Nguy cơ “Bom nợ” toàn cầu: Châu Âu - Núi nợ 12.500 tỷ EUR

(ĐTTCO) - Nền kinh tế châu Âu dường như đã phục hồi từ những ngày đen tối của cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công từ cuối năm 2009. 

Nhưng kết quả này là nhờ sự can thiệp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với các chương trình giải cứu và mua tài sản trị giá 2.500 tỷ EUR. Một khi các biện pháp đặc biệt của ECB kết thúc, liệu Liên minh châu Âu (EU) có đứng vững?

Chưa thoát khủng hoảng
Trải qua nhiều năm thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế, EU vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ do Hy Lạp khơi mào. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tính đến tháng 2-2017, có 5 quốc gia châu Âu nợ lớn hơn GDP và 21 quốc gia có nợ lớn hơn giới hạn 60% GDP được quy định trong Hiệp ước Maastricht. Cao nhất là Hy Lạp với mức 177% GDP, tiếp theo là Italia 132% và Bồ Đào Nha 129% GDP. Nợ của Vương quốc Anh hiện chiếm 89,1% GDP, cao thứ 8 trong EU.
Mức nợ trên toàn khu vực đồng EUR (Eurozone) là 90,4% GDP trong năm 2015, mức cao nhất kể từ khi đơn vị tiền tệ chung được đưa vào năm 1999. Trong những năm qua, hầu hết các nước châu Âu đều tung ra những biện pháp để giảm nợ, nhưng chỉ có 9 quốc gia thành công, nổi bật là 5 quốc gia: Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Ireland và Latvia. Tuy nhiên, cũng có 5 quốc gia có các khoản nợ lớn hơn 1.000 tỷ EUR, gồm Anh, Italia, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.
Theo số liệu hồi tháng 2-2018 của Eurostat, 28 quốc gia thành viên của EU có tổng nợ đạt 12.500 tỷ EUR. Thống kê cho biết trong quý III-2017, tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp cao nhất trong Eurozone, ở mức 177,4%. Tiếp theo là Italia (134,1%) và Bồ Đào Nha (130,8%). Dù vậy, con số này đã được cho là thành tích bởi tỷ lệ nợ/GDP trong toàn EU đã giảm từ 82,9% xuống 82,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo tờ Die Welt của Đức có những khoản nợ tiềm ẩn được phát hiện trong thống kê chính thức. Chỉ cần một phần nhỏ trong số nợ này không được hoàn trả, sẽ dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ trong ngân sách quốc gia. 
Cụ thể, số liệu thống kê của Eurostat dựa trên 4 loại nợ lớn, là những khoản bảo lãnh của nhà nước liên quan đến nợ nần của bên thứ 3. Thí dụ, sự đảm bảo của một bộ trưởng tài chính ban hành đối với tiền gửi ngân hàng cho một pháp nhân nào đó.
Loại thứ 2 liên quan đến quan hệ hợp tác nhà nước-tư nhân (PPP), trong đó nhà nước thường chịu trách nhiệm cho bất kỳ rủi ro nào. Chẳng hạn khi 1 hồ bơi công cộng xây dựng lên không đạt được doanh thu dự kiến.
Loại nợ thứ 3 là trách nhiệm pháp lý của các tổng công ty nhà nước, thí dụ tiền gửi của họ đối với các ngân hàng công.
Loại nợ thứ 4 là nợ xấu. “Trong những điều kiện nhất định, những khoản nợ tiềm tàng này có thể trở thành nợ thực tế. Tương tự, các khoản vay nợ xấu có nghĩa là khoản lỗ đối với nhà nước nếu không được thanh toán” - đánh giá của Eurostat nhấn mạnh.
Nguy cơ “Bom nợ” toàn cầu: Châu Âu - Núi nợ 12.500 tỷ EUR ảnh 1  Ảnh minh họa. 
Chuyển biến chậm chạp
Năm 2011, Bồ Đào Nha đã phải ngửa tay cầu cứu gói cứu trợ 78 tỷ EUR. Đến năm 2017, nước này đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, với 2,7%. Thành công kinh tế đã đến với quốc gia này sau khi bỏ được chính sách thắt lưng buộc bụng bị áp đặt bởi EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong giai đoạn 2011-2014.
Lương và tiền trợ cấp khu vực quốc doanh đã được hồi phục như giai đoạn trước khủng hoảng, nhưng chính phủ khả năng cao sẽ phải đối mặt với bất đồng trong tương lai với EU, khi Brussels đang tìm cách để giảm nợ của Bồ Đào Nha. Hiện mức nợ công bình quân đầu người ở Bồ Đào Nha là 22.299EUR (hơn 590 triệu VNĐ)
Tại Ireland, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn trước. Chính điều này đã khiến cựu Thủ tướng Enda Kenny đã bị bỏ phiếu rời khỏi văn phòng trong năm 2017, do có ít cử tri cảm nhận được sự hồi phục của nền kinh tế.
Mức tăng trưởng 26% của năm 2015 được ví là “nền kinh tế yêu tinh” - ám chỉ việc tránh thuế cao của các công ty đa quốc gia bằng cách đặt trụ sở ở Ireland, giống như cách các yêu tinh trong truyện cổ Ireland giấu vàng trong hũ - và con số tăng trưởng đó chỉ là ảo. Các công ty đa quốc gia lớn tìm cách bảo vệ lợi nhuận đã chuyển trụ sở và tài sản trí tuệ của họ đến Ireland, dẫn đến GDP tăng đột biến tại quốc gia này.
Nhưng trên thực tế, hành động này không tạo ra sự thay đổi nào cho nền kinh tế thực (lợi nhuận, sự phát triển và tạo việc làm mới) của Ireland, do hoạt động sản xuất thực sự của họ vẫn được thực hiện ở nước ngoài. Thêm vào đó, ngân khố của quốc gia này cũng phụ thuộc rất nhiều vào một số ít công ty lớn, khiến nền kinh tế ở một trạng thái dễ bị tổn thương. Theo đồng hồ nợ công, Ireland hiện là nơi mức nợ công bình quân trên đầu người cao nhất châu Âu, với 43.509EUR (hơn 1,1 tỷ VNĐ).
Tây Ban Nha là một trong những điểm sáng nhất trong Eurozone. Vào tháng 7-2017, nền kinh tế lớn thứ tư của EU quay trở lại với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh, dù ở mức vẫn còn cao 17%. Chính phủ đã đưa ra những cải cách tạo điều kiện cho việc sa thải người lao động dễ dàng hơn.
Một số chuyên gia cho rằng đó là biện pháp để kích thích việc thuê nhân công. Nhưng bất chấp những cải cách đó, Tây Ban Nha vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở châu Âu, chỉ xếp sau Hy Lạp. Tình trạng bất bình đẳng đã tăng lên và tiền lương vẫn chưa được cải thiện. Mức nợ bình quân đầu người của Tây Ban Nha vẫn ở mức cao, với 23.088EUR (hơn 612 triệu VNĐ).
Tại Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 EU, những mối lo ngại vẫn chưa biến mất. Tỷ lệ thất nghiệp đang giảm và các nhà máy đang tăng cường sản xuất nhờ nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, gói cứu trợ của ngân hàng lâu đời nhất của Italia và sự cứu nguy của 2 nhà cho vay đã giúp tăng cường sự tin tưởng.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang nợ nần chồng chất bởi nợ xấu. Tổng số nợ xấu của Italia lên tới 174 tỷ EUR, theo Bloomberg. Còn tổng nợ công theo đồng hồ nợ châu Âu năm 2018 hơn 2.323 tỷ EUR. Một câu hỏi lớn hơn là liệu Italia có thể tạo ra sự đồng thuận về chính trị để thực hiện cải cách về các vấn đề đã gây nhức nhối trong thời gian dài, như cải thiện năng suất, giảm nợ, và tăng quỹ cho các trường đại học hay không. Nợ bình quân đầu người ở Italia thuộc loại cao ở châu Âu hiện nay, với 35.721EUR (hơn 948 triệu VNĐ)
Ở Hy Lạp, quốc gia “đầu têu” trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, dường như đang có những dấu hiệu hồi phục: các nhà máy mở rộng sản xuất, người dân đang tìm việc làm. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đất nước này vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó đã làm cho nền kinh tế của Hy Lạp sụt giảm 25%. Hơn 1/5 người trưởng thành trong độ tuổi lao động và 45% người trẻ tuổi thất nghiệp.
Nợ nần chồng chất tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế, trong khi những nhà cho vay yêu cầu thặng dư ngân sách của Hy Lạp ở mức cao, điều được coi là không thực tế bởi nhiều nhà kinh tế học. Dù đã có những tia sáng phía cuối đường hầm, nhưng sự phục hồi thực sự của quốc gia này vẫn khó có thể xảy ra. Hiện tổng nợ công của Hy Lạp vẫn hơn 351,5 tỷ EUR, theo đồng hồ nợ công. Mỗi người dân vẫn nợ hơn 28.805EUR (764,5 triệu VNĐ).
 Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã có tác động kinh tế bất lợi đáng kể và ảnh hưởng lớn thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp và Tây Ban Nha đạt 27%. Nó cũng góp phần thay đổi quyền lực ở Hy Lạp, Ireland, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovenia, Slovakia, Bỉ và Hà Lan, cũng như bên ngoài Eurozone, tại Vương quốc Anh.
(còn tiếp)

Các tin khác