TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Cần thể hiện năng lực giải quyết vấn đề

(ĐTTCO) - Từ hôm nay 4-6 đến 6-6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 4 bộ trưởng: Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường, Lao động, Thương binh - Xã hội, Giáo dục - Đào tạo cùng các thành viên Chính phủ liên quan. Phiên chất vấn sẽ kết thúc bằng việc đăng đàn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Trước thềm các phiên chất vấn, ĐTTC đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu (ĐB) về nội dung này.

Cần thể hiện năng lực giải quyết vấn đề
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn):
Tạo bước chuyển biến về giáo dục
Tại phiên chất vấn lần này, Quốc hội đã chọn ra 4 lĩnh vực, tôi nghĩ rằng đây là 4 lĩnh vực các ĐB cũng như xã hội rất quan tâm vì đó đều là những lĩnh vực nóng, là những vấn đề  ở các nhiệm kỳ trước cử tri, ĐB quan tâm. Những nội dung này cần phải được làm rõ, trao đổi, thảo luận để cùng đi đến sự thống nhất về nhận thức, đánh giá vấn đề, chủ trương và giải pháp. 
Tôi quan tâm nhiều vấn đề về giáo dục. Chúng ta đang trong quá trình cải cách giáo dục, việc yêu cầu đổi mới toàn diện, căn bản về giáo dục theo nghị quyết của Đảng, trên thực tế cũng đặt ra nhiều việc cần phải làm. Cần có sự điều chỉnh từ vấn đề pháp luật đến chính sách cụ thể, văn bản dưới luật đến việc tổ chức thực hiện từ trên xuống dưới.
Làm sao để thay đổi được cả nhận thức từ cấp cơ quan quản lý đến nhận thức của mỗi người dân và toàn xã hội. Cần nhận thức lại vấn đề giáo dục và giáo dục đại học để có bước chuyển mới  nhằm xây dựng nền tảng giáo dục trên tinh thần đổi mới toàn diện. Đây là vấn đề các ĐB cũng như cử tri quan tâm vì nó gắn rất sát sườn với mỗi gia đình, mỗi con em chúng ta.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị):
Tăng tranh luận, phản biện
Kỳ này quy định chất vấn hỏi 1 phút, trả lời 3 phút rất hay, giúp Quốc hội tăng thêm số lượng câu hỏi cũng như tính tranh luận phản biện giữa các ĐB và Quốc hội, đồng thời giúp nâng cao chất lượng câu hỏi được trả lời.
Với cách chất vấn này, các bộ trưởng có đầy đủ năng lực và trí tuệ sẽ trả lời tốt các câu hỏi ĐB nêu. Nhưng tôi nghĩ phải thông cảm cho các bộ trưởng, bởi những vấn đề về chiến lược, quan điểm, biện pháp, trách nhiệm và mang tính vĩ mô có lẽ các bộ trưởng sẽ trả lời tốt. Ngược lại những vấn đề nhỏ quá  sẽ gây khó cho bộ trưởng, bởi xét trên phạm vi toàn ngành, toàn lãnh thổ bộ trưởng không thể giải quyết hết mọi vấn đề được. 
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai):
Thay đổi tư duy, kỹ năng mềm
Thế giới đang chuyển động theo hướng khoa học công nghệ cao, gắn với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh này, đáng tiếc mọi đổi mới giáo dục hiện nay vẫn chuyển động theo kiểu chỉ muốn làm nhanh, không phải muốn có bước xoay chuyển cơ bản về nhận thức. Ngành giáo dục phải thay đổi tư duy, đừng nên tìm những hình mẫu xưa từ trường này trường kia, phấn đấu bằng tốp này tốp kia hay quá chú trọng đến bằng cấp. Bằng cấp quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần thông qua phỏng vấn để biết được năng lực của ứng viên đến đâu, phù hợp với nhu cầu của họ không. Trong khi đó, chúng ta cứ mải bàn về những vấn đề phong giáo sư, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa… Cái ta cần chú trọng, theo tôi đó là tạo kỹ năng mềm, tạo môi trường sinh hoạt, và tạo ra cơ hội để người học có thể học tập suốt đời, học mọi nơi chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường.
ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): 
Làm rõ những điểm nóng
Ngành giao thông trong mấy ngày qua đã xảy ra liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt rất nghiêm trọng. Hay với câu chuyện BOT, hạ tầng giao thông còn hạn chế; tiến độ xây dựng sân bay Long Thành và các tuyến đường trọng điểm cũng chậm tiến độ. Với Bộ Tài nguyên - Môi trường là việc quản lý đất đai.
Sau giám sát của Quốc hội thời gian gần đây khiếu kiện về đất đai không giảm mà có dấu hiệu tăng, tỷ lệ các vụ khiếu kiện về đất đai trong số các đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng tăng. Rồi việc quản lý đất đai tại các khu đô thị, phát triển hạ tầng giao thông tại các đô thị, vấn đề ô nhiễm môi trường, các khu công nghiệp, chống biến đổi khí hậu… cần được người đứng đầu ngành làm rõ.
Với Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, việc giải quyết chính sách liên quan đến an sinh xã hội là vấn đề mang tính thường xuyên. Với chức năng quản lý nhà nước của bộ liên quan đến giáo dục nghề nghiệp như định hướng, phân luồng và thu hút như thế nào với đội ngũ học viên vào các trường nghề, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề nghiệp như thế nào, bố trí sắp xếp đội ngũ lao động liên quan đến nguồn nhân lực quốc gia như thế nào...
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): 
Làm rõ kẽ hở quản lý đất đai
Tôi quan tâm đến 2 vấn đề. Thứ nhất, với Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, hiện nay chúng ta đang hội nhập, đặc biệt với cách mạng 4.0, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định đến phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong số liệu báo cáo của Chính phủ, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng tăng. Mặc dù Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có nhiều giải pháp nhưng tôi nhận thấy chưa thực sự hiệu quả.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên - Môi trường, qua giám sát của Quốc hội trong vấn đề cổ phần hóa, đặc biệt là vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, tôi mong rằng Bộ Tài nguyên - Môi trường cần trả lời cụ thể những kẽ hở về quản lý đất đai đã gây ra nhiều thất thoát tài sản nhà nước. Bộ sẽ có giải pháp gì đề nghị Chính phủ cũng như trình Quốc hội nhằm tháo gỡ thể chế cũng như những quy định hiện nay để quản lý chặt chẽ hơn.

Các tin khác