Chủ động tránh tranh chấp thương mại về môi trường

(ĐTTCO) - Việc tham gia, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong thời gian vừa qua hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam.  Tuy nhiên, xu hướng đưa những tiêu chí môi trường vào các FTA để tăng tính ràng buộc, cam kết sẽ gây ra rất nhiều thách thức.
 Để tránh những rủi ro liên quan đến tranh chấp thương mại về môi trường, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các cấp quản lý, cộng đồng và doanh nghiệp (DN). 
Tiêu chí môi trường ngày càng siết chặt
Thời gian gần đây, có một xu hướng mới trong đàm phán và ký kết các FTA song phương và đa phương, đó là việc đưa nội dung môi trường hay phát triển bền vững vào thành một chương trong FTA. Đây được xem là thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Theo PGS-TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường, mức độ cam kết hay ràng buộc về môi trường trong các FTA tùy thuộc vào sự quan tâm của nước thành viên. Nếu không tuân thủ các yêu cầu đặt ra từ FTA, khi đó sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vi phạm sẽ bị kiện và đưa ra trọng tài quốc tế.
Ngành dệt may là một ví dụ. Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao. Dệt may cũng được xem là ngành sẽ nhận được nhiều ưu đãi từ các FTA. Song đây cũng là một ngành có thể gây ra nhiều tác động tới môi trường.
Chủ động tránh tranh chấp thương mại về môi trường ảnh 1 Xử lý nước thải tại doanh nghiệp sản xuất giấy, bao bì. Ảnh: CAO THĂNG 
Quá trình sản xuất của ngành sẽ phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn; đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng và tạo ra hơi nước. Đây chính là những yếu tố tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm ngành dệt may nước ta phải chi khoảng 3 tỷ USD cho năng lượng sản xuất, đội giá thành sản xuất lên cao và trở thành một trong những điểm yếu của sản phẩm dệt may Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu là do DN dệt may trong nước có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế nên vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Quy trình kiểm soát năng lượng và tiết kiệm năng lượng chưa được các chủ DN quan tâm. 
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay xu thế toàn cầu của khách hàng là  hướng tới sự bền vững môi trường nên DN bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, nếu không thay đổi DN Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội. Để hỗ trợ DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã triển khai dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam” thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững, nhằm thúc đẩy quản lý lưu vực sông tốt hơn, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả. 
Đáp ứng các quy định
Nhiều chuyên gia phân tích, việc thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong các thỏa thuận quốc tế và pháp luật quy định trong nước về môi trường không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong khuôn khổ các FTA, các nghĩa vụ này nghiêm khắc hơn. Cho đến nay, Việt Nam chưa có, thậm chí không có kinh nghiệm trong vấn đề này.
Là một quốc gia đang phát triển với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, việc thực thi một cách nghiêm túc nghĩa vụ liên quan đến môi trường cam kết trong các FTA đặt ra những thách thức và khó khăn không nhỏ cho Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về môi trường, song khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực môi trường còn chưa đầy đủ và thậm chí còn chồng chéo trong một số lĩnh vực cụ thể, gây khó khăn cho việc thực thi các cam kết quốc tế.
Có thể thấy rằng, thách thức chung đối với cộng đồng DN ở Việt Nam  hiện nay là quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh quá phụ thuộc vào tài nguyên hóa thạch; chưa đầu tư nguồn lực xứng đáng và lúng túng trong bảo vệ môi trường; DN chưa chọn lựa được mô hình tăng trưởng có tính bền vững và thân thiện môi trường. Để giải quyết các vấn đề này, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, đội ngũ cán bộ tham gia giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế về thương mại liên quan đến môi trường. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng DN trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường trong các FTA. 
Theo PGS-TS Phạm Văn Lợi, phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ DN nào cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Trước những thách thức mà các DN Việt Nam đang gặp phải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành và địa phương xây dựng “Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các FTA” để trình Chính phủ, trong đó đề xuất Bộ Công thương thành lập cơ quan chuyên trách tiếp nhận thông tin của các nước thành viên FTA phản hồi về những vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN khi tham gia các hiệp định.
 FTA điển hình có mức độ ràng buộc cao là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nội dung, chủ đề liên quan đến môi trường của hiệp định được đưa vào thành những cam kết cụ thể, bao gồm đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai; lâm nghiệp và các sản phẩm lâm nghiệp; tài nguyên biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản; biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ozone; bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển từ tàu biển; đánh bắt hải sản; trách nhiệm xã hội của DN và cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường…

Các tin khác