiên cứu Fitch Solutions, nhận định: “Động thái này có thể gây khó khăn cho dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ trong những năm tới”.
Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng quan hệ Mỹ-Ấn sẽ không đi đến mức căng thẳng như Mỹ-Trung, vì trên hết Mỹ rất cần Ấn Độ để đối trọng với Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình. Trong các chiến dịch bầu cử của mình, ông Trump đã ca ngợi Ấn Độ và người gốc Ấn ở Mỹ. Một số lượng lớn người gốc Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống. Việc ông Trump tập trung xóa bỏ mối đe dọa khủng bố Hồi giáo là dấu hiệu đáng khích lệ đối với Ấn Độ. Ông Trump cam kết chống khủng bố, cho thấy sẽ có áp lực tăng cường đối với Pakistan để kiềm chế các tổ chức khủng bố hoạt động từ đất của họ. 
Lập trường cứng rắn nhất Trump nhắm vào Trung Quốc. Trung Quốc bị cáo buộc tiến hành các hoạt động thương mại không công bằng. Và cho đến nay, ông Trump đã tiến hành các chính sách ngăn chặn Trung Quốc mạnh mẽ hơn so với người tiền nhiệm đã làm. Do đó, lợi ích chiến lược của Mỹ là tiếp tục mở rộng quan hệ an ninh với Ấn Độ, nơi có tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Chính phủ Modi cũng đã bày tỏ rõ ràng mong muốn hợp tác với Mỹ để ngăn chặn lực lượng tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông.
 Việc siết visa H-1B đã ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình kinh doanh của những gã khổng lồ công nghệ thông tin (CNTT) Ấn Độ tại Mỹ như Infosys, TCS và Wipro. Theo đó, các công ty CNTT này phải thuê dân địa phương là người Mỹ vào làm việc do khó xin thị thực H-1B cho lao động Ấn Độ sang Mỹ làm việc. Nói cách khác, một lượng lớn lao động CNTT cấp cao của Ấn Độ đã không được các nhà khổng lồ CNTT Ấn Độ tại Mỹ tuyển dụng như trước kia.

Các tin khác