Nhà trắng trong cuộc nội công ngoại kích (K1) Trận tỉ thí chưa ngã ngũ

(ĐTTCO) - LTS: Thế giới đang trong tình trạng căng thẳng, bất an khi dõi về cuộc đối đầu đang diễn ra giữa Triều Tiên-Hoa Kỳ và các nước đồng minh. 
Phớt lờ cấm vận và những cảnh báo, Triều Tiên vẫn thử tên lửa có mức độ công phá cao, tiếp tục đe dọa an ninh một số nước. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thì tiếp tục đáp trả mạnh miệng: “Họ sẽ hứng chịu lửa và cơn giận dữ mà thế giới chưa từng được thấy”. Nguy cơ xảy ra chiến tranh? Điều này chưa thật sự rõ ràng đến thời điểm này. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng cách phản ứng và đáp trả của hai bên không giúp hạ nhiệt tình hình, ngược lại còn gây căng thẳng hơn. Giới chuyên gia nhận định chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống D. Trump ở Đông Á, Trung Đông và các điểm nóng khác đến nay vẫn không rõ ràng, thiếu hiệu quả.
Cơn rung chấn khốc liệt

Ngày 3-9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) loại bom có sức công phá mạnh hơn nhiều lần so với bom nguyên tử do nhiên liệu sử dụng nhẹ hơn và phản ứng nhiệt hạch hiệu suất cao hơn, có thể gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Bình Nhưỡng hể hả tuyên bố nước này đã thành công trong việc phát triển một loại vũ khí hạt nhân hiện đại, có mức độ vô cùng tối tân.
Loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm. Phía Nhật Bản cho rằng vụ thử hạt nhân lần thứ 6 này mạnh hơn 10 lần so với việc Bình Nhưỡng cho nổ quả bom nguyên tử cách đây 1 năm. Hàn Quốc cho biết vụ thử này có sức công phá 100 kiloton, mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống Nagasaki Nhật Bản năm 1945. Tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc cách bãi thử hạt nhân 400km, người dân vẫn cảm nhận được sự rung chấn khốc liệt.

Trước đó, vào cuối tháng 8 Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa tầm ngắn, tiếp đó là vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống Thái Bình Dương. Hãng thông tấn nhà nước KCNA ngày 30-8 cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un đích thân đến xem xét cuộc thử nghiệm và tuyên bố vụ thử này là “khúc dạo đầu” trước khi họ hướng tới tấn công đảo Guam, Hoa Kỳ. “Việc tạo nền tảng hiện đại cho lực lượng chiến lược thông qua tiến hành thêm các vụ thử tên lửa đạn đạo ở Thái Bình Dương như một mục tiêu trong tương lai là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm của Bình Nhưỡng trong việc đối đầu với bất cứ đe dọa nào từ thế lực thù địch” - ông Kim Jong-un tự tin khẳng định.

Các chuyên gia cho rằng vụ phóng tên lửa sáng ngày 29-8 có thể xem là vụ thử nguy hiểm nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Ngay sau đó, Tổng thống D. Trump lại đưa ra lời đe dọa “mọi phương án đều được cân nhắc”, cho rằng sẽ nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ” nếu có thêm hành động khiêu khích nào nữa với Hoa Kỳ và đồng minh.
Hầu như cuộc phô diễn sức mạnh của 2 phía, một bên là cường quốc hùng mạnh nhất toàn cầu - Hoa Kỳ, một bên là một nước nhỏ bị cấm vận kéo dài hàng chục năm nay - Triều Tiên, vẫn chưa ngã ngũ, chẳng ai chịu ai. Kết quả là cuộc thử bom nhiệt hạch sau đó của Triều Tiên. Và mới đây, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố phát hiện dấu hiệu mới cho thấy Triều Tiên đang lên kế hoạch tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa đạn đạo ICBM, có khả năng sẽ thực hiện vào dịp kỷ niệm thành lập nước Triều Tiên, ngày 9-9.
Nhà trắng trong cuộc nội công ngoại kích (K1) Trận tỉ thí chưa ngã ngũ ảnh 1 Các điểm nghỉ dưỡng của Hoa Kỳ trên các đảo ở Thái Bình Dương có thể là điểm đến không còn an toàn trước sự đe dọa của Triều Tiên.
Căng thẳng leo thang
Độ nóng khu vực Đông Bắc Á đang lên đỉnh điểm. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong tuyên bố: “Tổng thống yêu cầu chuẩn bị biện pháp đáp trả cứng rắn nhất đối với hành vi khiêu khích bằng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Huy động mọi giải pháp ngoại giao để cô lập Bình Nhưỡng.
“Tổng thống đã ra lệnh cho quân đội nghiên cứu biện pháp phá hủy các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên và thể hiện khả năng đáp trả quân sự của Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu triển khai vũ khí của Hoa Kỳ đến khu vực” - ông Chung nói. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis cũng phản ứng mạnh mẽ, phát biểu: “Bất kỳ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ hoặc vùng lãnh thổ, bao gồm cả Guam, hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ bị đáp trả bằng sức mạnh quân sự dữ dội, có hiệu quả và áp đảo”.

Sau vụ thử hạt nhân lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, Tổng thống D. Trump đã có cuộc điện đàm riêng với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-In thống nhất về nguyên tắc việc Hàn Quốc sử dụng đầu đạn mạnh hơn để gắn tên lửa, nhằm tạo ra một sự ngăn ngừa tốt hơn trước nguy cơ đến từ Triều Tiên. Hoa Kỳ cũng nhất trí với đề xuất của Hàn Quốc về việc mua số vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại với giá trị nhiều tỷ USD của Hoa Kỳ.

Là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ và có vị trí cách không xa Triều Tiên, Nhật Bản lo ngại có thể trở thành mục tiêu bị Triều Tiên tấn công, hoặc bị ảnh hưởng mạnh bởi khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Sự lo ngại này là có cơ sở khi Triều Tiên đã phóng thử tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật. Vì vậy, thời gian gần đây nhiều thị trấn ở Nhật Bản đã huy động lực lượng diễn tập các cuộc phòng chống tên lửa, nhằm hạn chế thiệt hại nếu xảy ra.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu với các nghị sĩ đảng liên minh cầm quyền: “Nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều hành động gây hấn mới. Chúng ta cần hết sức cảnh giác và làm mọi việc có thể để đảm bảo sự an toàn của người dân”. Nhật Bản hiện có 38.000 người dân cư trú dài hạn và 19.000 du khách ở Hàn Quốc.
Cụ thể hóa chủ trương trên, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ thực hiện việc sơ tán công dân của mình nếu Hoa Kỳ quyết định tấn công quân sự Triều Tiên, dù kế hoạch này có được công khai hay bí mật hành động. Nhật Bản đang vạch ra 4 cấp độ đối phó dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình hình. Trong kịch bản xấu nhất khi Bình Nhưỡng thực hiện cuộc tấn công quân sự khiến các sân bay của Hàn Quốc phải đóng cửa, đại sứ quán Nhật ở Seoul kêu gọi công dân Nhật ở yên tại nhà hoặc vào tạm trú tại các nơi an toàn (ga tàu điện ngầm, nhà thờ, trung tâm thể thao-xã hội…) chờ di chuyển về nước bằng đường biển!

Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên còn phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán, tiền tệ. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương diễn biến theo hướng giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8-2017. Chỉ số Kospi Hàn Quốc mất 1,2% và có mức độ biến động cao từ giữa tháng 8 đến nay. Các nhà đầu tư đang chuyển sang nắm giữ nhiều tiền mặt trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang. Một số chuyên gia tiền tệ còn dự báo căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên sẽ châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thế giới.

Ngoại kích-Thách thức uy thế

Trước diễn biến căng thẳng của tình hình, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành phiên họp khẩn bàn về cách ứng phó trước vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc họp đã không thống nhất được các biện pháp do chia rẽ cục bộ. Trong khi Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh cảnh báo khả năng sẽ tấn công Triều Tiên thì Trung Quốc, Nga và một số thành viên khác phản đối phương án đáp trả quân sự. Hể hả trước uy thế của Hoa Kỳ bị thách thức, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ ngày 5-9 đã phát biểu: “Các biện pháp phòng vệ gần đây của nước chúng tôi là một món quà không nhằm gửi đến ai, ngoài Hoa Kỳ. Họ sẽ nhận thêm nhiều gói quà khác từ nước tôi chừng nào còn hành động khiêu khích và những nỗ lực vô bổ gây áp lực lên Triều Tiên”.

Ngoài việc không khuất phục được Triều Tiên, Hoa Kỳ còn bị ngoại kích từ nhiều phía. Nga và Trung Quốc phản đối sử dụng biện pháp quân sự đối với Bình Nhưỡng. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 5-9, Tổng thống Nga Putin nhận định: “Việc trừng phạt mạnh mẽ hơn với Triều Tiên có thể phản tác dụng, những đe dọa hành động quân sự có thể gây ra “một thảm họa toàn cầu”. Phát biểu trước báo giới, ông Putin khẳng định Nga lên án các hành động thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên; tiếp tục kêu gọi đàm phán và đề xuất kế hoạch “ngừng đổi ngừng”: Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, Triều Tiên chấm dứt chương trình thử tên lửa và hạt nhân!

Trong cuộc đấu “võ mồm” với Triều Tiên, Tổng thống D. Trump cảnh báo trên mạng xã hội Twitter rằng sẽ cắt quan hệ thương mại với những quốc gia giao thương với Triều Tiên - ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề không dễ như ông nói. Trung Quốc là đồng minh lớn và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, vừa là đối tác, con nợ lớn nhất của Hoa Kỳ. Trump vẫn thường dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng thực tế chưa xảy ra, do lo ngại hậu quả mang đến nền kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm: “Đe dọa về thương mại của ông Trump vừa không khách quan, vừa không bình đẳng. Điều chúng tôi không thể chấp nhận được, là một mặt chúng tôi cố gắng giải quyết vấn đề một cách hòa bình (về Triều Tiên), nhưng mặt khác lợi ích chúng tôi lại trở thành đối tượng của sự trừng phạt (thương mại)”!

Có thể nói cuộc đối đầu Hoa Kỳ-Triều Tiên đã trở thành cuộc khủng hoảng đối ngoại nghiêm trọng nhất mà Tổng thống D. Trump phải đối mặt sau khi lên cầm quyền. Sự cố này vượt lên cả các chiến dịch quân sự ở Afghanistan và “chảo lửa” Trung Đông hiện nay.
Ông Hans Kristensen, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Hoa Kỳ, cho rằng cộng đồng quốc tế cần đi đến một kế hoạch hoàn toàn khác. Việc tiếp tục đưa ra lệnh trừng phạt và thực hiện các cuộc tập trận chung, phô diễn máy bay ném bom, tàu chiến… sẽ không dẫn đến điều gì mới mẻ và hiệu quả.
 Tỷ lệ ủng hộ D. Trump tiếp tục giảm sút
 Sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cuối tháng trước của Triều Tiên, Tổng thống D. Trump đe dọa sẽ nhấn chìm Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ”, nếu có thêm hành động khiêu khích nào nữa với Hoa Kỳ và đồng minh. Triều Tiên vẫn không e ngại, chỉ 1 ngày sau đó tiếp tục thử bom H với mục đích củng cố khả năng đánh Guam và các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Nhà nghiên cứu chiến lược Đảng Cộng hòa Doug Heye nhận định: “Thông thường các cuộc khủng hoảng đối nội hay đối ngoại đều mang lại cho các tổng thống cơ hội thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, giải quyết vấn đề, gia tăng sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên cách thức mà ông Trump đối mặt đã làm mất đi sự ủng hộ của rất nhiều người về cuộc khủng hoảng này. Bây giờ, nếu có giải quyết ổn thỏa, ông ấy cũng không bao giờ tìm lại được lòng tin của người dân”.
Theo thăm dò của Viện Gallup, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống D. Trump chỉ còn 35% - một con số đáng báo động.
(còn tiếp)

Các tin khác