Bến Tre kết nối tiềm lực

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, chương trình giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bến Tre diễn ra tại The Garden Mall (quận 5, TPHCM), đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia. Đáng chú ý, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre và TPHCM được các DN 2 địa phương đặc biệt quan tâm. 

Sản phẩm Bến Tre chuyển mình
Bến Tre là một trong 13 tỉnh thành của vùng ĐBSCL, nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và nằm trên trục chính của tuyến giao lưu kinh tế các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Bến Tre có diện tích trồng cây lâu năm hơn 100.000ha. Trong đó cây ăn quả hơn 28.000ha, với các loại trái cây ngon như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, xoài, chuối, cam, quýt…
 Ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, cho biết sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm danh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, và bánh phồng Sơn Đốc cũng được được Bộ VHTTDL công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 
Đặc biệt, nói đến Bến Tre là nhắc đến thủ phủ dừa của Việt Nam, với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước trên 72.000ha, là nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Rất nhiều DN của Bến Tre đã dày công nghiên cứu để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị từ đặc sản này.
Bến Tre kết nối tiềm lực ảnh 1 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các DN Bến Tre và TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đó là Công ty dừa Phú Long của bà Ngô Thị Kiều Dương. Sau 15 năm nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm từ dừa, năm 2016 bà Dương đã cùng với Phú Long, công ty đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thủy phân enzym để chiết xuất dầu dừa, tạo nên loại dầu dừa đặc biệt tốt, thẩm thấu nhanh, không nhờn rít và giàu chất chống oxy hóa.
Hay bà Dương Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty dừa Cửu Long. Suốt hơn 10 năm nghiên cứu (2002 -2012), Cửu Long đã tung ra dòng sản phẩm mặt nạ dừa hoàn toàn tự nhiên. Ngoài ra, Cửu Long còn có các sản phẩm mỹ phẩm khác từ dừa như son dừa, dầu gội dừa… Các sản phẩm của Cửu Long không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.  
Không chỉ dừa, nhiều loại cây trái tự nhiên cũng được các DN khởi nghiệp của Bến Tre nghiên cứu để làm ra các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường, như sản phẩm nhang Thiên Phúc làm từ lá quào. Những nỗ lực của DN Bến Tre đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phân phối, DN thương mại điện tử… tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bến Tre và TPHCM.
Nói về hội nghị này, ông Lê Văn Khê khẳng định: “Đây là cơ hội giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, sản phẩm khởi nghiệp của Bến Tre. Tôi tin tưởng với sự năng động và sáng tạo, các DN Bến Tre sẽ tham gia tốt trong các chuỗi cung ứng, đưa hàng hóa của Bến Tre vào hệ thống phân phối của TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước". 

Nhiều DN đồng hành
Việc sở hữu nhiều thế mạnh trong nông nghiệp đã giúp Bến Tre thu hút được nhiều DN cùng đồng hành. Tại chương trình lần này, Bến Tre đã có sự phối hợp tổ chức của CTCP Đầu tư và phát triển Sunny Word và CTCP Dấu ấn Việt Nam. Sự kiện này cũng là khởi đầu cho sự đồng hành lâu dài của Sunny Word với UBND tỉnh Bến Tre trong triển khai quy hoạch với tầm nhìn phát triển của tỉnh đến năm 2030.
Ông Vincent Truong, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Sunny World Corp., chia sẻ: “Triển khai chương trình này thể hiện sự tâm huyết của chúng tôi được đồng hành cùng tỉnh Bến Tre nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung để quảng bá hình ảnh, thúc đẩy kết nối tiềm lực của tỉnh và khu vực đến với du khách, nhà đầu tư, mở ra các cơ hội, thị trường mới trong và ngoài nước". 
Đặc biệt, sự kiện trên của Bến Tre đã thu hút nhiều nhà phân phối lớn tại TPHCM như Saigon Coop. Đã có nhiều biên bản ghi nhớ giữa Saigon Coop và các DN tỉnh Bến Tre được thực hiện ngay tại hội nghị. Giải đáp những thắc mắc về việc đưa hàng vào Saigon Coop, ông Nguyễn Nhật Trường, đại diện nhà phân phối, chia sẻ những bước cần thiết để đưa hàng vào các siêu thị của Saigon Coop.
Theo đó, DN cần sắp xếp hồ sơ, hoàn thiện những thông tin pháp lý của nhà cung cấp, bảng kê danh mục hàng hóa và báo giá. Sau đó, khi liên hệ chào hàng cần có giấy giới thiệu của công ty, tránh trường hợp trung gian chào hàng lấy chi phí của nhà cung cấp, trong khi Saigon Coop không thu phí này. Sau khi nhận hồ sơ của nhà cung cấp, trong vòng 14 ngày làm việc, Saigon Coop sẽ trả lời trực tiếp bằng văn bản về việc có nhận hàng hay không. 
Không chỉ nhà phân phối, các DN thương mại điện tử cũng bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Bến Tre. Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Lazada Việt Nam, cho biết Bến Tre là tỉnh đầu tiên Lazada triển khai chương trình đưa thương mại điện tử về nông thôn. Với đầu mối là Sở Công Thương tỉnh, Lazada đang tìm kiếm những DN muốn kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
“Bước đầu chúng tôi còn gặp khá nhiều khó khăn do thói quen kinh doanh khác biệt. Lazada phải cùng DN tỉnh xây dựng những cách làm mới, như check email thường xuyên, hướng dẫn đóng gói đơn hàng, vận chuyển sao cho đúng thời hạn, tiết kiệm chi phí nhất… Chúng tôi rất tin tưởng về sự thành công cho cả 2 bên. Ngay trong ngày 20-5, Lazada sẽ tổ chức ngày dừa trên sàn của mình với rất nhiều hoạt động ý nghĩa, có tác động sâu đến người tiêu dùng về các sản phẩm của tỉnh Bến Tre”  - ông Tuấn nhấn mạnh. 
Trên thực tế, ngoài các DN, đại diện của nhiều sở, ngành TPHCM như Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và thương mại TPHCM (ITPC), cũng giới thiệu nhiều chương trình nhằm hỗ trợ DN tỉnh Bến Tre trong việc kết nối hàng hóa với TPHCM.
Đặc biệt bà Cao Phi Vân, Phó giám đốc ITPC, còn giới thiệu nhiều chương trình hoàn toàn miễn phí đơn vị này tổ chức, nhằm giúp các DN hiểu rõ những quy định, đòi hỏi khi đưa hàng vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước, cũng như các sàn thương mại điện tử lớn. 

Các tin khác