Cần cuộc kiến tạo thứ 2 cho xuất khẩu

(ĐTTCO)-Nhiều nước đang có sự thay đổi mạnh mẽ để tối ưu hóa, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa; chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước thể hiện qua hàng rào kỹ thuật ngày càng gia tăng. 
 
Chế biến cao su xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cao su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Thăng
Chế biến cao su xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cao su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: Cao Thăng

Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi, chủ yếu vẫn là gia công và xuất khẩu hàng thô. Nếu không có một cuộc cách mạng trong xuất khẩu, nhiều nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng hóa của các nước. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu 2017 với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức ngày 8-8 tại TPHCM.

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, thị trường xuất khẩu năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn, cần thay đổi để phát triển.

 Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những diễn biến khó lường. Chất lượng xuất khẩu, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam cần phải xem lại. Chúng ta xuất khẩu bất cứ thứ gì chúng ta có, xuất khẩu thô, đẩy nhanh số lượng.

Hiện nay, làn sóng xuất khẩu lần thứ 1 đã đạt đến ngưỡng phát triển theo mô hình này. Cùng quan điểm trên, nhiều diễn giả tại hội nghị cho rằng, năng lực cạnh tranh xuất khẩu sẽ ngày càng gay gắt, nhưng khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhỏ bé trong chuỗi cung ứng.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả có cùng quan điểm này và cho rằng Việt Nam cần một cuộc kiến tạo cho làn sóng xuất khẩu lần 2 để thay đổi năng lực cạnh tranh của sản phẩm, để nâng tầm thương hiệu, hình ảnh quốc gia. Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các luật lệ, chú trọng các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh mới có thể thuyết phục được các đối tác.

Về phía Chính phủ, cần tập trung thực hiện tốt cải cách môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Điều quan trọng, cần kiến tạo niềm tin. Chính phủ cần xây dựng lại quy tắc ứng xử trong xã hội Việt Nam. Toàn bộ các văn bản, nghị định sắp được xây dựng lại phải lấy quan điểm tin vào doanh nghiệp, nâng đỡ doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp rõ ràng.

Ngược lại luật pháp, chế tài phải đủ sức răn đe và nghiêm minh. Chỉ như vậy mới thúc đẩy kinh tế nói chung, xuất khẩu nói riêng phát triển trong giai đoạn mới.

Các tin khác