Trung Quốc kết thúc chu kỳ tăng trưởng?-Kỳ 2:Dấu hiệu ngày càng rõ

(ĐTTCO) - Nhà kinh tế Anh Michael Schuman đã có bài viết trên Bloomberg Businessweek, cảnh báo về một cuộc “khủng hoảng tài chính mang màu sắc Trung Quốc”. 
Cuộc khủng hoảng này không chỉ đơn thuần về tốc độ tăng trưởng hiện tại chậm lại, mà tất cả các đèn cảnh báo cho thảm họa đã nhấp nháy màu đỏ: bong bóng nhà đất, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp từ thép đến sản xuất tấm pin mặt trời, đáng lo ngại nhất là sự tích tụ nợ ở mức khổng lồ. 
Sản xuất trì trệ, nợ gia tăng
Theo báo cáo sơ bộ, trong số hơn 2.400 công ty Trung Quốc đã đưa ra con số tạm tính về kết quả kinh doanh năm 2018, có 33% số công ty báo lỗ. Các chỉ số kinh tế quan trọng như sản xuất công nghiệp, bán xe hơi, bán lẻ và đầu tư đều giảm xuống mức thấp trong nhiều năm. Thị trường ô tô khổng lồ của quốc gia tỷ dân đã giảm lần đầu tiên trong vòng 20 năm, và doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 1 thập niên. 
Trong tháng 1-2019, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất 3 năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI Caixin/Markit tháng 1 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc giảm còn 48,3, tệ nhất kể từ tháng 2-2016, từ mức 49,7 hồi tháng 12-2018. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp PMI Caixin/Markit giảm. Các nhà phân tích trước đó dự báo PMI Caixin/Markit tháng 1 là 49,5. (PMI là khảo sát các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh. Số liệu này là một trong những thông tin đầu tiên giúp xác định tình hình kinh tế, thường được công bố hàng tháng).
Trung Quốc kết thúc chu kỳ tăng trưởng?-Kỳ 2:Dấu hiệu ngày càng rõ ảnh 1 Hiện gần 22% nhà ở đô thị của Trung Quốc, tương đương hơn 50 triệu ngôi nhà, đang bị bỏ trống.  
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tổng số nợ so với sản lượng quốc gia của Trung Quốc đã tăng lên tới mức 253% vào giữa năm 2018, từ mức chỉ 140% một thập niên trước đó. Không nền kinh tế mới nổi nào kể từ những năm 1990 trải qua quá trình tăng nợ quá mức như vậy lại thoát khỏi được thảm họa tài chính. Trung Quốc sẽ phải thách thức lịch sử nếu muốn tránh được một thảm họa nợ nần. Giải cứu hệ thống ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ đòi hỏi phải có chương trình cứu trợ tài sản xấu khổng lồ. 
Có thể hình dung sơ bộ chi phí sẽ lớn như thế nào nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Indonesia đã phải chi 57% tổng sản phẩm quốc nội cho việc tái cấu trúc sau khủng hoảng năm 1997. Chính phủ Hàn Quốc đã chi tương đương 31% GDP để cứu hệ thống tài chính của mình sau cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu sử dụng mức đó để tham khảo, chi phí Trung Quốc phải bỏ ra có thể đạt 3.800 tỷ USD hoặc nhiều hơn. 
Tổng nợ quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến 28.000 tỷ USD vào năm 2016 - theo phân tích của tờ Financial Times vào tháng 4-2016 - vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc. Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, lên đến 4.000 tỷ USD vào năm 2016 và giảm xuống còn khoảng 3.000 tỷ vào năm 2018. Thực ra con số 3.000-4.000 tỷ USD này chỉ bằng 1/7 đến 1/9 so với gánh nặng tổng nợ quốc gia 28.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà phân tích ở Hồng Công cũng cho rằng, GDP thực sự ở Trung Quốc không thể tăng đến 7% như báo cáo, chỉ khoảng 4-5% hàng năm.

Thị trường chứng khoán lao dốc
Từ năm 2015 đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải liên tiếp lao dốc và suy giảm, mất hơn 40% giá trị so với đỉnh cao nhất của nó vào năm 2015. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đổ ra hàng trăm tỷ USD để vực dậy chứng khoán, nhưng chỉ khiến quỹ dự trữ ngoại hối nước này giảm mạnh, trong khi vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy biểu đồ các chỉ số chứng khoán Trung Quốc sẽ phục hồi. Bước sang 2019, thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ phục hồi yếu, sau khi trở thành thị trường lớn có mức giảm mạnh nhất thế giới trong 2018. 
Ngày 31-1, Trung Quốc đã phải công bố điều chỉnh một loạt quy chế giám sát nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán "đỏ ngầu" của nước này. Theo đó, một loạt biện pháp được Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đưa ra, bao gồm xóa bỏ ngưỡng giải chấp tự động, cho phép sử dụng thêm nhiều dạng tài sản thế chấp đối với một số loại khoản vay nhất định, giảm yêu cầu về vốn đối với những tài sản có độ rủi ro cao hơn, nới lỏng quy định về cách thức sử dụng vốn của nhà đầu tư nước ngoài… CSRC cũng đã cách chức chủ tịch cũ do chịu trách nhiệm về những đợt giảm điểm mạnh của chứng khoán Trung Quốc xảy ra, và bổ nhiệm chủ tịch mới là ông Yi Huiman. 
Nhiều điều chỉnh trong số này nhằm vào hoạt động cho vay, có thể bởi CSRC lo ngại sự lặp lại của những gì xảy ra vào năm 2015, khi chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa do hoạt động giải chấp diễn ra ồ ạt. Ở thời điểm hiện tại, hoạt động tín dụng đang bị thắt chặt trên toàn Trung Quốc do Chính phủ nước này nỗ lực kiềm chế sự gia tăng của khối nợ khổng lồ trong nền kinh tế. Năm ngoái, số vụ vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc cao chưa từng thấy. Lượng vốn vay cầm cố chứng khoán ở Trung Quốc hiện đã lên tới 645 tỷ USD, tương đương 10% tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này. Lượng vốn vay khổng lồ như vậy trở thành mối lo ngày càng lớn đối với cơ quan chức năng, bởi giá cổ phiếu đã giảm sâu.
Nguy cơ bong bóng bất động sản
Hiện gần 22% nhà ở đô thị của Trung Quốc, tương đương hơn 50 triệu ngôi nhà, đang bị bỏ trống. Đây là viễn cảnh tồi tệ đối với các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Không quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ bỏ trống nhà nhiều như Trung Quốc. Và nó thật sự nguy hiểm khi những ngôi nhà này bị bán tháo.
Một khảo sát thực hiện năm 2017 cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà đất còn khá giới hạn, dù giới lãnh đạo Trung Quốc nhận định đây là mối đe dọa then chốt đối với sự ổn định của xã hội và tài chính. Giá nhà dao động liên tục, đồng nghĩa hàng triệu người đang bị đẩy ra khỏi thị trường này, làm tăng sự bất bình đẳng.
Nạn đầu cơ nhà đất đã làm giới lãnh đạo Trung Quốc đau đầu nhiều năm nay. Một số tỉnh và thành phố đã siết chặt việc hạn chế mua nhà. Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu rằng nhà cửa được xây để ở, không phải để đầu cơ. Bong bóng nhà đất hiện nay có thể để lại hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Trung Quốc. Ông Kaiji Chen, chuyên gia kinh tế Đại học Emory, nhận định việc này gây nên tình trạng thiếu nguồn cung, tăng áp lực lên giá và khiến người mua trẻ tuổi không có khả năng mua nhà.
Theo số liệu từ hãng cung cấp lưới điện State Grid Corp., các đô thị vừa và nhỏ của Trung Quốc có tỷ lệ nhà bỏ trống 13% năm 2018. Hồi tháng 10, ông Qiu Baoxing, cựu Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc, cho biết tỷ lệ này ở Bắc Kinh khoảng 10-20%. Con số này cao hơn so với nhiều nước có các loại thuế đối với nhà ở không sử dụng.
 Cuộc khủng hoảng của Trung Quốc liên quan đến các khoản nợ xấu, các tập đoàn phải phá sản… Nó không chỉ khiến tăng trưởng kinh tế đang chững lại, mà về tương lai nước này có thể khó đảm bảo được sự chuyển dịch cơ cấu cần thiết để đứng vào hàng ngũ các cường quốc có nền kinh tế tiên tiến nhất. Đây còn là cơ sở để xác định Trung Quốc sẽ đóng vai trò như trụ cột của tăng trưởng toàn cầu, hay là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính thế giới.
GS. Gan Li, Đại học Tài chính - Kinh tế Tây Nam Thành Đô,  tỉnh Tứ Xuyên 

Các tin khác