Đam mê sân chơi công nghệ

(ĐTTCO) - Cuối tháng 8, dự án EyeQ Tech (camera thông minh) của Lê Mai Tùng đã đạt giải nhất cuộc thi Starup Wheel. 
Đầu tháng 9 một dự án khác của Tùng là ShareCar ForAds cũng giành giải cao nhất tại cuộc thi Swiss Innovation Challenge (cuộc thi do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, được tổ chức tại Việt Nam).
Điều gì đã giúp Lê Mai Tùng có thể làm tốt cả 2 dự án khởi nghiệp của mình, ĐTTC đã có cuộc trao đổi xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của anh. 
PHÓNG VIÊN: - Trước hết xin chúc mừng vì những nỗ lực của anh đã được ghi nhận bằng 2 giải thưởng cao nhất tại 2 cuộc thi. Nhân đây anh có thể giới thiệu về 2 dự án của mình, việc chạy 2 dự án một lúc có làm anh quá tải?
 Có thể thấy, hiện nay những chính sách hỗ trợ dành cho DN khởi nghiệp của TPHCM nói riêng cũng như Việt Nam nói chung cũng cởi mở hơn nhiều. Tất nhiên cũng còn những khó khăn về những thủ tục vẫn còn sự thiếu linh hoạt. 
Anh LÊ MAI TÙNG: - Thông thường một dự án khởi nghiệp cần phải có 2, 3 người đồng sáng lập và chung tay với nó mới chạy tốt, nhưng hiện tại cá nhân tôi chạy cùng lúc 2 dự án nên đang phải cố gắng tới 150% sức lực của mình.
Tuy nhiên, hiện nay tôi cũng có những cộng sự rất trẻ tuổi lại có năng lực tốt nên cũng cảm thấy khá yên tâm. 
Để nói về 2 dự án của mình thì ShareCar ForAds là dự án có trước, chính thức ra mắt thị trường từ tháng 9-2016 và hiện nay đang mang về doanh thu cho chúng tôi với một lượng khách hàng đang không ngừng gia tăng. Với ShareCar ForAds, khách có thể đặt quảng cáo trên xe hơi cá nhân, trả tiền dựa trên quãng đường xe chạy.
Chỉ cần đăng nhập vào hệ thống quản lý, ngay lập tức khách hàng có thể biết có bao nhiêu "chiếc pano di động" đang di chuyển và di chuyển trên những tuyến đường nào, đo đếm được hiệu quả quảng cáo của mình, mô hình này cũng giống như Uber giành cho quảng cáo. Chúng tôi kết nối DN với chủ xe cá nhân.
ShareCar ForAds còn có một lợi thế cạnh tranh đặc biệt khác, đó là sự độc nhất về hình ảnh thương hiệu. Đơn cử khi dán pano quảng cáo trên taxi hoặc xe bus, hình ảnh thương hiệu của DN phải chia sẻ không gian với chính thương hiệu của hãng taxi hoặc xe bus; với ShareCar ForAds, những chiếc xe được thuê trông chẳng khác gì những chiếc xe riêng của chính DN vậy.
Đam mê sân chơi công nghệ ảnh 1 Anh Lê Mai Tùng nhận giải nhất cuộc thi Winner. 
Còn EyeQ Tech, có thể nói ngắn gọn như này: nếu camera thông thường là phần cứng, có chức năng ghi lại hình ảnh một cách trực quan, thì EyeQ Tech là phần mềm, áp dụng phương pháp Deep Learning của thuật toán theo dõi và nhận dạng khuôn mặt trong sản phẩm, từ đó cho phép hệ thống trở nên thông minh hơn, nhanh hơn và chính xác hơn thông qua quá trình tích lũy dữ liệu, có tác dụng phân tích hình ảnh của khách hàng.
Trong lĩnh vực quảng cáo, EyeQ Tech cho biết độ tuổi, giới tính, thống kê được mỗi khách hàng xem quảng cáo đó bao nhiêu lần, phản ứng của họ thế nào, khung thời gian họ xem.
Còn trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng, khách hàng không phải cà thẻ, nhân viên không phải ghi chép thông tin khách hàng mà EyeQ Tech sẽ tự chụp, lưu lại để phân tích độ tuổi, giới tính, lượng khách đến trong một ngày, tổng lượng khách cũ/mới, tỷ lệ khách quay lại và phân khúc khách hàng thuộc đối tượng thường xuyên hay khách vãng lai để từ đó có giải pháp phục vụ tốt nhất. Độ chính xác mà EyeQ Tech mang lại đạt tới 95%.
- Theo chia sẻ của anh ShareCar ForAds đã mang lại doanh thu, nhưng chạy cùng lúc 2 dự án, hẳn anh cũng có khó khăn về vốn?
- Đúng như vậy. Thời gian đầu khi triển khai ShareCar ForAds do không có vốn nên thấy được hợp đồng lớn cũng không thể ký. May mắn sau đó chúng tôi có những hợp đồng nhỏ hơn và dự án bắt đầu chạy trơn tru, từ đó có cơ sở để đi gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, tôi cũng làm hồ sơ vay tín chấp của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) với số tiền là 600 triệu.
Ngoài ra tôi cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (speed up). Tôi cũng vay mượn thêm của người thân, bạn bè duy chỉ có nguồn vốn ngân hàng là chúng tôi không thể tiếp cận vì thủ tục rất khắt khe. 
Có thể thấy, hiện nay những chính sách hỗ trợ dành cho DN khởi nghiệp của TPHCM nói riêng cũng như Việt Nam nói chung cũng cởi mở hơn nhiều. Tất nhiên cũng còn những khó khăn về những thủ tục và sự thiếu linh hoạt. 
- Được biết anh không chỉ tham gia Starup Wheel 2017 và mới nhất là Swiss Innovation Challegen, mà còn tham gia một số cuộc thi trước đó, với anh việc có nhiều cuộc thi dành cho giới khởi nghiệp như hiện nay mang ý nghĩa như thế nào?
- Nếu có nhiều cuộc thi chất lượng tốt đó là điều may mắn cho các dự án khởi nghiệp. Vì cuộc thi có chất lượng sẽ có nhiều giám khảo “chất”, họ sẽ giúp người khởi nghiệp nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình, cái được, cái chưa được khi dự thi. Ngoài ra, những cuộc thi chất lượng sẽ được các nhà đầu tư quan tâm, và khi đó cơ hội cho dự án khởi nghiệp được rót vốn cũng cao hơn.
Tất nhiên, sau tất cả các cuộc thi cái quan trọng làm sao chạy dự án của mình cho thật tốt. Ngay với chúng tôi khi tham dự 2 cuộc thi năm nay với 2 giải thưởng lớn ngoài những cái được như tôi nói, đó còn là cơ hội để chúng tôi tuyển dụng thêm nhân sự có năng lực, vì trong ngành công nghệ càng đi sâu càng khó tuyển người tài, nhất là với những dự án mới như của chúng tôi. 
- Như anh giới thiệu ở trên anh đang có những cộng sự rất trẻ nhưng đầy tài năng, điều gì đã giúp anh tuyển dụng được họ khi dự án của anh còn khá mới mẻ?
- Trước hết phải thừa nhận khi đi vào lĩnh vực công nghệ chuyên sâu cái thuận lợi có thể nhìn thấy rõ chính là thị trường rất rộng lớn vì chưa có nhiều đơn vị làm như mình. Chẳng hạn như dự án ShareCar ForAds ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có chúng tôi làm. Nhưng vì làm công nghệ chuyên sâu nên tuyển dụng nhân sự rất khó.
Công bằng mà nói chúng tôi không thể trả lương cho nhân viên của mình bằng với các DN, tập đoàn lớn, nhưng ngược lại chúng tôi lại cho họ cơ hội thử thách mình với những việc mà nếu vào tập đoàn lớn có thể họ không được làm tới. Chúng tôi tuyển dụng những người trẻ có khả năng tự học, và không ngại khi các bạn cứng cáp muốn ra làm riêng. 
- Từng thất bại với dự án khởi nghiệp Pinbike nhưng anh lại tiếp tục ngay với các dự án sau đó. Điều gì thôi thúc anh không bỏ cuộc khi thất bại?
- Điều quan trọng nhất với tôi mỗi ngày là luôn phải cảm thấy thú vị khi đến nơi làm việc, và điều làm tôi thích thú đưa ứng dụng công nghệ vào sản phẩm nhằm làm gia tăng giá trị. Khi thất bại với Pinbike tôi lại đi ngay vào dự án khác vì tôi nhìn ra cơ hội mới phù hợp với nhu cầu thị trường hơn, những cái làm tôi vui thích.
Thực ra ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học tôi đã khởi nghiệp nhưng 2 lần đầu cũng thất bại. Sau đó tôi quyết định đi du học ở Australia 8 năm và rồi lại muốn về Việt Nam khởi nghiệp ý tưởng của dự án Pinbike mà tôi đã suy nghĩ trước khi đi du học. 
- Xin cảm ơn anh.

Các tin khác