Trung Quốc mộng-Siêu cường thế giới (K1):Xác lập tư tưởng Tập Cận Bình

(ĐTTCO) - LTS: Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa bế mạc, ra nghị quyết nêu rõ: Trong 5 năm qua Trung ương Đảng với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới.

Đồng thời ban hành nhiều phương châm chính sách quan trọng, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại, thúc đẩy sự nghiệp của Đảng và Nhà nước biến đổi mang tính lịch sử. Đáng chú ý Đại hội 19 ĐCSTQ đã thông qua Điều lệ Đảng, nhất trí xác lập “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, cùng với chủ nghĩa-tư tưởng Mao Trạch Đông sẽ trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận, là kim chỉ nam hành động của ĐCSTQ.

Thông điệp mạnh mẽ
Ngay sau lễ khai mạc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, đồng thời đưa ra chính sách phát triển trong thời gian tới. Với tầm nhìn mới, ông Tập Cận Bình đưa ra thông điệp mạnh mẽ, xác định mục tiêu đến năm 2020 Trung Quốc trở thành “xã hội thịnh vượng trung bình”, năm 2035 là “quốc gia chủ nghĩa xã hội giàu có và hùng mạnh hàng đầu thế giới” và đến năm 2050 trở thành “cường quốc dẫn đầu thế giới”.
Ông Tập cũng đề ra “Giấc mơ Trung Hoa”, xây dựng một “Trung Quốc xinh đẹp” đạt được vào năm 2050 bằng việc tiếp tục mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước; xây dựng các công ty sáng tạo và môi trường trong sạch; mở rộng tầng lớp trung lưu và giảm cách biệt thu nhập giữa thành thị và nông thôn.
Với báo cáo dài đến hơn 3 giờ, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh 36 lần khái niệm “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” và giải thích: Dân tộc Trung Hoa từ Giàu có chuyển sang Hùng mạnh và Cống hiến trí tuệ; “giải quyết những vấn đề của nhân loại, đồng thời tiến gần tới Trung tâm vũ đài thế giới”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thuật ngữ “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” được Ban lãnh đạo đưa ra, là nhằm vạch ra phương hướng và chiến lược để đạt được những mục tiêu khác biệt so với trước đây - khi Mao Trạch Đông xây dựng thời kỳ “Trung Quốc đứng lên” hay Đặng Tiểu Bình với công cuộc cải cách mở cửa với mục tiêu “Trung Quốc giàu có lên”.
Trung Quốc mộng-Siêu cường thế giới (K1):Xác lập tư tưởng Tập Cận Bình ảnh 1 Tổng Bí thư Tập Cận Bình và dàn lãnh đạo Trung Quốc với quyết tâm đi đến đích thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. 
Trung Quốc hùng mạnh, Trung tâm của vũ đài thế giới là định hướng mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhắm đến. Trước đây Trung Quốc đã gọi ông Đặng Tiểu Bình là “Tổng công trình sư của Cải cách và Mở cửa”, thì nay khi thảo luận tại Đại hội, các đại biểu đã gọi Tập Cận Bình là “Tổng công trình sư của Cải cách mới và Hạt nhân công cuộc hiện đại hóa”. Trước kia ông Đặng Tiểu Bình chủ trương Trung Quốc cần tập trung phát triển kinh tế, ít chú mục vào vấn đề đối ngoại và xây dựng quân đội với chính sách “Náu mình chờ thời”, “Dò đá qua sông”.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình có quan điểm khác, cho rằng Trung Quốc đang ở trong “thời kỳ cơ hội chiến lược” - ám chỉ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và biệt lập, như chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, đang lan ra mạnh mẽ, tạo cơ hội cho Trung Quốc vươn mình. Vì vậy, ông Tập cho rằng “đã đến lúc chúng ta phải lên sân khấu trung tâm thế giới và đóng góp nhiều hơn cho nhân loại; hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa của mình”.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách
Học thuyết - tư tưởng Tập Cận Bình xây dựng nước Trung Quốc vĩ đại dựa trên cơ sở nào? Ngoài đội ngũ những người lãnh đạo sát cánh chủ trương của mình, tầng lớp ủng hộ Tập Cận Bình cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông nhận được sự đồng thuận từ người dân, giúp ông tích lũy vốn chính trị quan trọng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tập Cận Bình đã “tả xung hữu đột” giải quyết nhiều vấn đề nội bộ căng thẳng, thì nay sau đại hội, với nhóm nhân sự mới, ông có thể xử lý những vấn đề khó khăn hơn, tập trung hóa giải những vấn đề kinh tế-xã hội đang đặt ra.
Một nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc nêu nhận định: “Chúng ta đã rút ra bài học từ những điểm tham chiếu của chính mình. Trung Quốc chỉ hoạt động tốt nhất dưới một chính quyền trung ương vững mạnh, một lãnh đạo mạnh mẽ và một hệ tư tưởng thống nhất. Khi đó đất nước sẽ cường thịnh”.
Nhìn lại lịch sử phát triển thời gian qua ở Trung Quốc có thể thấy nổi rõ một số vấn đề: Từ thập niên 50 thế kỷ trước, Trung Quốc đưa ra chủ trương tiến hành “4 hiện đại hóa”, gồm hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học-kỹ thuật. Tuy nhiên lộ trình phát triển của đất nước bị chậm lại sau các biến động từ cuộc Đại Cách mạng văn hóa (1966-1976).
Sau đó, Đặng Tiểu Bình vẫn tiếp tục theo đuổi “4 hiện đại hóa”, chú trọng thực hiện cải cách mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa trên cơ sở vẫn duy trì chế độ công hữu. Những người kế nhiệm Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào tiếp tục theo đuổi đường lối này, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 2 trên bản đồ kinh tế thế giới.
Văn kiện Đại hội ĐCSTQ lần này đề cập đến “Công cuộc hiện đại hóa lần thứ 5” với mục tiêu đẩy mạnh “cải cách toàn diện, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống pháp trị và năng lực trị nước”; được cho là công cuộc cải cách chính trị trọng đại liên quan tới toàn cục; đụng chạm tới nhiều lĩnh vực nhạy cảm cả về chính trị-kinh tế-quân đội-xã hội. Điều lệ Đảng đã sửa đổi theo hướng quán triệt các phát biểu, tư tưởng, chiến lược và học thuyết của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Vấn đề dư luận thế giới chú ý theo dõi là tham vọng của Trung Quốc đến đâu? Đại hội Đảng đã xác định “hiện đại hóa lần thứ 5” là con đường để tiến tới “Giấc mộng Trung Hoa”, khôi phục lại vị thế của Trung Quốc như đã có trong thời kỳ “Đại Đường thịnh đế” cách đây hơn 1.000 năm. Theo các nhà nghiên cứu, thời kỳ nhà Đường (618-907) là giai đoạn hưng thịnh của Trung Quốc; tổng sản phẩm nước này chiến đến 58% GDP của cả thế giới, vượt xa Ấn Độ, Anh, Pháp…
Nhưng vài thế kỷ sau, Trung Quốc không theo kịp các nước phương Tây và cả Nhật Bản trong việc hiện đại hóa, đứng bên lề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Nhiều nước sau đó vươn lên hùng mạnh, là cường quốc đã đánh bại triều Thanh, và đất nước sau đó chịu cảnh đô hộ lâu dài và nặng nề. Bởi vậy, hiện đại hóa còn là quyết tâm của dân tộc, nhằm phục hưng Trung Hoa vĩ đại, được nhắc đến 47 lần trong Văn kiện đại hội nhằm nhấn mạnh mục tiêu này!

Cứng rắn, không ngại đụng chạm
Với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2050 trở thành siêu cường thế giới, hầu như giới lãnh đạo Trung Quốc không ngại “va chạm” và sẵn sàng bằng mọi giá đi đến đích vạch ra. Về những khó khăn và những cản ngại, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo ĐCSTQ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nạn tham nhũng-sẽ đưa ra nhiều luật mới xử lý nghiêm khắc tệ nạn này.
Với vấn nạn môi trường đến mức nguy hiểm hiện nay, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ xây dựng một “Trung Quốc tươi đẹp” với môi trường sạch sẽ, phát triển các công ty công nghệ cao và hệ thống chính trị “cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một môi trường tươi đẹp, được hưởng hạnh phúc và sung sướng hơn, chứ không phải chỉ là tiện nghi vật chất”.
Hướng đến trở thành một cường quốc hàng đầu, nhưng Tổng Bí thư Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ sao chép hệ thống chính trị ở các nước khác; là sự kế thừa và phát triển chủ nghĩa Max-Lenin nhằm phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Vì vậy, Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, bảo vệ an ninh đất nước.
“Chúng ta không dung thứ cho bất cứ ai, dùng bất cứ phương tiện gì, vào bất cứ lúc nào tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc. Máu không loãng như nước lã” - ông Tập nói. Thực hiện chủ trương này, báo chí đưa tin Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đã ban hành những quy định bảo vệ nghiêm ngặt, coi bảo đảm an ninh là nhiệm vụ chính trị trọng đại, không để xảy ra sự vụ Thiên An Môn lặp lại. Ông Thái phát biểu: “Người dân phải quản lý gia đình mình, duy trì ổn định của Bắc Kinh” và ra lệnh cho các đơn vị “dám bắt, dám quản, dám chịu trách nhiệm”.
… Đại hội Đảng lần thứ 19 của ĐCSTQ đã khép lại với việc xác lập tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại Tập Cận Bình. Ông Mao Trạch Đông, người lập nên nước CHND Trung Hoa (1949) và Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư công cuộc cải cách mở cửa, là 2 nhà lãnh đạo được nêu tên cùng hệ tư tưởng vào Điều lệ Đảng. Nay các đại biểu đã nhất trí đưa tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc của Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, như nhận định trong văn kiện bế mạc: “Đã thể hiện được thành quả về sáng tạo lý luận, sáng tạo thực tiễn, và sáng tạo chế độ của Đảng từ Đại hội 18 đến nay”.

 Nhiều Khó khăn còn phía trước

Theo khảo sát của CBB International dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 3.000 doanh nghiệp Trung Quốc và công bố China Beige Book, ngành thép và nhiều ngành sản xuất hàng hóa khác đang đối diện với tình trạng sản xuất thừa trong khi vay nợ của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Việc giảm tỷ lệ nợ vay chưa có nhiều tiến triển, những khó khăn, bất ổn từ vấn đề giảm việc vay nợ của Trung Quốc vẫn còn đang ở phía trước.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê chính thức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy, nợ xấu đã có sự gia tăng liên tục trong một số năm gần đây. Nếu vào năm 2012, tỷ lệ nợ xấu tại Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% thì từ năm 2013 nợ xấu đã bắt đầu hình thành xu hướng gia tăng liên tục. Tính đến hết quý II-2017, nợ xấu của Trung Quốc đang ở mức 1,74%, cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ tìm giải pháp làm giảm rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng ở nước này, giảm nợ xấu... Trong đó, một số biện pháp đã được áp dụng mạnh mẽ, bao gồm việc tăng trích lập dự phòng rủi ro trong hệ thống, chuyển nợ xấu thành cổ phần, thực hiện nghiệp vụ hoán đổi tín dụng. Dù vậy, theo đánh giá của chuyên gia, các giải pháp điều hành trên vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí, hiện tại nhiều ngân hàng Trung Quốc đang có xu hướng giảm mức dự phòng vốn dùng để xử lý các khoản nợ xấu, vì mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận. 
Hiện tại Chính phủ Trung Quốc vẫn thông qua các ngân hàng nhà nước để tài trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phần lớn trong số đó thuộc diện không hiệu quả. Điều này tiếp tục làm xói mòn hiệu quả sử dụng vốn của các ngân hàng Trung Quốc.
(còn tiếp)

Các tin khác