Nhà trắng trong cuộc nội công ngoại kích (Kỳ 2)

(ĐTTCO) - Nhà Trắng hiện nay không chỉ sa vào cuộc đối đầu rối rắm với Triều Tiên, thách thức vai trò “cầm lái” của mình trước các đồng minh, mà ngay tại Hoa Kỳ, vị thế của tổng thống cũng đang chao đảo với các cuộc công kích nội bộ căng thẳng. 
CNN đưa tin nghị sĩ Đảng Dân chủ Jackie Speier vừa bày tỏ lo ngại trước sức khỏe tinh thần của Tổng thống D. Trump, cho biết: “Khả năng thực hiện nghĩa vụ tổng thống của ông Trump là điều các thành viên cả 2 đảng (Dân chủ, Cộng hòa) bàn tán rất nhiều trong thời gian qua. Có một núi bằng chứng cho thấy hành động của ông rất thất thường, cần phải được bãi chức theo Tu chính án thứ 25 của Hoa Kỳ, vì tổng thống không thể thực thi nghĩa vụ điều hành đất nước”.

Kỳ 2: Cuộc chiến nội bộ xứ cờ Hoa

Uy tín giảm sút
Thượng nghị sĩ Jackie Speier đưa ra nhận định: Trong một loạt phát ngôn của Tổng thống về lửa cuồng nộ đối với lãnh đạo Triều Tiên, những luận điệu trái ngược về cuộc bạo động ở Charlottesville (Hoa Kỳ) và việc ông ta gần như sỉ nhục nhiều người khi nói về cảm nhận của mình về vụ việc này, cho thấy tổng thống thiếu tầm nhìn và khả năng giải quyết vấn đề.
Nếu xem lại những cuộc phỏng vấn ông ta 6 năm trước, có thể thấy rằng câu nói nào của ông Trump cũng rõ ràng. Trong khi giờ đây ông khó khăn đưa ra từng từ một và rồi nói sang câu sau nội dung khác hẳn câu trước. Bà Jackie nhấn mạnh: “Với tôi đó là dấu hiệu cho thấy ông ta đang có vấn đề. Và rất lo ngại khi ông ta là người đặt tay lên cái nút bấm có thể phóng đầu đạn hạt nhân ra khắp thế giới”.
Điều trớ trêu là lời kêu gọi ông Trump từ chức xuất phát từ những người rất uy tín và quyền lực. Cựu Giám đốc tình báo Quốc gia James Clapper vốn là một thiếu tướng không quân từng phục vụ rất nhiều vị trí cấp cao trong ngành tình báo Hoa Kỳ, trả lời CNN cho rằng: “Tôi thật sự nghi ngờ khả năng và sự thích hợp của ông ta ở cương vị này. Tôi cũng bắt đầu tự hỏi về động cơ ông ta muốn làm tổng thống”.
Ông Clapper dẫn chứng phát ngôn của ông Trump trong một cuộc tuần hành cuối tháng 8 tại Phoenix (Arizona): Tổng thống nhưng phát biểu tùy tiện, không cần máy phóng đại chữ, ông đe dọa đóng cửa chính phủ liên quan chuyện chi phí xây tường biên giới Mexico, hủy bỏ thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ, có thể ân xá cho cựu cảnh sát trưởng Joe Arpaio vì bị buộc tội coi thường tòa án. Đây là những phát ngôn đáng lo ngại nhất mà ông từng nghe, chứng tỏ tổng thống thiếu kiến thức, lương tâm và đạo đức; gây sợ hãi trong công chúng.
Ông Clapper cho rằng vì vậy ông cảm thấy rất lo lắng chuyện ông Trump có quyền tiếp cận mã số hạt nhân của Hoa Kỳ. “Trong cơn tức giận ông ấy quyết định làm gì đó với ông Kim Jong-un, thật sự rất ít khả năng ngăn chặn được. Toàn bộ hệ thống vũ khí chiến lược được xây dựng để đảm bảo phản ứng nhanh nếu cần thiết. Vì thế kiểm soát được việc quyết định thực thi phương án hạt nhân nếu có biến cố xảy ra, là cực kỳ hệ trọng và đáng sợ” - ông Clapper nói.
8 tháng sau khi D. Trump nhậm chức tổng thống, Hoa Kỳ vẫn sôi sục với những cuộc biểu tình, tuần hành phản đối, kiện tụng liên miên. Mới đây nhất là việc hủy bỏ Chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ khi còn nhỏ (DACA) của Tổng thống D.Trump. Việc này đã dấy lên cuộc biểu tình, phản đối khắp trong nước và khu vực Mỹ Latin khi 800.000 thanh niên nhập cư, lớn lên ở Hoa Kỳ sẽ đối diện với tương lai bất định.
Những tập đoàn hàng đầu như Apple, Facebook, Microsoft, Google… từ lâu đã phản đối chính sách nhập cư vì phụ thuộc rất nhiều vào lao động trẻ từ nhiều nước, nay càng phản đối, kêu gọi Quốc hội hành động bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi. Cựu Tổng thống B. Obama đã chỉ trích quyết định này là sai lầm, độc ác khi nhắm vào những người trẻ tuổi chưa làm gì sai trái. Nhiều chính khách trong Đảng Cộng hòa cũng cho rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại giá trị văn hóa truyền thống Hoa Kỳ. Ngày 6-9, 15 tiểu bang và Washington DC đâm đơn kiện quyết định của tổng thống, cho rằng “Có động cơ phân biệt đối xử”.
Tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết của ông Mick Mulvaney, Giám đốc Ngân sách của Tổng thống D. Trump, cho rằng mục tiêu của Nhà Trắng là duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời đặt tên cho chương trình kinh tế của ông Trump là MAGA Nomics - viết tắt theo khẩu hiệu “Make America Great Again” (làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Diễn biến thực tế có đúng như vậy? Hãng tin CNN đăng báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, dẫn công bố của IMF cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang giảm độ phụ thuộc vào Hoa Kỳ, Anh và tăng mạnh vào các nước Eurozone, Canada, Nhật Bản… IMF dự báo kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và năm tới, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 2,3% (2017) và 2,5% (2018) đưa ra vào tháng 4 năm nay.
Nhà trắng trong cuộc nội công ngoại kích (Kỳ 2) ảnh 1 Cơn bão và trận lụt thế kỷ đổ vào Texas gây thiệt hại nặng, thử thách khả năng khắc phục thiên tai của Nhà Trắng. 
Nội bộ xào xáo, bất ổn
Vì sao các chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ giảm? Khi nhậm chức tổng thống, D. Trump bắt đầu tiến trình thực hiện những lời hứa kích cầu tăng trưởng bằng việc nới lỏng tài khóa và các quy chế của B. Obama giám sát chặt chẽ các ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2007. Ý định của Trump khó thực hiện, đang bị chống đối ngay tại cơ quan đầu não.
  Tổng thống V.Putin điểm cao hơn
Tổng thống D. Trump

Hãng thông tấn RT đưa tin một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu PEW (Hoa Kỳ) cho thấy kết quả: Tại nhiều quốc gia được khảo sát, Tổng thống Nga Putin tạo được niềm tin lớn hơn so với Tổng thống Hoa Kỳ Trump.
Cuộc khảo sát này là một phần của dự án nghiên cứu về hiểm họa an ninh trên khắp thế giới do PEW tổ chức, khảo sát tại 36 quốc gia. Theo đó, nhiều nước khối EU tín nhiệm ông Putin cao hơn ông Trump. Tại châu Á, các đồng minh thân cận Hoa Kỳ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tin tưởng Tổng thống Putin hơn. Các nước Nam Mỹ có tỷ lệ ủng hộ Putin cao hơn hẳn. Các nước Australia, Canada và Anh tin ông Trump hơn, song cách biệt chỉ khoảng 2-3%.
Tính chung, ông Putin có tỷ lệ tín nhiệm ở 23 quốc gia; ông Trump vượt Tổng thống Nga chỉ ở 13 nước.
Bà Janet Yellen, Chủ tịch FED, phát biểu: “Các nghiên cứu cho thấy rằng những cải cách then chốt mà chúng ta theo đuổi đã thúc đẩy mạnh mẽ sự vững vàng của hệ thống, không hề hạn chế các nguồn vốn tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Bà Yellen bác bỏ quan điểm nới lỏng quy chế giám sát, nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia phân tích kinh tế - tài chính và ngay cả Hiệp hội các Ngân hàng Hoa Kỳ.
Bà Yellen, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, có vẻ không màng việc có được bổ nhiệm lại vị trí Chủ tịch FED sắp tới. “FED gửi đi một thông điệp cứng rắn, cho rằng họ gần như chẳng đồng tình với quan điểm nào mà Nhà Trắng mong muốn” - tổ chức Phân tích Tài chính liên bang nhận xét.
8 tháng sau khi cầm quyền, ê kíp các bộ đầu não của Nhà Trắng vẫn chưa định hình để triển khai ý tưởng và chính sách của ông chủ mới.
Sebastian Gorka, một cố vấn an ninh quốc gia có lập trường cứng rắn về khủng bố và nhập cư, đã từ chức và tuyên bố đang có sự đối đầu nội bộ, bị phá hoại ngầm trong thời gian qua. Những quan chức hàng đầu chỉ trong thời gian làm việc ngắn ngủi đã rời Nhà Trắng, như Thư ký báo chí Sean Spicer, Chánh văn phòng Reince Priebus, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, Giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci mới được bổ nhiệm chỉ trong 10 ngày… Việc Steve Bannon - chiến lược gia trưởng của Tổng thống D. Trump, người cổ súy tư tưởng cực hữu và chủ nghĩa dân túy giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống - rời khỏi Nhà Trắng, là việc gây bất ngờ đối với công chúng và cả giới phân tích. Steve Bannon là hiện thân kế hoạch hành động của Tổng thống, với sự ra đi của ông, không có gì đảm bảo D. Trump sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch hành động với học thuyết dân túy “Nước Mỹ là trên hết”!?
Còn thái độ những người đang làm việc cho tổng thống thì sao? Vụ việc bạo loạn tại thành phố Charlottesville làm một phụ nữ thiệt mạng và hàng chục người bị thương, Tổng thống D. Trump vừa phản ứng chậm chạp, vừa không dám nêu đích danh nguồn gốc phát sinh bạo loạn, bị công luận phản ứng mạnh mẽ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson lên án nạn phân biệt chủng tộc và “những người bảo vệ hay chấp nhận nó”, đối lập với bình luận của Tổng thống. “Lời nói của Tổng thống chỉ đại diện cho cá nhân ông ấy” - ông Tillerson phát biểu, cho thấy phần nào sự bất đồng với ông chủ Nhà Trắng trong đối nội và đối ngoại.

Điều gì khiến Tổng thống D. Trump và đội ngũ cố vấn có phát biểu trái ngược nhau? Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis ngày 30-8 đã bày tỏ quan điểm khác biệt  với Tổng tư lệnh của mình về vấn đề liên quan tới chương trình tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. Sau sự cố này, Tổng thống đăng trên mạng xã hội Twitter cho rằng “đối thoại không phải là câu trả lời với Bình Nhưỡng”, chỉ vài giờ sau ông Mattis trả lời báo giới, nói “chúng ta không bao giờ hết các giải pháp ngoại giao”. Reuters dẫn lời nhà sử học Michael Beschloss: “Tôi chưa từng thấy một tổng thống đương đại với hàng loạt quan chức cấp cao quanh tổng thống có cự ly khoảng cách xa như vậy. Những cố vấn này muốn bảo vệ uy tín của họ”.

Trong cơn địa chấn
Nói điều này không phải từ cơn bão Harvey đổ bộ, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD và 2 cơn bão khác với tốc độ gió rất mạnh cũng đang đe dọa miền Nam Hoa Kỳ (Irma và Jose), mà là tình hình rối ren của Nhà Trắng làm người dân thật sự nghi ngại. Trên mạng xã hội, người ta bày tỏ: “Cuối năm trước chúng tôi thức đến nửa đêm để chờ nghe kết quả bầu cử, chia sẻ sự phấn khích và vui mừng chiến thắng trước vị tổng thống mới sẽ điều hành hành pháp và cả lưỡng viện. Người dân Hoa Kỳ muốn xã hội thay đổi, lấy lại vị thế nước Mỹ; bỏ qua tai tiếng một người có lịch sử nhiều vợ lắm nhân tình, có tật sàm sỡ… Nay thì sao, tôi là một trong số 65% người vỡ mộng, không còn ủng hộ ông Trump nữa”.
Ông D. Trump luôn công kích giới truyền thông, bởi lẽ họ đưa ra những lời nói, cách hành xử của ông chứng tỏ Hoa Kỳ đang được lãnh đạo bởi một kẻ có tâm thức không bình thường, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, giới tính. Đến nay người dân nhận rõ ra vấn đề: Người giàu sẽ giàu hơn vì được phép làm những điều khôn ngoan như Trump. Kẻ nghèo sẽ nghèo hơn nữa vì chiếc bánh vẽ tương lai hùng mạnh mà thực tế chưa có kế hoạch nào khả thi. Nhà sản xuất chương trình Apprentice trong chiến dịch tranh cử, ông Bill Pruitt mới đây bày tỏ sự hối tiếc vì đã đánh bóng tên tuổi doanh nhân Trump trước công chúng.
Ông giải thích trên tờ Vanity Fair: Các nhà sản xuất chương trình đã lồng ghép một câu chuyện ngụy tạo về một tỷ phú với đế chế hùng mạnh, mà thực tế đang đổ nát vào thời điểm đó; là một cú lừa công chúng để đổi lấy lượt xem!
Một người đã nêu tâm sự cay đắng trên mạng xã hội ở Hoa Kỳ: “Xã hội sẽ bất ổn khi tính khí bùng phát theo dạng tâm thần của người lãnh đạo. Khi những thứ bất thường trở nên phi thường thì sự đảo lộn của cuộc sống là việc ắt hẳn sẽ xảy ra. Chúng tôi đang ngồi trên chiếc thuyền mà thuyền trưởng chưa bao giờ lái, không biết cách lái tàu, nên chỉ biết cầu nguyện đừng có sóng to và bão tố”.

Các tin khác