Săn kho báu dưới đáy biển - Kỳ 2: San José: “Chén thánh” 17 tỷ USD

(ĐTTCO) - Năm 2015, chính phủ Colombia tuyên bố tìm ra 1 kho báu chìm dưới đáy biển, với trị giá lên tới 17 tỷ USD. Đây được cho là kho báu lớn nhất từng được phát hiện dưới đáy biển. Kho báu thuộc về con tàu San José của người Tây Ban Nha, bị nhấn chìm bởi đội tàu chiến của Anh vào năm 1708 tại vùng biển Caribbean (Bắc Mỹ).

Chuyên chở kho báu
San José là con tàu thuộc quyền sở hữu của nhà vua Philip V (Tây Ban Nha). Đó là một tàu galleon (tàu chở hàng có vũ trang) mang 64 khẩu súng pháo, 3 cột buồm của Hải quân Tây Ban Nha. Nó được hạ thủy vào năm 1698. San José được thiết kế bởi Francisco Antonio Garrote và được Pedro de Aróstegui đóng tại xưởng đóng tàu ở Mapil, Usurbil, Tây Ban Nha. Việc đóng tàu bắt đầu vào năm 1697 và kết thúc vào năm 1698. Pedro de Aróstegui đã đóng cùng lúc 2 tàu và đặt tên cho chúng là San José và San Joaquín. 
San José và San Joaquín là một phần của hạm đội kho báu Tây Ban Nha trong Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, dưới thời Tướng Jose Fernández de Santillán, Bá tước của Casa Alegre. Trong chuyến đi cuối cùng của mình, San José ra khơi trong vai trò như một hạm đội của hạm đội kho báu gồm 3 tàu chiến Tây Ban Nha và 14 tàu buôn đi từ Portobelo, Panama đến Cartagena, Colombia. Tàu có nhiệm vụ chở kim loại quý khai thác từ các thuộc địa Peru và Bolivia trở về Tây Ban Nha nhằm giúp bổ sung nguồn lực tài chính cho cuộc chiến Kế vị chống lại Anh quốc. Con thuyền San José do thuyền trưởng Jose Fernandez de Santillan chỉ huy dưới sự hộ tống của hai chiến thuyền khác mang tên “San Joaquin” và “Santa Cruz”. Đây là thời đại vàng son của đế quốc Tây Ban Nha khi tiến hành gây chiến và cướp bóc của cải từ các nước Mỹ - Latinh.
Vào ngày 8-6-1708, hạm đội chạm trán một phi đội người Anh gần Barú, dẫn đến một trận chiến được gọi là Hành động của Wager’s. Trong trận chiến, kho thuốc súng của San José đã phát nổ, phá hủy con tàu cùng với hầu hết thủy thủ đoàn trên tàu và vàng, bạc, ngọc lục bảo và đồ trang sức thu được ở các thuộc địa Nam Mỹ để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của nhà vua Tây Ban Nha. Trong số 600 người trên tàu, chỉ có 11 người sống sót. Con tàu này bị đắm ở vùng biển Caribbean, ngoài khơi thành phố cảng Cartagena (Colombia) ngày nay. 
Săn kho báu dưới đáy biển - Kỳ 2: San José: “Chén thánh” 17 tỷ USD ảnh 1 Vàng bạc bên trong con tàu. 

Tranh chấp quyền sở hữu
Vào thời điểm đắm tàu, San José mang trên mình một kho báu khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD, dựa trên suy đoán rằng nó có tới 11 triệu đồng 4 đô la (11 triệu 8 đồng vàng escudos, 11 triệu xu 27g vàng 92% với tổng trị giá 8,8 triệu troy hoặc 11,5 tỷ USD) và nhiều đồng bạc trên tàu tại thời điểm chìm, tương tự như tàu chị em còn sống sót của nó, San Joaquín. Bạc và vàng được lấy từ các mỏ của Potosí, Bolivia. Với số châu báu khổng lồ như vậy, nên San José được gọi là “Chén thánh tàu đắm”. Trong nhiều năm, việc truy tìm con tàu này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của giới khảo cổ học và những người săn tìm kho báu ở khu vực này.
Một nhóm các nhà đầu tư từ Mỹ có tên Glocca Mora Co. hoạt động dưới tên “Sea Search Armada” (SSA) tuyên bố đã tìm thấy con tàu ngoài khơi Colombia vào năm 1981. Xác tàu được phát hiện bị chôn vùi gần quần đảo Rosario thuộc hải phận Colombia, nhưng Colombia đã từ chối ký đề nghị chia phần 65%-35% của Glocca Mora Co. và từ chối cấp phép cho SSA thực hiện các hoạt động trục vớt đầy đủ tại địa điểm tàu đắm. Quốc hội Colombia sau đó đã thông qua một đạo luật trao cho nhà nước quyền đối với tất cả các kho báu trong lãnh thổ và lãnh hải, chỉ để lại cho SSA phí tìm kiếm 5%, nhưng bị đánh thuế ở mức 45%. SSA đã kiện Colombia tại tòa án của nước này vào năm 1989. Vào tháng 7-2007, Tòa án Tối cao Colombia đã kết luận rằng bất kỳ kho báu nào được thu hồi sẽ được chia đều giữa chính phủ Colombia và các nhà thám hiểm. Không hài lòng với phán quyết đo, Sea Search Armada sau đó đã khởi kiện Colombia tại tòa án Mỹ, nhưng vụ kiện đã bị bác bỏ hai lần vào năm 2011 và 2015 vì lý do kỹ thuật, và chiếc tàu đã được tuyên bố là tài sản của nhà nước Colombia. Chính phủ Colombia từ chối xác minh chiếc galleon nằm ở tọa độ được nêu trong vụ án.
Vào ngày 27-11-2015, đến lượt Hải quân Colombia tuyên bố tìm thấy xác galleon San José, mặc dù phát hiện này không được Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos công bố cho đến ngày 5-12. Để tìm ra con tàu, theo Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI), các chuyên gia đã sử dụng một robot tự động dưới nước có tên The REMUS 6000 - cũng là robot giúp tìm kiếm tàu đắm 447 của Không quân Pháp hồi năm 2011. Robot này sử dụng Hệ thống Thăm dò Khu vực (Systemic Regional Prospection) với công nghệ sóng siêu âm và phát hiện ra một số tín hiệu đặc trưng của con tàu. Những tín hiệu này sau đó đã được chính thức xác nhận sau khi một số bức ảnh về “các họng pháo bằng đồng” được gửi về từ đáy biển. Một số cấu trúc của tàu như cột buồm cũng được xác thực. Kỹ sư dẫn đầu nhóm thám hiểm là Mike Purcell của WHOI cho hay: “Con tàu đắm đã bị lớp cặn trầm tích bao phủ, nhưng với hình ảnh camera có dộ phân giải cao, chúng ta có thể nhìn thấy chi tiết con tàu, thậm chí cả hoa văn trạm trổ trên súng đại bác”.
Colombia đã tuyên bố tàu San José là một phần của di sản đất nước, do đó chính phủ có nghĩa vụ để bảo vệ và bảo tồn con tàu. “Đây là khám phá di sản dưới đáy biển vĩ đại nhất lịch sử của nhân loại” - Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói. Chính phủ Colombia đã phân loại các thông tin liên quan đến vị trí của San José là bí mật quốc gia. Trong khi đó, Chính quyền Tây Ban Nha cho rằng tàu San José được thiết kế, đóng, hạ thủy và treo cờ Tây Ban Nha nên vẫn là tài sản của nước này. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) cũng đã thông báo Chính phủ Colombia không được khai thác thương mại xác tàu.

Bảo tồn
Viện Nhân chủng học và Lịch sử Colombia (ICANH) là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát tất cả địa điểm khảo cổ ở Colombia. Giám đốc ICANH, Ernesto Montenegro, tuyên bố các nghiên cứu về đất và biển đang được thực hiện để kiểm tra các phương pháp khai thác di sản của con tàu. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cũng tuyên bố một bảo tàng sẽ được xây dựng ở Cartagena để lưu trữ những đồ vật bị đắm cùng San José. 
Vào ngày 16-12-2015, Văn phòng Tổng Thanh tra Colombia yêu cầu nhà nước và các bên còn lại có trách nhiệm lưu trữ thông tin kỹ lưỡng về việc thăm dò và can thiệp đối với tàu San José, yêu cầu việc lưu trữ tài liệu phải được giao cho Bộ Văn hóa, là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về di sản văn hóa dưới nước. Tổng thanh tra cũng yêu cầu khoản tiền là các đồng xu, vàng thỏi và đá quý phải được trao cho Ngân hàng Trung ương Banco de la República để bảo quản. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Colombia Mariana Garcés Córdoba tuyên bố sẽ thành lập các phòng thí nghiệm để nghiên cứu chính xác vụ đắm tàu và những thứ mang theo nó.
 Sau hơn 300 năm biến mất, San José một lần nữa lộ diện và kéo theo tranh cãi gay gắt về việc ai sẽ có quyền sở hữu kho báu trên tàu. Liệu tài sản khổng lồ dưới đáy Đại Tây Dương thuộc về Colombia hoặc Tây Ban Nha? Với lượng tài sản lớn hơn gấp nhiều lần được cho chứa bên trong San Jose, cuộc chiến pháp lý liên quan tới số phận của con thuyền này sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

(Còn tiếp)

Các tin khác