Venezuela - Đường đến khủng hoảng - Kỳ 2:Vung tay quá trán

(ĐTTCO) - Những chính sách dân túy tốn kém của Tổng thống Hugo Chavez vào đầu những năm 2000 tuy mang lại cho ông sự ủng hộ chính trị ở mức cao, nhưng khiến nguồn lực của quốc gia nhanh chóng cạn kiệt, lún dần vào cuộc khủng hoảng chưa có lối ra.

Sai lầm của Hugo Chavez
Giá dầu tăng vào đầu những năm 2000 giúp nền kinh tế Venezuela tăng trưởng mạnh chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Để thu hút sự ủng hộ của người dân, Tổng thống Chavez thành lập các Công tác Bolivar (Missión Bolivar) nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.
Các Công tác Bolivar lên kế hoạch xây dựng hàng ngàn phòng khám y tế miễn phí cho người nghèo, cũng như phân phát thực phẩm và trợ cấp nhà ở cho họ. Một báo cáo của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) năm 2010 đã chỉ ra những thành tựu quan trọng trong việc giải quyết nạn mù chữ, chăm sóc sức khỏe và nghèo đói, cùng những tiến bộ về kinh tế và xã hội ở Venezuela trong giai đoạn cầm quyền ban đầu của Chavez. Chất lượng cuộc sống của người Venezuela đã được cải thiện đáng kể theo Chỉ số của Liên hiệp quốc. 
Tuy nhiên, những chương trình này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ - xương sống của nền kinh tế Venezuela. Hệ quả, nền kinh tế của đất nước bị mắc phải "bệnh Hà Lan" (một nền kinh tế bị coi là mắc bệnh Hà Lan khi nó quá phụ thuộc vào một nguồn tài nguyên, dẫn đến sự sa sút của các ngành kinh tế khác). Nghèo đói, lạm phát và tình trạng thiếu hụt ở Venezuela tăng chóng mặt trong những năm cuối nhiệm kỳ của Chavez. Ngày 7-1-2009, Ngân hàng Trung ương Venezuela cho biết tỷ lệ lạm phát đã tăng 25,1% trong năm 2009.
Venezuela - Đường đến khủng hoảng - Kỳ 2:Vung tay quá trán ảnh 1  2,3 triệu người dân Venezuela chạy trốn khỏi quốc gia này kể từ năm 2014. 
Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất tại khu vực châu Mỹ. Vào đêm 8-1, Tổng thống Chavez tuyên bố phá giá đồng bolivar xuống còn một nửa so với USD. Trước đây, Chavez vẫn liên tục phủ nhận chuyện chính phủ của ông có thể phá giá nội tệ. Tuy nhiên, tình hình kinh tế quá xấu khiến Chavez phải đi tới quyết định phá giá đồng tiền. Các chương trình trợ cấp của Chavez như duy trì giá xăng ở mức dưới 0,1USD/gallon, đã làm các nguồn tài nguyên của Venezuela dần cạn kiệt, trong khi các doanh nghiệp tư nhân không dám tăng mức đầu tư do lo ngại về những vụ quốc hữu hóa và sung công thường hay xảy ra bất ngờ thời Chavez, khiến nền kinh tế càng thêm khó khăn giữa lúc tốc độ tăng trưởng trì trệ mà tỷ lệ lạm phát cao.
Theo các nhà phân tích, thảm họa về kinh tế của Venezuela vẫn sẽ xảy ra ngay cả trong trường hợp Chavez còn nắm quyền. Đầu năm 2013, ngay sau cái chết của Tổng thống Chavez, tờ Foreign Policy tuyên bố rằng bất cứ ai kế nhiệm Chavez đều sẽ "thừa hưởng một trong những nền kinh tế rối loạn nhất ở châu Mỹ".

Đi theo vết xe đổ
Sau cái chết của Chavez, Nicolás Maduro đã trở thành tổng thống của Venezuela sau khi đánh bại đối thủ của mình là Henrique Capriles Radonski chỉ với 235.000 phiếu bầu, tỷ lệ chênh lệch 1,5%. Khi nhậm chức, Tổng thống Maduro đã phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao và tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng trên khắp cả nước, những vấn đề bắt nguồn từ các chính sách của Chavez. Thế nhưng, ông vẫn tiếp tục duy trì hầu hết chính sách kinh tế của người tiền nhiệm Chavez.
Maduro đổ lỗi cho đầu cơ tư bản đã thúc đẩy tỷ lệ lạm phát cao và gây ra sự thiếu hụt phổ biến các nhu yếu phẩm cơ bản tại Venezuela. Maduro tuyên bố đang chiến đấu trong một "cuộc chiến kinh tế", coi các biện pháp kinh tế ông mới ban hành là "đòn phản công kinh tế" chống lại các đối thủ chính trị của mình. Maduro thậm chí còn cáo buộc những đối thủ của mình đứng sau "âm mưu kinh tế quốc tế". Tuy nhiên, Maduro đã bị chỉ trích vì chỉ tập trung vào dư luận, không hề quan tâm đến các vấn đề thực tế các nhà kinh tế đã cảnh báo, hoặc có bất kỳ ý tưởng gì để cải thiện tình trạng khó khăn của nền kinh tế Venezuela.

80% thiếu ăn
Người dân Venezuela đã phải đối mặt với nỗi thống khổ của tình trạng thiếu hụt các loại thực phẩm cơ bản, chẳng hạn như sữa, các loại thịt, gà, cà phê, gạo, dầu, bột sơ chế, bơ; cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như giấy vệ sinh, sản phẩm vệ sinh cá nhân và thuốc men. Thực phẩm trở nên khan hiếm, đến nỗi nhiều người dân Venezuela đã phải ăn cả hoa quả dại, thậm chí cả rác. Nhiều người dân phải xếp hàng chờ đợi trong vô vọng tại các cửa hàng thực phẩm nhưng chẳng thể mua được bất cứ thứ gì, bởi hầu hết cửa hàng và siêu thị cũng đều nhanh chóng hết sạch hàng hóa. Vào tháng 1-2016, người ta ước tính tỷ lệ khan hiếm thực phẩm tại Venezuela từ 50-80%. 
Theo "Khảo sát điều kiện sống hàng năm" của Venezuela (ENCOVI), gần 75% dân số cho biết họ đã giảm trung bình ít nhất 8,7kg trong năm 2016, và 64% cho biết họ đã giảm 11kg trong năm 2017 do thiếu lương thực thực phẩm. Các bệnh viện nhi khoa chứa đầy trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng. Nhiều người trước đó thuộc tầng lớp trung lưu giờ đây phải lục tìm các thùng rác công cộng để kiếm thức ăn do thực phẩm trở nên quá khan hiếm. Thực phẩm bị thiếu hụt khiến nhiều người dân Venezuela phải giết cả những loại động vật nuôi như chó, mèo, lừa, ngựa và chim bồ câu để lấy thịt. Một số loại động vật hoang dã cần được bảo vệ như chim hồng hạc và thú ăn kiến khổng lồ cũng đã bị giết để làm thức ăn.
Tham nhũng là vấn đề lớn trong việc phân phối thực phẩm. Giám đốc hoạt động tại một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm của Venezuela, cho biết: "Giờ đây bạn thậm chí phải trả một khoản tiền cho quân đội để xem xét hàng hóa của bạn. Đó là chuỗi hối lộ liên tục kể từ lúc tàu của bạn cập bến cho đến khi thực phẩm được đưa ra khỏi xe tải". Các bác sĩ tại 21 bệnh viện công trên khắp 17 tiểu bang của Venezuela nói với các nhà điều tra của tờ New York Times năm 2017, rằng các phòng cấp cứu của họ đã bị tràn ngập bởi những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Hàng trăm người đã chết.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11-2016 bởi DatinCorp, 25% người được hỏi đổ lỗi cho cố Tổng thống Hugo Chavez đã gây ra cuộc khủng hoảng này, 19% đổ lỗi cho Nicolas Maduro, 15% đổ lỗi cho các chính sách kinh tế-xã hội của Chavez, trong khi chỉ có 16% đổ lỗi cho phe đối lập, 4% đổ lỗi cho các doanh nghiệp và 2% đổ lỗi cho Mỹ. Một cuộc khảo sát của Meganalisis vào tháng 9-2018, cho thấy 84,3% người Venezuela chấp thuận một sự can thiệp của nước ngoài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng với điều kiện là dân chúng được cung cấp lương thực và thuốc men.
Năm 2014, Venezuela chính thức lâm vào suy thoái kinh tế. Đến năm 2016, quốc gia này có tỷ lệ lạm phát là 800%, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ lạm phát ở Venezuela 1 triệu % vào năm 2018.
(còn tiếp)

Các tin khác