World Cup - Trái bóng và lợi nhuận? (K3): Bài toán lời-lỗ

(ĐTTCO) - Hồi tháng 4, Ban tổ chức World Cup 2018 công bố báo cáo dự báo sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn nền kinh tế Nga.
 Ước tính, World Cup 2018 có thể mang về khoản lợi nhuận khổng lồ gần 31 tỷ USD cho xứ sở Bạch Dương. Tuy nhiên, ước tính này vẫn gây tranh cãi.
Sẽ mang về 31 tỷ USD?
Báo cáo về tác động kinh tế của World Cup do Nga phát hành, cho biết tăng trưởng GDP có thể lên tới 1,62 ngàn tỷ rúp (26 tỷ USD) và 1,92 ngàn tỷ rúp (30,8 tỷ USD) trong 10 năm 2013-2023. Đây là kết quả của lượng khách du lịch đổ đến Nga ngày càng tăng, cộng với các hiệu ứng tích cực sau đó từ các khoản đầu tư của chính phủ. World Cup “có một hiệu quả kinh tế đáng kể. Giải đấu đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực chủ nhà và sẽ tiếp tục có tác động kinh tế tích cực lâu dài” - cựu Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich nói trong báo cáo.
Ngành công nghiệp thực phẩm, khách sạn, viễn thông và vận tải sẽ tăng doanh thu tạm thời, nhưng tác động tín dụng tổng thể đối với khu vực doanh nghiệp Nga sẽ bị hạn chế. Các lĩnh vực có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ du lịch không phải là động lực tăng trưởng quan trọng trong hầu hết nền kinh tế địa phương. 
YAROSLAV LISSOVOLIK, 
kinh tế gia trưởng Ngân hàng Phát triển Á-Âu
Báo cáo cho biết tổng chi tiêu cho giải đấu là 683 tỷ rúp (11 tỷ USD), chưa bao gồm một số cơ sở hạ tầng và sân vận động mới tốn kém. Khoảng 220.000 việc làm đã được tạo ra. Số liệu về tác động kinh tế đối với giải đấu trước đó đã bị tranh cãi gay gắt, do khó khăn trong việc tách World Cup khỏi các yếu tố kinh tế khác. Nga cũng dành nhiều thời gian để tổ chức Thế vận hội mùa đông 2014 tại Sochi, với số tiền 50 tỷ USD chi tiêu theo một ước tính của chính phủ. Thế vận hội được xem là chìa khóa cho uy tín quốc gia - giống như World Cup - và trở thành giải đấu mùa đông đắt giá nhất trong lịch sử. Chi tiêu xa hoa này đã giúp biến thành phố chủ nhà Sochi thành trung tâm du lịch quanh năm cho người Nga.Moody’s nghi ngại
Các nhà kinh tế cho rằng sự kiện kéo dài 1 tháng ít có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn, mặc dù những cải tiến liên quan đến cơ sở hạ tầng và đầu tư vào du lịch có thể làm tăng tiềm năng tăng trưởng của nó. “Chúng tôi thấy tác động kinh tế rất hạn chế ở cấp quốc gia trong thời gian giới hạn của World Cup và quy mô rất lớn của nền kinh tế của đất nước” - các nhà phân tích tại cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s nói hôm 31-5. Dự kiến khoảng 570.000 người hâm mộ nước ngoài và 700.000 người Nga sẽ xem các trận đấu World Cup. Tuy nhiên, Moody’s tỏ ra nghi ngại việc du lịch gia tăng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Nga đang trên đà hồi phục. Hay liệu các sân vận động mới ở các thành phố như Samara, Saransk và Nizhny Novgorod được sử dụng cho World Cup có là chất xúc tác cho những thay đổi kinh tế và xã hội rộng lớn hơn?
Dù vậy, cựu Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich đã khẳng định mạnh mẽ vào tháng 4 rằng nước Nga sẽ không có tăng trưởng kinh tế nếu không có công tác chuẩn bị cho giải đấu. Các nhà kinh tế giải thích tuyên bố của Dvorkovich về các khoản đầu tư vào World Cup như là minh chứng cho tăng trưởng kinh tế trong quá khứ, không phải là lý do đằng sau tăng trưởng của năm nay, ở khoảng 1,5-2%. Các dự án xây dựng khổng lồ được thực hiện tại các thành phố chủ nhà World Cup có tác động lớn nhất đến nền kinh tế trong năm 2016 và 2017, theo Alexei Zabotkin, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại VTB Capital.
World Cup - Trái bóng và lợi nhuận? (K3): Bài toán lời-lỗ ảnh 1
 Lo ngại an ninh
Cho đến nay, ước tính chi phí cho World Cup vào khoảng 14 tỷ USD. Nhưng theo Forbes, con số thực tế có thể gấp đôi do Moscow sẽ phải chi mạnh cho an ninh. Kể từ khi Nga tham gia cuộc chiến ở Syria, nước này đã trở thành mục tiêu khủng bố của các nhóm khủng bố Trung Đông như IS, Al Qaeda ở Syria, Arhar al Sham và Quân đội Hồi giáo. Ngoài ra, họ cũng bị đe dọa từ các phần tử ly khai Chechen và những người Takfiri (những người theo đạo Hồi cuồng tín) có hộ chiếu Nga.
Khoảng 2.400 người Nga - chủ yếu đến từ các vùng Chechnya và Dagestan, khu vực Hồi giáo chủ yếu của Nga - đang chiến đấu cho IS ở Syria, theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB). Việc những người này trở về Nga là mối đe dọa lớn cho Điện Kremlin. Nga đã phải chịu đựng nhiều hơn với khủng bố Hồi giáo, như vụ con tin ở trường Beslan năm 2004, nơi hơn 350 người thiệt mạng, đa số là trẻ em. Các vụ tấn công khủng bố gần đây tại các nhà hát và trường học ở Nga đều do những người từ vùng Caucasus gây ra và World Cup sẽ là mục tiêu chính cho những kẻ khủng bố. Sự căng thẳng chính trị của Nga với khối các nước phương Tây và Hoa Kỳ khiến nguy cơ này trở nên lớn hơn. 
Ngoài ra, World Cup tại Nga còn đối mặt với nguy cơ cổ động viên quá khích (hooligan). Trên thực tế, hooligan là một trong những mối quan tâm chính của vòng chung kết World Cup sắp tới. Vì vậy, tất cả khán giả đến sân đều phải nộp đơn đăng ký “FAN ID” theo yêu cầu của chính phủ Nga. Thủ tục này nhằm đảm bảo những người có liên quan đến các nhóm khán giả thường xuyên có các hành động bạo lực, côn đồ, phá hoại xung quanh các trận đấu bóng đá sẽ không thể vào các sân.

Chi bạo để không lãng phí các sân vận động
Nga dự định chi hơn 162 triệu euro để đảm bảo các sân vận động được xây dựng cho World Cup không bị lãng phí sau khi kết thúc giải đấu. Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 10 năm ngoái, yêu cầu chính phủ soạn thảo một chương trình “di sản” của World Cup làm tăng sự tham dự của câu lạc bộ và tăng cường sự phát triển của các cầu thủ trẻ. Nhưng câu hỏi dài phải đối mặt với Nga là làm thế nào để gặt hái phần thưởng từ đầu tư lớn ở các thành phố, nơi các câu lạc bộ địa phương chơi bóng đá hạng hai. Đề xuất của nội các thừa nhận rằng chính phủ sẽ phải chi tiền hóa đơn cho một số nơi cho đến năm 2023.
“Hãy ghi nhớ chi phí cao của hoạt động sân vận động và doanh thu câu lạc bộ bóng đá dự kiến thấp, không thể mong đợi sử dụng sân vận động theo kiểu thương mại trong 3-5 năm tới” - báo cáo của chính phủ cho biết. Cơ quan thông tấn nhà nước RIA Novosti cho biết chính phủ muốn giao 16,6 tỷ rúp (265 triệu USD) cho chương trình di sản. Phần lớn số tiền đó - 190 triệu USD - sẽ đến từ ngân sách liên bang và được chỉ định để giữ cho các sân vận động mở ở 7 thành phố chủ nhà nhỏ hơn. Một số tiền cũng sẽ được chi cho các cơ sở đào tạo và trung tâm bóng đá trẻ. 

Các tin khác