Cải cách phải thích ứng cỗ máy thời đại

(ĐTTCO) - Ngân hàng Thế giới (WB) đang giúp Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm. Vậy WB đang hỗ trợ Việt Nam những chính sách gì và đâu là trọng tâm? ĐTTC đã trao đổi với ông OUSMANE DIONE, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, xung quanh nội dung này. 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nội dung đầu tiên chiến lược này là gì?
Ông OUSMANE DIONE: - Đầu tiên là cải cách. Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) rất quan trọng trong thế giới cạnh tranh. Có điều tôi cần làm rõ là đôi khi mọi người cho rằng cải cách DNNN nhất thiết phải cổ phần hóa. Hoàn toàn không phải.
Vấn đề là làm sao DNNN có thể áp dụng quản trị, phương thức hiện đại để đảm bảo bền vững tài chính, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới… Bởi đã có DNNN thành công trên thế giới không cần cổ phần hóa, nhưng để được như vậy họ hoạt động theo kiểu DN tư nhân. Đó là điều khác biệt. Họ hợp lý hóa được nguồn lực, áp dụng những phương thức quản lý tài chính hiện đại, thậm chí đổi mới sáng tạo.
 Kinh tế Việt Nam đã chín muồi, sẵn sàng để cải cách nhanh hơn, quan trọng hơn, trong đó phát huy một số cải cách cụ thể để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cần có, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. 
Ông OUSMANE DIONE
Vì vậy, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho thời gian tới rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia thu nhập thấp. Trở thành quốc gia thu nhập trung bình, nghĩa là những thách thức cũ không còn, Việt Nam phải tiếp tục vươn lên.
Theo đó, rà lại mô hình, cần những động lực nào, chất liệu nào, phụ tùng nào để đưa vào cỗ máy chạy tiếp. Một trong những cải cách Việt Nam phải hết sức lưu ý là vấn đề về môi trường. Nếu cải cách gây tổn hại đến môi trường, trước sau cũng phải trả giá, và cái giá phải trả sẽ rất cao, hơn là xử lý ngay bây giờ. 
- Ông có thể nói cụ thể hơn?
- Thí dụ, nghiên cứu về ô nhiễm của chúng tôi cho thấy ước tính gây tổn thất đến 2,5-3% GDP Việt Nam. Một người nước ngoài có con cái muốn đến một thành phố làm việc, điều đầu tiên họ quan tâm là vấn đề ô nhiễm môi trường. Bởi điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, tiêu chuẩn sống…
Trong khi đó, một số thành phố của Việt Nam, như Hà Nội, TPHCM đang bắt đầu mất đi vẻ hấp dẫn vì ô nhiễm. Để thay đổi phải chuyển nhanh sang sử dụng năng lượng tái tạo, có thể là điện mặt trời, điện gió, hoặc khí tự nhiên, để giảm xả thải.
- Một vấn đề được quan tâm hiện nay là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Rất nhiều ý kiến nói Việt Nam là bên được lợi nhiều. Ở góc nhìn của ông thì sao?
- Tôi có thể nói rằng, tác động trước mắt hiện nay là tích cực, theo nghĩa có sự chuyển dịch địa bàn của một số DN từ Trung Quốc. Điều này cũng giúp một số lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được đẩy mạnh. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa mạnh, ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA…
Cải cách phải thích ứng cỗ máy thời đại ảnh 1  Một trong những cải cách Việt Nam phải hết sức lưu ý là vấn đề về môi trường. 
Những FTA đó tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thương mại, làm động lực tăng trưởng. Nhưng chiến lược Việt Nam cần quan tâm là khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang trở thành cuộc chiến tranh, chủ nghĩa bảo hộ bắt đầu xuất hiện.
Vì thế, Việt Nam cần để tâm, xem tác động thế nào, những ngành nào dễ bị tổn thương, cần phải làm gì để hỗ trợ ngành đó; đồng thời làm thế nào để quốc gia tìm ra lối đi thay thế, tìm ra thị trường khác, khi thị trường dành cho Việt Nam bị đóng cửa. 
Hiện tại, xu hướng chưa đến mức cảnh báo, nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam chỉ cần dựa vào quá khứ. Thực tế sau này có thể khác. Tôi mong Việt Nam tiếp tục cảnh giác trong bối cảnh nhiều chuyện xảy ra trên toàn cầu, để linh hoạt, thích ứng khi môi trường thay đổi nhanh chóng. 
- Việt Nam và EU đã ký FTA. Cơ hội được nhìn nhận là nhiều, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biến những cơ hội đó thành hiện thực. Ông có lời khuyên nào?
- Việc ký kết FTA với EU là điều hết sức quan trọng với Việt Nam, vì đây là thời điểm người ta nói nhiều về bảo hộ, khi ngày càng có nhiều nền kinh tế đang tìm cách hướng nội, hơn là hướng ngoại và ngại nói về tự do thương mại.
Với Việt Nam, việc ký kết này thể hiện sự cởi mở, trách nhiệm, coi trọng giá trị tác động tích cực thương mại có thể đem lại. Tôi cho rằng cơ hội nằm ở việc Việt Nam sẽ có thêm các đối tác đa dạng, mở ra thêm thị trường mới và khác biệt cho Việt Nam, nhưng đồng thời đặt ra nhiều tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam cần tuân thủ. Điều tốt là Việt Nam có thể học hỏi được nhiều bài học và thông lệ trên khắp thế giới, là điều kiện để DN Việt Nam thích ứng. 
Việt Nam hiện nay có lực lượng lao động dồi dào, đã đến độ chín, độ tuổi vàng. Sau thời kỳ này dân số bắt đầu bị già hóa, thậm chí rất nhanh. Thế hệ hiện nay là thế hệ có kiến thức, có thể hưởng lợi nhiều từ mở cửa nhiều hơn, và đó chính là điều EVFTA có thể tác động để Việt Nam có thể tiến nhanh hơn.
- Nhưng ở ASEAN, Singapore cũng đã ký FTA với EU, thưa ông?
- Việt Nam là quốc gia thứ 2, sau Singapore ký FTA với EU. Cạnh tranh với Singapore theo tôi là điều đáng tự hào. Ở góc độ nào đó nó phản ánh tiềm năng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và của Việt Nam cả về xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường và nhập khẩu.
Song điều đó cũng đặt ra năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu là DN lớn theo tôi không vấn đề gì, vì họ cũng đang áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh. Vấn đề là lựa chọn cải cách, lựa chọn những lĩnh vực, DN tạo ra giá trị gia tăng.
Còn với DN nhỏ, do quy mô và năng lực đổi mới sáng tạo của họ chưa được phát triển, có cách để song hành với họ, giúp họ thích ứng nhanh hơn, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, có khả năng kết hợp với DN FDI để học hỏi được nhanh hơn. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác