Venezuela - Đường đến khủng hoảng - Kỳ 1: Đi qua thời vàng son

(ĐTTCO) - Từ những năm 1950 đến đầu những năm 1980, Venezuela là nơi có mức sống cao nhất khu vực Mỹ Latin, theo Wikipedia. Tăng trưởng kinh tế ổn định của đất nước này đã khiến nó trở thành điểm thu hút nhập cư từ các nước khác trong khu vực. 

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm qua, tình hình diễn biến hoàn toàn ngược lại, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và hàng triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước vì cuộc sống quá khó khăn. 
Sau khi dầu được phát hiện ở Venezuela vào năm 1922, đất nước này nhanh chóng phát triển trở thành một trong những nền kinh tế mạnh mẽ và thịnh vượng nhất Nam Mỹ. Vào cuối những năm 1950, GDP bình quân đầu người của Venezuela đã đạt mức ngang ngửa với Tây Đức.
Viết "luật chơi" dầu mỏ
Sau khi phát hiện trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, nhà độc tài của Venezuela Juan Vicente Gómez đã cho phép các công ty dầu mỏ của Mỹ viết luật dầu mỏ của Venezuela. Năm 1943, Tập đoàn Standard Oil of New Jersey (nay là Exxon Corporation) đã chấp nhận một thỏa thuận mới ở Venezuela dựa trên nguyên tắc 50-50, được mô tả là "sự kiện mang tính bước ngoặt". Các điều khoản thậm chí còn thuận lợi hơn đã được đàm phán vào năm 1945, sau khi một cuộc đảo chính mang lại quyền lực cho chính phủ thiên tả. 
Nhờ giá dầu cao, nền kinh tế Venezuela phát triển mạnh mẽ. Sự tăng trưởng liên tục trong thời gian đó thu hút nhiều người nhập cư. Năm 1958, chính phủ mới, bao gồm Pérez Alfonso, đã vạch ra kế hoạch cho liên minh dầu khí quốc tế, về sau đã trở thành Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Năm 1973, Venezuela đã bỏ phiếu để quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ của mình, có hiệu lực từ ngày 1-1-1976, với Petróleos de Venezuela (PDVSA) kiểm soát một số công ty mẹ. Trong những năm tiếp theo, Venezuela đã xây dựng hệ thống tiếp thị và tinh chế rộng lớn ở Mỹ và châu Âu. 
Venezuela - Đường đến khủng hoảng - Kỳ 1: Đi qua thời vàng son ảnh 1 Venezuela từng được biết đến như một đất nước thịnh vượng, cái nôi của nhiều hoa hậu thế giới. (Trong ảnh: Hoa hậu Hoàn vũ Venezuela Stefania Fernandez năm 2009). 
Trong chế độ độc tài của Pérez Jiménez từ năm 1952-1958, Venezuela được hưởng mức tăng trưởng GDP cao đáng kể. Do đó, vào cuối những năm 1950, GDP bình quân đầu người của Venezuela gần như đạt mức của Tây Đức. Năm 1950, Venezuela là quốc gia giàu thứ 4 thế giới tính theo đầu người. Tuy nhiên, từ 1958-1959, Venezuela đã tích tụ một khoản nợ trong nước và nước ngoài khổng lồ do những chính sách chi tiêu công tràn lan trong thời kỳ độc tài.
Khi lên nắm quyền vào năm 1958, Tổng thống Rómulo Betancourt đã xoay sở để cân bằng ngân sách công của Venezuela và khởi xướng cuộc cải cách nông nghiệp, nhưng không thành công.

Khủng hoảng giá dầu
Nhờ ngành dầu mỏ mạnh mẽ trong những năm 1960-1970, chính phủ Venezuela có thể duy trì sự hài hòa xã hội bằng cách chi tiêu số tiền khá lớn cho các chương trình công cộng, bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vận chuyển và trợ cấp thực phẩm. Chương trình xóa mù chữ và phúc lợi được hưởng lợi rất nhiều từ những điều kiện này. Vì sự giàu có của dầu mỏ, công nhân Venezuela được hưởng mức lương cao nhất ở Mỹ Latin.
Nhưng tình trạng này đã bị đảo ngược khi giá dầu sụp đổ trong những năm 1980 đã khiến nền kinh tế Venezuela thu hẹp. Kéo theo đó lạm phát phi mã, lên đến đỉnh điểm vào năm 1989 ở mức 84%. Cũng trong năm này thủ đô Caracas phải chịu bạo loạn trong vụ Caracazo, sau khi cắt giảm chi tiêu của chính phủ và mở cửa thị trường của Tổng thống Carlos Andrés Pérez. Sau khi Tổng thống Pérez khởi xướng các chính sách kinh tế tự do để giúp thị trường Venezuela tự do hơn, GDP nước này đã tăng từ mức -8,3% năm 1989 lên 4,4% vào năm 1990 và đạt 9,2% vào năm 1991, mặc dù tiền lương vẫn thấp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao.
Một số người cho rằng chủ nghĩa tự do mới (neoliberalism) là nguyên nhân của những khó khăn kinh tế của Venezuela, dù sự phụ thuộc quá nhiều vào giá dầu và một hệ thống chính trị bị rạn nứt đã gây ra nhiều vấn đề. Vào giữa những năm 1990, Venezuela dưới thời Tổng thống Rafael Caldera, đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát hàng năm 50-60% trong thời gian 1993-1997, với mức cao nhất lên tới 100% vào năm 1996.
Số người sống trong nghèo đói đã tăng từ 36% năm 1984 lên 66% vào năm 1995. Trước đó, năm 1994 Venezuela bị rơi vào cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng. Năm 1998, cuộc khủng hoảng kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn. GDP bình quân đầu người chỉ bằng mức năm 1963, giảm 1/3 so với mức đỉnh 1978.

Thời của Hugo Chavez
Sau khi Hugo Chavez lên làm Tổng thống được 1 năm, giá dầu đã tăng vọt vào năm 2000, giúp chính phủ rủng rỉnh tiền bạc chưa từng có kể từ cuối 1980. Tổng thống Chavez sau đó đã sử dụng các chính sách kinh tế mang tính dân chủ xã hội hơn so với những người tiền nhiệm. Ông sử dụng các phương pháp dân túy với các quỹ dầu khiến nền kinh tế của Venezuela phụ thuộc vào giá dầu cao.
Ông Chavez cũng đóng vai trò hàng đầu trong OPEC để tái tạo sức mạnh cho tổ chức và có được sự tuân thủ của các thành viên đối với hạn ngạch thấp hơn được thiết kế để tăng giá dầu. Alí Rodríguez Araque, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, đã đưa ra một thông báo vào năm 1999 rằng đất nước của ông sẽ tôn trọng hạn ngạch sản xuất của OPEC, đánh dấu bước ngoặt lịch sử từ chính sách dầu mỏ truyền thống của Mỹ. 
Trong 4 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Chavez, nền kinh tế đã tăng trưởng trong những năm đầu (1999-2001), sau đó bị thu hẹp từ năm 2001-2003, xuống mức tương tự như năm 1997. Lúc đầu, sự suy giảm kinh tế do giá dầu thấp, nhưng nó được thúc đẩy bởi sự hỗn loạn của nỗ lực đảo chính năm 2002 và cuộc đình công năm 2002-2003.
Các yếu tố khác của sự suy giảm là việc chảy máu vốn và sự e dè của các nhà đầu tư nước ngoài. GDP Venezuela từ mức 50.000 tỷ bolivare trong năm 1998, đã giảm xuống còn 42.400 tỷ bolivare năm 2003 (đã quy đồng giá bolivare ngang mức 1998). Tuy nhiên, GDP đã phục hồi 50.100 tỷ bolivares nhờ tình hình chính trị êm ả hơn trong năm 2004 và tăng lên 66.100 tỷ bolivare trong năm 2007 (tính theo giá bolivare năm 1998). 
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những năm suy thoái tồi tệ nhất (2002-2003) là xây dựng (-55,9%), dầu khí (-26,5%), thương mại (-23,6%) và sản xuất (-22,5%). Sự sụt giảm trong lĩnh vực dầu khí do tuân thủ hạn ngạch OPEC được thiết lập năm 2002 và việc chấm dứt xuất khẩu ảo trong cuộc tổng đình công do PdVSA dẫn đầu năm 2002-2003. Khu vực phi dầu mỏ của nền kinh tế thu hẹp 6,5% vào năm 2002. Đồng bolivar, vốn bị lạm phát nghiêm trọng và mất giá so với các tiêu chuẩn quốc tế kể từ cuối những năm 1980, tiếp tục suy yếu.
Tỷ lệ lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng 35,8% năm 1998, giảm xuống mức thấp 12,5% năm 2001 và tăng lên 31,1% năm 2003. Trong nỗ lực hỗ trợ bolivar, củng cố mức dự trữ quốc tế đang suy giảm của chính phủ và giảm thiểu tác động bất lợi từ việc ngừng hoạt động của ngành dầu khí đối với hệ thống tài chính, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã đình chỉ giao dịch ngoại hối vào ngày 23-1-2003. Vào ngày 6-2, chính phủ đã thành lập CADIVI, một ban kiểm soát tiền tệ chịu trách nhiệm xử lý các thủ tục ngoại hối. Hội đồng quản trị đặt tỷ giá USD ở mức 1.596 bolivare/USD để mua hàng và 1.600 bolivare/USD để bán hàng.
 Nền kinh tế Venezuela giảm 5,8% trong 3 tháng đầu năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009, có tỷ lệ lạm phát cao nhất Mỹ Latin ở mức 30,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Venezuela sẽ là quốc gia duy nhất trong khu vực duy trì suy thoái trong năm 2010, đồng thời khẳng định điều kiện phục hồi kinh tế của Venezuela chậm và yếu so với các quốc gia khác trong khu vực. Năm 2013, nền kinh tế Venezuela tiếp tục rơi vào cuộc suy thoái lớn hơn.

(Còn tiếp)

Các tin khác