Nóng bỏng Đông Bắc Á (Kỳ 1): Súng đã lên nòng?

(ĐTTCO) - LTS: AFP ngày 7-10 đưa tin, tại một sự kiện ở bang Indiana, Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump phát biểu: “Trong suốt 25 năm qua, các vị tổng thống tiền nhiệm đã đạt được nhiều thỏa thuận với Triều Tiên và nhiều khoản tiền khổng lồ đã được chi ra, nhưng không có kết quả...
 Các thỏa thuận liên tục bị vi phạm, các nhà thương thuyết của Hoa Kỳ bị giễu cợt. Chỉ còn có một thứ sẽ có tác dụng”. Ông Trump không nói rõ “một thứ” là gì, nhưng luôn phản đối mạnh mẽ việc thương lượng. Các nhà quan sát cho rằng ông đang có xu hướng nghiêng về hành động quân sự trước sự khiêu khích trắng trợn của Triều Tiên.
Phô diễn lực lượng
Hoa Kỳ điều động tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan, đã áp sát bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận với hải quân Hàn Quốc, sau khi đã tập trận với tàu chiến Nhật Bản ở vùng biển phía Nam bán đảo Triều Tiên. Nhóm tham gia tập trận là lực lượng khá hùng hậu gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và 4 tàu khu trục và 2 tàu ngầm; 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer với sự hộ tống của tiêm kích F-15C, đã bay vào không phận quốc tế trên vùng biển phía Đông Triều Tiên phô trương lực lượng.
Báo Chosun Ilbo của Nhật Bản bình luận: Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng tiến hành hành động quân sự cứng rắn nhất từ trước đến nay. Đưa một nhóm tàu vượt qua đường giới hạn phía Bắc (NLL) - đường phân định vùng biển tranh chấp giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trên biển Hoàng Hải, từ đó hạm đội có thể dùng thuyền đổ bộ binh sĩ và khí tài lên bờ biển phía Bắc Triều Tiên, trực tiếp đe dọa thủ đô Bình Nhưỡng.
Trong trạng thái đáp trả, Triều Tiên tuyên bố sẽ “hủy diệt hoàn toàn” lực lượng quân sự Hoa Kỳ hiện đang đến gần nước này, gồm cả tàu sân bay R. Reagan. Hãng thông tấn nhà nước KCNA phát đi thông tin: Các lực lượng quân sự Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực đang nằm trong tầm ngắm của quân đội nước này, sẽ là mục tiêu bị hủy diệt. Triều Tiên cũng yêu cầu Hoa Kỳ rút hết lực lượng trú đóng tại Hàn Quốc, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả. Để đáp trả mạnh mẽ hơn, Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công lục địa Hoa Kỳ và láng giềng Hàn Quốc!

Giới phân tích đang chăm chú theo dõi, bày tỏ lo ngại Triều Tiên có thể sắp thử bom nhiệt hạch với sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay, hoặc ít nhất sẽ tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo sau khi tạm ngưng từ 15-9. Nếu được phóng từ bờ biển Triều Tiên, tên lửa đạn đạo sẽ bay đến vùng biển giữa Thái Bình Dương và được kích nổ ngay trên bầu trời.
Biên tập viên Harry Kazianis của tờ National Interest nhận định, Triều Tiên sớm muộn cũng phải thử tên lửa trong điều kiện chiến trường. Bởi việc phóng tên lửa thẳng đứng bay cao hàng ngàn km đến địa điểm rồi phát nổ, không phải là cách sử dụng hiệu quả nếu chiến tranh nổ ra. Họ cần vũ khí uy lực và tầm sát thương lớn hơn.
Nóng bỏng Đông Bắc Á (Kỳ 1): Súng đã lên nòng? ảnh 1 Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ áp sát bán đảo Triều Tiên sẵn sàng cho hành động quân sự.
Mệt mỏi cuộc khẩu chiến
Trước lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” hoặc “Triều Tiên sẽ không còn trụ được lâu” của D. Trump, Kim Jong-un vẫn tự tin với những tuyên bố đầy khiêu khích, chứng minh với người dân rằng Bình Nhưỡng không chịu khuất phục trước dọa dẫm của ngoại bang.
Điều khó đoán là tương quan vũ khí khi Triều Tiên đối đầu quân sự với Hoa Kỳ đến đâu? Về lý thuyết, các hệ thống tên lửa phòng không Triều Tiên như KN-06 hay S-200 có thể đạt tầm bắn khoảng 250km nhưng hệ thống rada và kỹ thuật dẫn bắn của họ khó có thể chống lại công nghệ gây nhiễu hiện đại trên các máy bay hộ tống của Hoa Kỳ. Uy lực thực tế đội máy bay chiến đấu của Triều Tiên cũng là một thách thức. Nếu vẫn dùng phi đội tiêm kích MIG được trang bị trước kia, Triều Tiên sẽ khó trụ vững trước các thế hệ chiến đấu cơ tối tân của Hoa Kỳ.
Khả năng chiến tranh có xảy ra hay không vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng ngoài những… cuộc khẩu chiến của cả hai bên, mặc dù tình thế cho thấy dường như súng đã lên nòng! Hơn tháng qua trên mặt báo thế giới tràn ngập các thông tin đoán định và dự báo. Giới chuyên gia quân sự bày tỏ, cho rằng với những tuyên bố đầy khiêu khích của hai bên, và với tính cách khó lường của D. Trump và thái độ không chịu lép của Kim Jong-un, có thể sẽ bùng lên xung đột bất ngờ ở khu vực Đông Bắc Á.
Thực tế cuộc khẩu chiến hai bên đã lên đỉnh điểm. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu một ngày sau khi D. Trump tuyên bố tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho rằng “Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, nói rằng ông xem lời đe dọa của Trump là ngớ ngẩn và vô nghĩa. Đáp trả biệt danh mới mà Tổng thống Trump đặt cho nhà lãnh đạo Triều Tiên là “người hỏa tiễn”, ông Ri Yong-ho dùng lời lẽ nặng nề: “Nếu ông ta nghĩ rằng có thể làm chúng tôi khiếp sợ bằng tiếng chó sủa, thì thật ra đó chỉ là ước mơ của một con cún”.
Thực sự xảy ra chiến tranh thì sao? Thời báo Los Angeles dẫn lời Chuẩn tướng không quân về hưu Role Givens phân tích: Khả năng xảy ra một cuộc chiến thông thường với Triều Tiên có tỷ lệ 50/50 và ít có khả năng xảy ra chiến tranh cấp độ hạt nhân. “Nhiều người Hoa Kỳ cho rằng xung đột với Triều Tiên cũng giống như cuộc chiến ở Iraq, Afganistan hoặc các chiến dịch ở Libya, Syria nhưng thực tế không phải vậy. Chỉ có một cách chấm dứt cuộc chiến là Triều Tiên phải bại trận” - chuẩn tướng Given phân tích.
Cái giá phải trả về nhân mạng cho chiến tranh cũng rất lớn, Phó Giám đốc dự án tên lửa phòng thủ tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế cho rằng sẽ có 20.000 người chết mỗi ngày; đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi các bên chưa sẵn sàng và chuẩn bị nhiều. Các chuyên gia ước tính Triều Tiên là nước sở hữu vũ khí hóa học nhiều thứ 3 trên thế giới, lên tới 5.000 tấn tác nhân hóa học. Nếu Triều Tiên dùng tới vũ khí hóa sinh thì thương vong còn nặng hơn nhiều, nhất là đối với láng giềng Hàn Quốc.
Nóng bỏng Đông Bắc Á (Kỳ 1): Súng đã lên nòng? ảnh 2 Triều Tiên có động thái chuyển tên lửa ra khỏi cơ sở lưu trữ để đối phó với căng thẳng leo thang. 
 Không đồng tình chiến tranh
Cuộc chiến nào cũng cần có đồng minh. Vậy người dân Hoa Kỳ và các nước trên thế giới có thái độ ra sao trước việc ông Trump ra lời kêu gọi “xóa sổ” Triều Tiên? Một khảo sát của Washington Post công bố mới đây cho thấy 67% người dân Hoa Kỳ ủng hộ tấn công Triều Tiên chỉ khi nước này chủ động khơi mào chiến tranh, 23% còn lại đồng tình với giải pháp tấn công phủ đầu nhằm loại bỏ mối đe dọa nhằm vào Washington và các đồng minh ở Đông Bắc Á.
Trong kịch bản Hoa Kỳ tấn công phủ đầu Triều Tiên, 82% người được hỏi cho rằng hành động này sẽ gây ra cuộc chiến quy mô lớn ở Đông Á với sự tham gia của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Về khả năng lãnh đạo cuộc chiến, chỉ có 37% người dân tin tưởng Tổng thống D. Trump sẽ kiểm soát được tình hình; 42% thì cho rằng “không tin tưởng một chút nào”.
Các cường quốc quân sự - kinh tế cũng tỏ thái độ không đồng tình tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cho rằng 2 bên cần tạm ngừng đấu khẩu, để những cái đầu nóng bình tĩnh lại. “Không thể chấp nhận việc im lặng nhìn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chiến tranh ở bán đảo này cũng là điều không thể chấp nhận” - ông Lavrov nói. Bộ trưởng Ngoại giao Nga kêu gọi thực hiện một tiến trình chính trị, cho rằng “Cùng với Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu vì một cách tiếp cận hợp lý chứ không cảm tính như khi 2 đứa trẻ mẫu giáo lao vào đánh nhau và không ai có thể ngăn được chúng!”.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng chỉ trích các tuyên bố đe dọa Bình Nhưỡng của Tổng thống D. Trump; cho rằng các biện pháp trừng phạt và giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên bàn đàm phán. Bà Merkel khẳng định bất kỳ giải pháp quân sự nào đưa ra đều không phù hợp.
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vasily Nebenzia cho rằng cần trở về vấn đề cơ bản: Nghị quyết mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi nước này thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6. “Hoa Kỳ đã kêu gọi Nga và Trung Quốc thực hiện càng sớm càng tốt các biện pháp trừng phạt của Nghị quyết 2375. Tuy nhiên, Nga cũng đang chờ đợi những biện pháp chính trị và ngoại giao từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh với những nội dung được đề cập trong văn kiện này” - ông Nebenzia bày tỏ.

 Sẵn sàng tình huống xấu nhất

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố ủng hộ việc Hoa Kỳ gia tăng sức ép với Triều Tiên khi nước này liên tục phát triển các chương trình hạt nhân, làm trái các cam kết trong các cuộc đàm phán về từ bỏ chương trình hạt nhân. “Họ đã lợi dụng xoay quanh đàm phán, đối thoại để kéo dài thêm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta không để họ lừa gạt thêm bất cứ lần nào nữa” - ông Abe nhấn mạnh. Trong khi đó, Hàn Quốc đang cân nhắc các biện pháp đối phó với việc Triều Tiên có thể tiến hành một cuộc tấn công bằng bom xung điện từ (EMP) làm tê liệt hệ thống kết nối máy tính. Một trong những biện pháp là xây dựng cơ sở hạ tầng chống EMP, có khả năng lưu trữ thông tin và các giao dịch cấp độ cao và an toàn hơn.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên, Chính phủ Anh đã lên phương án đối phó với nguy cơ diễn biến xấu nhất. Tàu sân bay mới nhất của lực lượng hải quân Anh, tàu HMS Queen Elizabeth được đưa vào hoạt động sớm hơn dự kiến và tiến hành các chuyến bay thử nghiệm trên tàu này. Bên cạnh đó các tàu khu trục hiện đại Type-45, Type-23 cũng đưa vào sử dụng nhằm “chuẩn bị để bảo vệ lãnh thổ Anh trong trường hợp chiến tranh xảy ra”.
(còn tiếp)

Các tin khác